• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Đà Lạt (Lâm Đồng): Đất nền giá trung bình hút khách

Đà Lạt (Lâm Đồng): Đất nền giá trung bình hút khách | ảnh 1
Những khu đất nền có giá vừa phải, quy hoạch hạ tầng tốt đều đã có chủ

Sốt đất nền phố núi

Dù thị trường bất động sản ở phố núi Đà Lạt vẫn chưa thật sự hồi phục nhưng những ngày đầu tháng 4 này, phân khúc đất nền giá rẻ lại “nóng” lên từng ngày. Theo khảo sát thực tế, một lô đất nền mặt tiền hẻm lớn (đất nông nghiệp thuần túy), diện tích từ 75-100m2, nằm cách trung tâm TP. Đà Lạt từ 10-20km, hiện có giá bán từ 250-300 triệu đồng/lô, tăng hơn 15% so với một tháng trước đó.

Riêng nền đã được chuyển đổi mục đích sử dụng sang đất xây dựng, có cùng diện tích trên, giá bán từ 350-500 triệu đồng/lô (tùy vào mặt tiền đường lộ hoặc hẻm) tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, cả hai dạng nền đất này đều đã hút hàng.

Không chỉ đất mặt tiền mới tăng giá, hiện tượng này cũng diễn ra với đất trong hẻm sâu. Cụ thể, trước Tết Nguyên đán, đất nông nghiệp tại khu vực Phường 8, TP. Đà Lạt chỉ dao động ở mức 2-2,5 triệu đồng/m2, nay lên đến 3 triệu đồng/m2 nhưng vẫn khan hàng để mua.

Một số doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản ở Đà Lạt, nhận định, hiện nay, loại đất nền riêng lẻ (thị trường sơ cấp) dành cho người thu nhập trung bình còn lại rất ít, các giao dịch chủ yếu do các “cò đất” mua đi bán lại kiếm lời là chính.

Hơn nữa, đây là đất nông nghiệp thuần túy, người dân canh tác rau, hoa có lãi cao nên không mấy ai bán đất, dẫn tới quỹ đất có hạn. Đó là chưa nói đến nhu cầu nhà ở của những người làm công ăn lương ở Đà Lạt.

Cụ thể, chính quyền TP. Đà Lạt vẫn chưa có ngân sách cũng như quỹ đất dành cho các đối tượng này, trong khi, mức sống ngày càng cao, đặc biệt là giá nhà trọ... đã khiến một bộ phận công nhân viên chức phải vay mượn để mua một mảnh đất, dù là đất nông nghiệp thuần túy, chỉ được phép xây dựng nhà tạm nhưng họ vẫn phải chọn phương án này. Chính điều này đã khiến cho đất nền, nhà ở có mức giá vừa phải tại Đà Lạt trở nên “sốt”.

Biệt thự VIP... lạnh lùng

Đà Lạt (Lâm Đồng): Đất nền giá trung bình hút khách | ảnh 2
Ngôi biệt thự sân vườn kiến trúc Pháp hạng sang có giá 16 tỷ đồng này vẫn đang "đặp mền" chờ khách

Cũng theo bà Phan Thị Cúc - Giám đốc Công ty TNHH Địa ốc Ý Thu, hiện nhu cầu thực tế về nền đất cho người có thu nhập trung bình tại TP. Đà Lạt vẫn còn rất cao, giao dịch nhanh, nhưng doanh nghiệp không còn để bán. Tất cả quỹ đất mà doanh nghiệp hiện có đều rơi vào các khu quy hoạch xây dựng biệt thự sân vườn, biệt thư nghỉ dưỡng cao cấp, tuy nhiên biệt thư xây xong vẫn “đắp mền” để đó vì không có khách hàng.

Để minh chứng, bà Cúc đưa chúng tôi đến thăm khu biệt thự sân vườn cao cấp, được xây dựng theo lối kiến trúc Pháp đầy sang trọng nằm trên một quả đồi có tầm nhìn đẹp, với diện tích 2.000m2 trên đường Trần Đại Nghĩa (P.8, TP. Đà Lạt). Theo bà Cúc, doanh nghiệp đã đầu tư vào dự án này với tổng vốn đầu hơn 32 tỷ đồng (16 tỷ đồng/căn biệt thự sân vườn rộng 1.000m2).

Năm 2010, trong lúc đang xây dựng có nhiều đại gia ở Tp.HCM và cả một số Việt kiều rất mê nên đã đến đặt vấn đề sở hữu, nhưng sau khi xây dựng hoàn tất, những vị khách trên lại xin rút lui vì tình hình tài chính khó khăn.

Không chỉ trường hợp của địa ốc Ý Thu, nhiều doanh nghiệp kinh doanh địa ốc ở Đà Lạt cũng đang khốn đốn do bỏ vốn quá nhiều vào mảng biệt thự mà đầu ra lại khan hiếm. Dù giá bán đã giảm nhiều nhưng vẫn không có khách hàng.

Một “cò” nhà đất ở Đà Lạt, dẫn chứng, năm 2007, mỗi tháng bán được 5 lô đất biệt thự, nhưng hiện nay rao bán nền biệt thự hơn 197m2, mặt tiền 6m, hướng đẹp tại đồi Thông Tin (P. 8, TP. Đà Lạt) với giá 850 triệu đồng từ hơn 6 tháng qua mà vẫn chưa tìm được khách hàng.

Còn anh bạn đồng nghiệp đang ngụ tại khu quy hoạch Ngô Quyền (P. 6, TP. Đà Lạt), hơn 3 tháng qua đã rao bán căn biệt thự có diện diện tích sàn gần 600m2, với giá 3,6 tỷ đồng nhưng đến nay chưa tìm được chủ mới.

Lý giải cho việc biệt thự VIP ở Đà Lạt vắng khách, một số chuyên gia về bất động sản ở Đà Lạt cho rằng, gần đây, do Nhà nước có chính sách cho phép người nước ngoài được sở hữu nhà đất, đồng thời có tin Đà Lạt sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương nên giá đất bị đội lên cao.

Nhiều nhà đầu tư dù biết rõ tình hình thị trường nhưng vì muốn đi trước đón đầu nên vẫn lao vào mảng biệt thự sân vườn cao cấp.

Tuy nhiên, Chính phủ cũng chưa đồng ý để TP. Đà Lạt trực thuộc Trung ương, ít nhất là đến năm 2030, nên không ít nhà đầu tư đã bị “sụp hố”..., buộc lòng họ phải bán tháo tài sản nhà đất để vớt vát. Điều này, ở một góc độ nào đó lại có lợi cho người có nhu cầu vì các giao dịch sẽ trở về với giá trị thực.

(Theo DNSG)

  • 0
  • By Admin
  • 19/04/2012
  • 17