• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Đà Nẵng: Mua đất “vàng” với giá hời

Sau hơn năm năm triển khai, giờ đây khu biệt thự Đảo Xanh (P.Hòa Cường Bắc, Q.Hải Châu) đã trở thành một khu VIP số 1 của Đà Nẵng với những ngôi biệt thự lộng lẫy nhất TP.

Mua nhiều, tính ít

Theo ông Thân An - giám đốc Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng Nam Việt Á đồng thời là chủ đầu tư khu biệt thự Đảo Xanh, toàn bộ đất nền ở dự án rộng hơn 3ha này được bán hết từ lâu. Còn theo một khảo sát thị trường vào giữa tháng 5/2011, đất tại Đảo Xanh giao dịch không dưới 30 triệu đồng/m2.

Ngày 31/5, phát biểu tại hội nghị quản lý và sử dụng đất đai trên địa bàn TP Đà Nẵng năm 2011, ông Nguyễn Điểu, giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường TP Đà Nẵng, cho rằng: “Việc quy định giá đất để đàm phán, kêu gọi đầu tư của TP Đà Nẵng đã đáp ứng kịp thời thông tin, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tính toán hiệu quả, cân nhắc đầu tư. Tuy nhiên, điều này không phù hợp với quy định của trung ương và đề nghị trung ương nên sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế”.
Với mong muốn biến quỹ đất dọc hai bên sông Hàn thành những điểm nhấn của TP, sau khi kết thúc dự án khu biệt thự Đảo Xanh, Viện Quy hoạch đô thị Đà Nẵng tiếp tục quy hoạch khu đất rộng hơn 71.463m2 ở phía tây bắc công viên Đông Nam Đài Tưởng Niệm thành khu biệt thự, nhà vườn cao cấp, trong đó 44.428m2 (tương đương 62%) đất sẽ dùng làm nhà vườn, biệt thự, phần diện tích còn lại làm hạ tầng giao thông, công viên cây xanh. Như vậy căn cứ trên quy hoạch đã lập sẽ có 66 nền biệt thự nhà vườn (mỗi nền 500-700m2) được xác lập chờ người mua.

Ngày 17/2/2011, TP Đà Nẵng ra quyết định quy định giá đất ở để kêu gọi đầu tư vào khu đất với giá 7 triệu đồng/m2. Theo bà Nguyễn Thị Thu Hà - chủ tịch Hội đồng thẩm định giá TP, giá đất được hội đồng định giá dựa trên giá chuyển nhượng của thị trường tại khu vực này là 13 triệu đồng/m2. Sau khi phân tích, tính toán hội đồng đã đưa ra mức giá khởi điểm 7 triệu đồng/m2, được áp dụng cho toàn bộ khu đất rộng 71.463m2. Chưa đầy hai tháng sau, khu đất nhà vườn biệt thự cao cấp trên đã chính thức có chủ và chủ nhân không ai khác chính là Công ty Nam Việt Á.

Theo lời ông Nguyễn Văn Cán - chánh văn phòng UBND TP Đà Nẵng, sau một thời gian kêu gọi đầu tư, chỉ có Công ty Nam Việt Á quan tâm đến khu đất. “Vì thế TP đồng ý chuyển quyền khu đất cho doanh nghiệp với giá 7 triệu đồng/m2”.

Điều hết sức khó hiểu là UBND TP Đà Nẵng chỉ thu tiền sử dụng đất đối với phần diện tích 44.428m2, không thu trọn gói diện tích (71.463m2) như trong quyết định ban đầu để kêu gọi đầu tư. Theo tìm hiểu, giá đất chuyển nhượng cho Công ty Nam Việt Á còn thấp hơn cả giá đất UBND TP Đà Nẵng ban hành năm 2011 ở khu vực này là 7,9 triệu đồng/m2, trong khi giá đất nền giao dịch trên thị trường tại đây không dưới 25 triệu đồng/m2.

Theo bà Hà, giá 7 triệu đồng/m2 được hội đồng định giá cho toàn bộ khu đất 71.463m2. “Nguyên tắc xác định giá đất dự án là cho toàn bộ diện tích chứ không phải một phần diện tích đất ở. Còn nếu chỉ thu tiền sử dụng đất trên diện tích 62% thì giá đất phải là 13 triệu đồng/m2”. Như vậy chỉ riêng việc thay đổi cách thức tính thu tiền sử dụng đất, nhà đầu tư đã hưởng lợi không dưới 190 tỉ đồng.

