Đà Nẵng: Báo động tình trạng giả báo mất sổ đỏ
Trong khi đó, quy trình cấp lại sổ đỏ lại rất đơn giản và việc phát hiện cũng không hề dễ dàng.
Theo Chi nhánh Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất 1 cấp tại quận Sơn Trà, vụ việc gần đây nhất mà đơn vị phát hiện được là nhờ có sự tố giác của người bị hại nên đơn vị đã tiến hành thu hồi kịp thời sổ đỏ đã được cấp mới. Theo đó, ngôi nhà nằm trên mặt tiền đường Trần Hưng Đạo (phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà) với diện tích 125m² do bà Phạm Thị Tiến mua vào năm 2003. Năm 2008, bà Tiến làm hợp đồng ủy quyền cho bà Trần Quốc Thị Minh Tâm. Nội dung ủy quyền nêu rõ, bên B (tức là bà Tâm) được toàn quyền quản lý, sử dụng, chuyển quyền sử dụng lô đất nói trên. Như vậy, về pháp lý, việc ủy quyền này thực chất là chuyển quyền sử dụng. Căn cứ theo hợp đồng ủy quyền, bà Tâm chuyển nhượng căn nhà cho con là ông Võ Đình Vượng. Ông Vượng lại làm hợp đồng cho lại mẹ mình là bà Tâm, cuối cùng bà Tâm là người đứng tên trong sổ đỏ.
Những trường hợp bị đề nghị ngăn chặn việc cấp sổ đỏ mới đang được niêm yết công khai tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất 1 cấp ở TP Đà Nẵng. |
Sau đó bà Tiến từ Mỹ về trình báo mất sổ đỏ và được UBND quận Sơn Trà cấp lại sổ đỏ mới. Phát hiện sự việc này, bà Tâm đã làm đơn phản ánh với cơ quan chức năng. Quận Sơn Trà đã ra quyết định thu hồi, hủy sổ đỏ của bà Tiến. Như vậy, với việc mua đi bán lại lòng vòng, thông qua phương thức ủy quyền, ngôi nhà đã có đến 2 sổ đỏ, việc tranh chấp kéo dài trong nhiều năm.
Bà Phạm Thị Thủy, Phó Giám đốc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất 1 cấp tại quận Sơn Trà, cho biết: Thời gian qua, chúng tôi tiếp nhận rất nhiều hồ sơ báo mất sổ đỏ. Qua xác minh, hồ sơ mất sổ đỏ thật rất ít, mà mất giả thì nhiều. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2013 đến nay, chúng tôi tiếp nhận 10 hồ sơ, trong đó có 2 trường hợp mất thật, còn lại là mất giả. Việc xác minh không hề đơn giản, đòi hỏi nhiều thời gian, gây rất nhiều khó khăn cho chúng tôi.
Cũng theo bà Phạm Thị Thủy, có 3 nguyên nhân, động cơ khiến cho người dân báo mất sổ đỏ giả. Thứ nhất là tranh chấp sau khi chuyển nhượng bằng hình thức ủy quyền như đã nêu ở trên. Thứ hai là trong nhà có người cầm sổ đỏ thế chấp “vay nóng” nên gia đình báo mất sổ đỏ để làm lại. Thứ ba là Việt kiều nhờ người thân đứng tên mua nhà đất, sau đó mang sổ sang nước ngoài. Ở nhà, vì lòng tham, người đứng tên mua nhà đất báo mất sổ đỏ để làm sổ khác. Trong khi đó, quy trình làm lại sổ đỏ theo Thông tư 16/2011/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên - Môi trường và Quyết định 31/2012/QĐ-UBND của UBND TP Đà Nẵng thì rất đơn giản.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, không chỉ riêng quận Sơn Trà mà các quận, huyện khác trên địa bàn TP Đà Nẵng cũng đang xảy ra tình trạng tương tự. Trong đó, huyện Hòa Vang có số lượng báo mất sổ đỏ nhiều nhất. Theo số liệu của Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất 1 cấp TP Đà Nẵng, tính từ tháng 8-2012 đến tháng 5-2013 đã có 80 trường hợp báo mất sổ đỏ để làm lại. Trong đó, có 9 trường hợp các cơ quan chức năng đề nghị ngăn chặn không được cấp sổ mới và đang được niêm yết tại Phòng Đăng ký và Quản lý dữ liệu địa chính của đơn vị. Đó là chưa kể những trường hợp “lọt lưới”, chưa phát hiện được.
Ông Nguyễn Văn A, Phó Giám đốc Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất 1 cấp TP Đà Nẵng, cho rằng: Việc phát hiện người dân báo giả mất sổ đỏ để làm lại không hề đơn giản. Bởi theo quy định, khi người dân nộp đầy đủ các giấy tờ chứng minh bị mất sổ đỏ thì chúng tôi sẽ tiến hành các quy trình tiếp theo để cấp lại. Ví dụ, trường hợp một người ở Mỹ về nhờ người thân đứng ra mua một miếng đất. Sau đó, cầm sổ đỏ qua Mỹ cho chắc ăn, nhưng vì lòng tham, người được nhờ đứng tên trong sổ đỏ chỉ cần báo mất, sẽ được làm lại rất đơn giản. Chỉ khi nào xảy ra tranh chấp, kiện tụng mới phát hiện được.
Cũng theo ông Nguyễn Văn A, quy trình cấp sổ đỏ hiện có nhiều bất cập và khá dễ dãi. Theo quy định, chỉ cần niêm yết tại phường 30 ngày và thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng 2 lần. Sau 7 ngày làm việc, người dân sẽ có sổ đỏ mới. Chi phí cũng rất thấp. Lô đất 100m² chỉ tốn 150.000 đồng, từ 100m² trở lên đến 300m², chỉ tốn 300.000 đồng. Chính vì vậy, mà người dân không ngần ngại giả báo mất sổ đỏ để làm lại.
Ông Nguyễn Quang Vinh, Trưởng phòng Đăng ký và Quản lý dữ liệu địa chính của TP Đà Nẵng, cho rằng: Để ngăn chặn tình trạng này, nhất thiết phải điều chỉnh lại quy trình theo hướng song song với việc niêm yết ở phường, buộc người dân phải đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng kéo dài trong 1 tháng. Thời gian cấp lại sổ thay vì 7 ngày, sẽ kéo dài 1 tháng để nhiều người biết thông tin, tránh tranh chấp sau này. Bên cạnh đó, cần tính đến các biện pháp chế tài xử phạt nghiêm đối với những người báo giả mất sổ đỏ. Ngoài ra, những trường hợp báo mất sổ đỏ không chỉ đăng thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng mà cần niêm yết công khai trên website của Bộ Tài nguyên - Môi trường để không chỉ người trong cùng địa phương được biết mà những người ở tỉnh, thành khác; thậm chí ở nước ngoài cũng biết để kịp thời ngăn chặn những trường hợp cố tình chiếm đoạt tài sản người khác.
- 162
- By Admin
- 01/06/2013
- 17