Đà Nẵng: Dân đồng loạt trưng biển "bán nhà gấp" cạnh cây cầu nghìn tỷ
Những hộ dân ở đây giải thích, sở dĩ họ căng băng-rôn “Cần bán nhà gấp” là vì trước đây, ngôi nhà họ đang sinh sống thuộc diện giải tỏa, đền bù theo hình thức tái định cư tại chỗ và có thu tiền sử dụng đất. Tuy nhiên, các hộ dân đều cho rằng thành phố thực hiện đền bù không thoả đáng. Ngoài ra, công trình này không chỉ giảm mặt cắt đường, làm giảm giá trị của nhà đất mà còn ảnh hưởng đến việc kinh doanh của họ.
Những băng-rôn với nội dung “Cần bán nhà gấp” được người dân căng dày đặc bên cây cầu vừa xây dựng với kinh phí 2.000 tỷ. |
Chiều cùng ngày, đại diện UBND quận Thanh Khê đã có buổi gặp gỡ để lắng nghe ý kiến của những hộ dân này.
Theo ông Nguyễn Văn Tĩnh - quyền Chủ tịch UBND quận Thanh Khê, “trước mắt, UBND quận đã vận động được người dân tiến hành tháo dỡ băng-rôn, vì đây được xếp vào hành vi vi phạm quảng cáo vì chưa xin phép Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Ngoài ra, đây cũng là hành vi gây phản cảm, làm mất mỹ quan đô thị.
Trước đó, phía lãnh đạo thành phố cũng có chỉ đạo quận Thanh Khê rà soát và tăng thêm mức hỗ trợ đền bù. UBND quận cũng đã có quyết định và mời người dân lên nhận hỗ trợ. Việc hỗ trợ này thực ra không hề có trong quy định nào hết. Tuy nhiên, các hộ dân vẫn cho rằng mức hỗ trợ đó chưa thỏa đáng. Thậm chí, UBND TP Đà Nẵng còn hứa, khi cầu khánh thành xong sẽ họp dân và đưa ra mức hỗ trợ khác, thế nhưng người dân không tin nên đã cùng nhau tổ chức phản đối trước ngày cây cầu khánh thành”.
Về vấn đề này, ông Lê Minh Trung - Bí thư Quận ủy Thanh Khê cũng cho biết: "Việc hỗ trợ này không hề có trong quy định, cũng chưa có tiền lệ. Các hộ bị ảnh hưởng kinh doanh do sự thay đổi mặt cắt là chuyện có thật cho nên lãnh đạo thành phố đã quan tâm xem xét, hỗ trợ, chứ không thể nào áp dụng giống việc giải tỏa, đền bù theo như mong muốn của bà con được.
Cây cầu này là công trình quan trọng, nhằm phục vụ cho người dân Đà Nẵng và cũng là trục đường từ các tỉnh phía Bắc đi vào. Khi công trình đi vào hoạt động, người dân phải chấp nhận một số thiệt hại, nhưng chính họ cũng là đối tượng được hưởng lợi từ công trình này. Trước khi xây cầu, người dân ở đây từng phải chứng kiến nhiều cảnh tai nạn giao thông, rất ám ảnh. Đặc biệt, nếu những người bị tai nạn giao thông đó chẳng may lại là người thân của chúng ta thì sẽ như thế nào.
Thành phố đã có chính sách hỗ trợ nhưng cũng chỉ có thể ở mức tương đối. Không phải khi công trình hoàn thành, các kiến nghị của người dân sẽ không được xem xét nữa. Người dân có thể kiến nghị, nhưng mọi thứ đều phải nằm trong quy định của pháp luật".
- 0
- By Admin
- 25/03/2015
- 17