• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

DN thép trong bước đường cùng

Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, quý IV/2011, nhiều DN bị thua lỗ nặng do chi phí đầu vào tăng cao, trong khi giá bán lại không tăng tương ứng. Tính toán của các DN cho thấy, chi phí đầu vào ngành thép bình quân tăng 25% trong năm 2011,trong khi giá bán chỉ tăng 17,8%.

Tình hình tiêu thụ thép sau Tết nguyên đán Nhâm Thìn  vẫn hết sức khó khăn. Theo số liệu từ Hiệp hội Thép Việt Nam, lượng thép tiêu thụ trong tháng 1/2012, của các DN thành viên giảm mạnh, chỉ đạt 234.000 tấn, giảm 43% so với tháng 12/2011 và 50,19% so với cùng kỳ. Đây là thời điểm thê thảm nhất trong tiêu thụ thép tính từ 3 năm trở lại đây. Bước sang tháng 2/2012 lượng thép tiêu thụ có tăng lên, đạt 360 nghìn tấn, nhưng vẫn ở mức thấp so với mức bình quân 400 - 420 nghìn tấn/tháng mọi khi.

DN thép trong bước đường cùng | ảnh 1

Nhiều DN thép đang gặp khó khăn lớn do phải sản xuất cầm chừng, hàng tồn kho cao, bán không có lãi. Hiện nay đứng đầu thị phần ngành thép là các DN như  Pomina, Hòa Phát, Gang thép Thái Nguyên, Vinakyoei. Đây là những DN có lợi thế về công nghệ với mức tiêu hao nhiên liệu cạnh tranh hơn so với các nhà máy luyện và cán thép khác trong nước.

Trong khi sản lượng toàn ngành sụt giảm thì việc một số DN vẫn tăng trưởng sản lượng tiêu thụ, có nghĩa là những DN này đang chiếm thị phần của các DN khác, khiến các DN này thêm khó khăn. Nhiều DN thép đang tình trạng thái "chết lâm sàng", ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép cho biết.

Hiệp hội Thép nhận định, với việc nhiều dự án bất động sản, các công trình xây dựng gặp khó khăn do thiếu vốn hoặc tạm ngừng thì trong các tháng tới nhu cầu thép trong nước được dự báo vẫn sẽ ở mức thấp. Bên cạnh đó, những nước nhập khẩu nhiều thép như Mỹ và Tây Âu sẽ giảm bớt số lượng nhập khẩu làm cho xuất khẩu thép của các DN Việt Nam gặp khó khăn. Trong khi đó, thép giá rẻ từ ASEAN và Trung Quốc nhập khẩu về Việt Nam nhiều sẽ khiến sức cạnh tranh ngày càng trở nên gay gắt hơn.

Các DN thép cũng có lý do để lo lắng hơn khi nhu cầu giảm, nguồn cung dư thừa, bán không được mà chi phí sản xuất thép có thể tiếp tục tăng trong năm 2012, do biến động các yếu tố đầu vào như điện, xăng, dầu, than... theo giá thị trường. Nếu vậy thì khó khăn thêm chồng chất.

Trong khi đó, lãi suất cho vay hiện nay  ở mức 17 - 18% vẫn là quá cao, đặt nhiều DN vào tình cảnh không lối thoát. Đặc thù kinh doanh của ngành thép là phải sử dụng vốn vay lớn, trong đó, vay từ ngân hàng chiếm tới 70-80%, trong khi lãi suất vay vốn ngân hàng ở mức cao, nên khả năng cạnh tranh rất thấp và luôn trong tình trạng phụ thuộc.

Hiệp hội Thép Việt Nam đã kiến nghị Chính phủ có giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô,  ổn định tỷ giá và giảm lãi suất, nhằm giúp các DN thép vượt qua khó khăn, nhưng đến nay chưa DN thép nào được vay vốn với lãi suất thấp.

Trong cuộc họp bàn về tình hình sản xuất, kinh doanh năm 2012 diễn ra mới đây giữa Hiệp hội Thép và một số DN sản xuất thép lớn, đã có không ít ý kiến cho rằng, mức tăng trưởng toàn ngành dự kiến 4% cho năm 2012 là khó thực hiện. Theo các DN tăng trưởng sẽ thấp hơn. Nguyên nhân là do lượng tiêu thụ thép toàn ngành liên tục đi xuống, từ mức 11,7 triệu tấn năm 2009, xuống còn 11 triệu tấn năm 2010 và đến năm 2011 chỉ còn 9,9 triệu tấn.

Không chỉ có các doanh nghiệp đang sản xuất thép gặp khó mà cả những dự án đầu tư dang dở cũng đang trong tình cảnh hết sức lo ngại. Báo cáo của Hiệp hội Thép cho thấy, hàng loạt dự án đầu tư dở dang trong nước như: dự án thép Liên hợp ở Lào Cai, dự án giai đoạn II của Gang thép Thái Nguyên sẽ khó hoàn thành trong năm 2012 nếu không có những biện pháp thúc đẩy vấn đề giải ngân và kiểm soát thực hiện tiến độ của các nhà thầu. Đây sẽ là gánh nặng tài chính lớn cho chủ đầu tư vì trả lãi vay ngân hàng.

Ông Mai Văn Tinh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty thép Việt Nam cho biết, ngành thép được dự báo sẽ tiếp tục gặp nhiều thách thức trong năm 2012. Thậm chí, nếu chúng ta không có những chính sách hợp lý cùng với chiến lược đúng đắn trong việc mở rộng sản xuất và xuất khẩu, các DN sản xuất thép còn phải đối mặt với nhiều rủi ro lớn trong những năm tiếp theo. Trước mắt, Chính phủ cần có các biện pháp hạn chế nhập khẩu để tăng khả năng tiêu thụ sản phẩm nội địa và đưa ra các chính sách tháo gỡ cho DN thép nếu khó khăn còn kéo dài hết năm 2012.

Theo Hiệp hội Thép, vấn đề của các DN ngành thép trong năm 2012 là buộc phải cơ cấu lại sản xuất. Những DN   không đủ khả năng sẽ phải liên kết với nhau, tạo dựng thành những thương hiệu mạnh, chuyển hướng đầu tư sản xuất các chủng loại thép trong nước chưa sản xuất được.

Trong bối cảnh này, song song với các giải pháp từ cơ chế, chính sách, thì nhiều DN trong ngành thép đều xác định một trong những giải pháp hiệu quả là cần phải quyết liệt giảm chi phí trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Từ đó giúp hạ giá thành sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Vấn đề sống còn của ngành thép trong năm 2012 là phải nâng cao "sức khỏe" cho các DN, trong đó sẽ đầu tư mạnh cho công nghệ, chứ không phải là sản xuất bằng mọi giá, ông Phạm Chí Cường nói.

(Theo VEF)

  • 209
  • By Admin
  • 12/03/2012
  • 17