ĐHQG Hà Nội: Sớm nhất là năm 2017 hoàn thành
Dự án triển khai chậm có nguyên nhân khách quan trong công tác đền bù, GPMB, công tác quản lý quy hoạch và một số điều kiện huy động vốn. Về mặt chủ quan, trình độ quản lý không tương ứng với quy mô của dự án lớn như vậy.
Xuất phát từ việc đó, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định chuyển chủ đầu tư từ ĐHQG Hà Nội sang Bộ Xây dựng. Tôi tin tưởng rằng với mô hình quản lý mới, dự án sẽ được đẩy nhanh hơn.
Mô hình quản lý mới mà ông nói cụ thể là gì?
Bộ Xây dựng đã thành lập một ban quản lý dự án trên cơ sở sáp nhập và tổ chức lại Trung tâm Phát triển và quản lý đô thị đại học tại Hoà Lạc và các Ban quản lý dự án thành phần, đồng thời bổ sung cán bộ mới, hình thành một ban quản lý thống nhất do bộ chỉ đạo.
ĐHQG Hà Nội là đơn vị quản lý vận hành sau này sẽ tham gia cùng Bộ Xây dựng quản lý điều hành dự án.
Với một chủ đầu tư mới và mô hình quản lý mới, tiến độ triển khai dự án này sