Đà Nẵng: Câu chuyện "tế nhị" về đất cho các dự án vốn FDI
Không còn đất tại Đà Nẵng cho các dự án vốn FDI?
Trước việc thu hút vốn FDI (đầu tư trực tiếp nước ngoài) vào Đà Nẵng ngày càng sa sút, sáng ngày 20/3, UBND TP. Đà Nẵng đã tổ chức hội nghị với chủ đề “Đánh giá công tác xúc tiến đầu tư nước ngoài vào TP. Đà Nẵng”.
Tại hội nghị, ông Lâm Quang Minh, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư Đà Nẵng cho biết, mặc dù đã rất nỗ lực nhưng kết quả của công tác thu hút vốn FDI năm 2014 và vài năm gần đây vẫn chưa đạt được như mong muốn.
Hội nghị "Đánh giá công tác xúc tiến đầu tư nước ngoài vào TP. Đà Nẵng" do UBND TP tổ chức vào sáng ngày 20/3. Ảnh: HC |
Ông Lâm Quang Minh cho rằng, trong số các nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, vấn đề liên quan đến đất đai đóng vai trò hết sức quan trọng. Hầu hết đất ven biển TP hiện nay đã có chủ đầu tư. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân nên các chủ đầu tư này đã dừng triển khai dự án. Trong khi đó, vì không còn đất nên các nhà đầu tư mới thì không có cơ hội để tham gia đầu tư.
Còn một số dự án về giáo dục, thương mại, y tế,... thì do chưa được quy hoạch cụ thể nên gặp khó khăn trong việc tìm địa điểm đầu tư phù hợp. Bên cạnh đó, một vài địa điểm đã được quy hoạch thì lại gặp khó khăn trong việc nhận mặt bằng cũng như các tiện tích cần thiết khác.
Tính đến hiện tại, các KCN ở Đà Nẵng đạt tỷ lệ lấp đầy là 87,0%; riêng KCN Đà Nẵng, Hòa Khánh và Dịch vụ Thủy sản Đà Nẵng đạt tỷ lệ lấp đầy 100% nên còn rất ít đất trống có diện tích lớn có thể đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư tầm cỡ.
Ông Nguyễn Điểu, Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường Đà Nẵng cũng nói rõ, quỹ đất còn lại tại Đà Nẵng để phục vụ cho các doanh nghiệp FDI hoặc các doanh nghiệp khác rất hạn chế. Sở cũng đã báo cáo lên lãnh đạo TP và tiến hành tổ chức kiểm tra, rà soát quỹ đất trên toàn TP. Kết quả cho thấy, hiện có hơn 60 dự án được giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đã thực hiện nghĩa vụ tài chính đầy đủ hoặc một phần, nhưng chủ đầu tư không đảm bảo đủ năng lực đầu tư nên không xúc tiến việc đầu tư.
Đất đầu tư cho dự án tại Đà Nẵng: Kẻ “trùm mền”, người mơ ước
Ông Nguyễn Điểu cũng cho biết, ngay từ giai đoạn đầu năm 2014, lãnh đạo TP. Đà Nẵng đã có chỉ đạo các sở, ban, ngành hỗ trợ các dự án BĐS – du lịch đẩy nhanh tiến độ thực hiện và yêu cầu các chủ đầu tư dự án ký cam kết. Nếu đến thời hạn đã cam kết mà vẫn chưa triển khai dự án thì TP sẽ thu hồi dự án theo quy định của pháp luật. Các dự án này đã cam kết đến quý I/2015 sẽ triển khai nhưng đã hết thời hạn mà các dự án vẫn chưa khởi động hoặc khởi động kiểu đối phó.
Ông Nguyễn Điểu, Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường Đà Nẵng phát biểu tại hội nghị "Đánh giá công tác xúc tiến đầu tư nước ngoài vào TP. Đà Nẵng" . Ảnh: HC |
“Quỹ đất của TP đang được sử dụng rất lãng phí. Hàng trăm ha đất ven biển và ở các khu vực trọng điểm đang "đắp mền" nằm đó, không sử dụng. Khi làm việc với các doanh nghiệp được giao đất thì họ nói họ mua đất rồi, thực hiện đủ nghĩa vụ tài chính với Nhà nước rồi chứ không phải xin giao đất. Tuy nhiên, dù họ nộp tiền sử dụng đất sòng phẳng nhưng pháp luật có quy định, nếu tổ chức, cá nhân không sử dụng đất trong vòng 12 tháng hoặc dự án bị chậm tiến độ 24 tháng thì Nhà nước có quyền thu hồi!”, ông Nguyễn Điểu nhấn mạnh.
Tuy nhiên, ông Điểu cũng cho biết, xung quanh việc thu hồi sẽ có rất nhiều vấn đề trái chiều như: “Thu hồi thì phải bồi thường thiệt hại. Mà thiệt hại thì có thiệt hại hữu hình và vô hình. Có nhiều đồng chí ở đây biết rất rõ cơ chế của Đà Nẵng chúng ta. Thiệt hại hữu hình là như thế nào, thiệt hại vô hình là như thế nào, chắc biết rồi. Nếu đặt ra vấn đề này bây giờ thì rất tế nhị, khó cho việc giải quyết!”.
