• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Đà Nẵng: Hụt hơi trước chủ trương lớn

Thời kỳ hậu giải tỏa đền bù, hàng ngàn nông dân phải chuyển đổi ngành nghề vì mất đất sản xuất. Bài toán tìm việc làm vẫn là vấn đề nan giải đối với người dân vùng giải tỏa. Nhiều nông dân phải chuyển sang hành nghề xe ôm kiếm sống.

Giải tỏa nhưng không tính đến công ăn việc làm

Theo thống kê, tình trạng học viên bỏ học tại các trường nghề ở Đà Nẵng hằng năm từ 7%-10%; nhưng thực tế, con số đó cao hơn rất nhiều.

Ông Phan Xuân Sơn, Phó Phòng Quản lý đào tạo nghề Sở LĐ-TB-XH TP Đà Nẵng, cho biết tại một số trường dạy nghề ở huyện Hòa Vang và Liên Chiểu, dù có trợ cấp ăn trưa 5.000 đồng/học viên, hỗ trợ xăng xe đối với các học viên ở xa, nhưng các học viên thường xuyên vắng học, vi phạm quy chế chuyên cần, nằm trong danh sách bị đuổi học. Tình thế này buộc các giảng viên phải vừa dạy vừa... dỗ dành học viên.

Sơ kết sau 2 năm thực hiện đề án 65, có 190 trường hợp cho vay và giải ngân 5,14 tỉ đồng, trực tiếp tạo việc làm cho 330 lao động, đào tạo nghề cho 1.390 lao động thuộc diện đền bù giải tỏa. Con số trên quá thấp so với sự kỳ vọng ban đầu đề án đã đặt ra: Hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề cho 100% đối tượng không còn đất sản xuất (2.000 - 3.000 lao động/năm), đào tạo nghề miễn phí cho 4.000-5.000 học sinh/năm, giải quyết cho 2.000 - 3.000 hộ thuộc diện có nhu cầu chuyển đổi ngành nghề, vay vốn sản xuất, kinh doanh tự tạo việc làm từ nguồn quỹ quốc gia giải quyết việc làm.

Sự lệch pha giữa chủ trương và thực tiễn bắt nguồn từ sự thiếu phối hợp đồng bộ giữa Sở LĐ-TB-XH với các ban quản lý đền bù giải tỏa. Ban quản lý cứ việc giải tỏa mà không tính toán đến lực lượng lao động trong và ngoài độ tuổi ảnh hưởng như thế nào đến công ăn việc làm, các vấn đề sản xuất kinh doanh. Khi mọi chuyện đã rồi, sở mới chạy theo sau để giải quyết khắc phục nên rơi vào tình trạng hụt hơi là điều dễ hiểu.

Nơi tái định cư thiếu chất lượng

Đà Nẵng: Hụt hơi trước chủ trương lớn
Không ít lao động tái định cư tại
phường Hòa Minh chuyển sang
chạy xe ôm.

Vấn đề tái định cư cũng thể hiện sự hụt hơi. Hệ thống ống cống nhỏ nằm ngay tim đường 3,5 m trong các khu phố An Mỹ, An Trung (phường An Hải Tây, quận Sơn Trà) đã phát sinh những hạn chế, quá tải trước nhu cầu thoát nước thải sinh hoạt

Tại khu chung cư Hòa Minh (quận Liên Chiểu), hầu như tất cả công trình phụ chỉ sau vài năm sử dụng đã bị xuống cấp, hố ga bị xì khiến mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Nước thải từ tầng trên theo các đà dầm chảy xuống tầng dưới là chuyện cơm bữa, các hộ dân đành tự khắc phục. Mặt nền nhà được xây dựng trên nền đất yếu, thi công lại không gia cố kỹ càng nên hiện nay gạch đá cứ chỗ lồi chỗ lõm.

Toàn phường Hòa Minh có hơn 30 tổ dân phố được thành lập thuộc diện tái định cư nhưng chỉ có 2 chợ tạm ở khu Hòa Phú 4 và Hòa Phú 6 được dựng trên nền đất của các hộ dân chưa có nhu cầu xây dựng nhà ở. Chị Lê Thị Bông, ngụ tổ 61, phường Hòa Minh, than thở: “Hồi ở dưới Thuận Phước nghèo thiệt nhưng ít ra cũng có thể ra bến lấy ít tôm cá buôn bán qua ngày. Chừ lên đây chỉ biết ngồi trông ra, ai kêu gì làm nấy”.

Chính sách việc làm chưa được quan tâm đúng mức

Để giải quyết tình trạng an cư, lạc nghiệp cho người dân vùng giải tỏa, mới đây UBND TP Đà Nẵng đã ban hành quyết định về việc sửa đổi, bổ sung một số quy định của đề án hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề, giải quyết việc làm, ổn định đời sống đối với đối tượng trong diện thu hồi đất sản xuất, di dời, giải tỏa trên địa bàn.

Tuy nhiên, giải pháp này vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm bài toán ổn định cuộc sống lâu dài cho nông dân bị thu hồi đất. Ông Nguyễn Quang Nga, Chủ tịch Hội Nông dân TP Đà Nẵng, cho rằng chủ trương của TP là đúng nhưng chính sách giải quyết việc làm cho nông dân mất đất sản xuất chưa được quan tâm đúng mức.



Theo Người Lao Động

  • 0
  • By Admin
  • 04/08/2008
  • 17