Không định giá đất quá cao

Ngày 18/11/2010, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Văn Minh đã có công văn về việc triển khai thực hiện thông báo số 13 (ban hành ngày 10/11/2010) của Thành ủy Đà Nẵng về đấu giá quyền sử dụng đất trong thời gian qua và nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.

Theo đó, “đối với đất quốc phòng cần cân nhắc, tính toán xác định ở mức chấp nhận được để tạo mối quan hệ trong việc giải quyết thủ tục thu hồi đất, giao đất quốc phòng phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế của TP. Đối với diện tích đất chuyển quyền cho các nhà đầu tư xây dựng dự án phát triển kinh tế và du lịch, xây dựng trường học nên xem xét từng trường hợp cụ thể (không nên xác định giá quá cao) để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư góp phần cùng TP phát triển kinh tế - xã hội”.

Theo ông Thân An, “khu đất này ban đầu có ba người tham gia nhưng sau đó TP Đà Nẵng vận động ủng hộ thêm quỹ pháo hoa và quỹ bệnh viện ung thư nên họ tự rút lui. Khi chúng tôi được chuyển quyền khu đất cũng phải đóng 7 tỉ đồng cho cả hai quỹ”.

Trong khi ông An xác nhận “toàn bộ hạ tầng bên trong dự án đều do phía TP làm” thì ông Nguyễn Văn Cán một mực khẳng định TP chỉ đầu tư hạ tầng ngoài khu đất, còn Công ty Nam Việt Á đầu tư hạ tầng bên trong khu đất (71.463m2). Ông Cán cũng xác nhận giá 7 triệu đồng/m2 được áp dụng cho toàn bộ diện tích đất.

Khi chúng tôi đưa quyết định của TP chỉ thu tiền 62% diện tích, ông Cán lại nói: “Phần đất dùng chung (phần xây dựng hạ tầng) không được cấp sổ đỏ nên TP chỉ tính giá trên phần diện tích được cấp sổ đỏ”.

Giao đất không đấu giá

Cuối năm 2010, sau khi hoàn tất việc giải tỏa và xây dựng hạ tầng, đường Như Nguyệt (đường Bạch Đằng nối dài chạy quanh chân cầu Thuận Phước) bỗng trở nên đắc địa bởi mặt tiền đường được quy hoạch là bến du thuyền. Vào thời điểm sau Tết Nguyên đán 2011, giá đất thị trường tại khu vực này dao động trên dưới 30 triệu đồng/m2.

Trong lúc các doanh nghiệp bất động sản đang săn chờ thông tin về các khu đất thì họ bất ngờ nhận được tin: một trong các khu đất “vàng” ba mặt tiền này đã được TP giao cho Công ty cổ phần xây dựng công trình giao thông 586 (Cienco 5). Theo tìm hiểu, ngày 13/4/2011, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Võ Duy Khương ký quyết định quy định giá đất ở đối với khu đất rộng 4.900m2 cho Công ty 586 với giá 15,7 triệu đồng/m2 để xây dựng khu thương mại khách sạn.

Lý giải vì sao TP không đấu giá khu đất mà lại giao thẳng cho doanh nghiệp với giá chỉ bằng một nửa giá thị trường? Ông Nguyễn Văn Cán cho rằng năm 2008 TP có chuyển quyền cho Công ty 586 một khu đất rộng 2.400m2 gần đó. Đến cuối năm 2010, do điều chỉnh quy hoạch nên TP đã thu hồi khu đất trên dùng làm đảo giao thông. Để bù lại thiệt thòi, phía TP thống nhất hoán đổi khu đất rộng 4.900m2 gần đó cho Công ty 586.

Ông Cán cũng cho rằng: “Nếu không xảy ra chuyện thu hồi khu đất đã bán cho Công ty 586 trước đó, khu đất 4.900m2 này sẽ được đưa ra đấu giá. Nhưng vì có chuyện thu hồi đất của doanh nghiệp nên giờ tính toán làm sao để doanh nghiệp không bị thiệt thòi”.

(Theo TTO)

  • 0
  • By Admin
  • 07/06/2011
  • 17