Cũng theo ông Nguyễn Điểu, Sở Tài nguyên & Môi trường đã nhiều lần kiến nghị thu hồi các dự án trên địa bàn TP. Đà Nẵng để phục vụ kêu gọi đầu tư. Ông tin chắc rằng, nếu có đất sạch, có cơ chế, chính sách rõ ràng, hợp lý thì khu vực ven biển, trung tâm TP sẽ rất được các doanh nghiệp FDI quan tâm. Ví dụ, ở trung tâm TP có các dự án trên đường Nguyễn Chí Thanh, Phan Châu Trinh, Nguyễn Chí Thanh… hiện đang “trùm mền” trong khi các doanh nghiệp FDI rất “thèm muốn” các vị trí này. Nhưng việc xử lý các “vấn đề tế nhị” như ông Điểu nêu trên lại không đơn giản nếu TP không quyết tâm.
“Chúng ta phải có quỹ đất sạch. Tại TP chúng ta hiện nay đang có tình trạng đất có chủ nhưng chủ không bao giờ sử dụng, vì họ muốn mua đi bán lại kiếm lời. Những dự án này có rất nhiều mà báo chí vẫn thường phản ánh là những dự án “có vấn đề”. Nếu tiếp tục để tồn tại tình trạng này là chúng ta có tội, lãng phí vô cùng. Do đó, việc đầu tiên chúng tôi kiến nghị TP là phải quyết liệt thu hồi!”, ông Nguyễn Điểu nói.
Chủ đầu tư không có năng lực thì phải nhường lại đất tại Đà Nẵng cho đơn vị khác
Ông Nguyễn Điểu cho rằng, nếu Đà Nẵng quyết tâm thì việc thu hồi các dự án nhiều năm không triển khai không phải không thể làm được. Các chủ đầu tư bỏ vào đó 50 - 70 tỷ đồng nhưng có những dự án đã 5 – 10, thậm chí 12 năm rồi vẫn không triển khai, gây lãng phí rất lớn cho xã hội. Các chủ đầu tư đang cần cơ chế chính sách để thu hồi vốn và TP. Đà Nẵng cũng có điều kiện để kêu gọi đầu tư.
Nhiều chủ đầu tư giữ đất ven biển nhiều năm nhưng không sử dụng trong khi các nhà đầu tư nước ngoài lại rất "thèm muốn" các vị trí này. Ảnh: HC |
Ông Nguyễn Điểu kể, hai năm trước đây, ông có tiếp một đại diện doanh nghiệp Nhật Bản có nhu cầu đầu tư một trường dạy tiếng Nhật và dạy nghề cho lao động để đưa qua Nhật tại TP. Đà Nẵng. Doanh nghiệp này cần có đất sạch ở ven biển hoặc khu vực trung tâm TP. “Tôi thấy doanh nghiệp rất tha thiết, rất tâm huyết đến đặt vấn đề mà còn mang quà theo nữa. Tôi cho rằng điều này cho thấy xu hướng các doanh nghiệp FDI đầu tư vào Đà Nẵng đang ngày càng lớn lên. Do đó, chúng ta cần thiết phải có cơ chế rõ ràng về vấn đề đất đai, quy hoạch, môi trường…”, ông nhấn mạnh.
Ông Điểu cũng kiến nghị, để góp phần tạo dựng “cơ chế rõ ràng” đó, TP. Đà Nẵng cần xây dựng cổng thông tin điện tử chuyên đề về đất đai sớm nhất có thể, trong đó nêu rõ các vấn đề như quy hoạch đất đai, giá đất, cơ chế bồi thường giải tỏa, các thủ tục hành chính… để cung cấp thông tin một cách đầy đủ và chính thống cho các nhà đầu tư. Nguyên nhân là hiện có rất nhiều đơn vị "cò mồi" dịch vụ làm tư vấn không chính xác, không chính thống, gây sức ép rất lớn cho các nhà đầu tư.
Trả lời phỏng vấn cuủa phóng viên, ông Phùng Tấn Viết, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho biết, năm 2014 TP đã tiến hành rà soát tất cả các dự án ở ven biển cũng như ở khu vực trung tâm. Quan điểm của chính quyền TP trước hết là tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tư trong lúc khó khăn, yêu cầu họ phân kỳ và cam kết trong quý I, chậm nhất là quý II/2015 sẽ phải triển khai dự án.
“Thời gian tới, chúng tôi sẽ chỉ đạo rà soát lại tất cả các cam kết mà các chủ đầu tư đã ký trước đó, nếu chủ đầu tư nào không thực hiện đúng, chúng tôi sẽ mời lên làm việc để định hướng cho họ đầu tư. Còn nếu các đơn vị đó thực sự không có năng lực thì chúng tôi yêu cầu phải thực hiện theo đúng Luật Đất đai, nhường dự án lại cho các nhà đầu tư khác có năng lực hơn!”, ông Phùng Tấn Viết nói.
- 0
- By Admin
- 21/03/2015
- 17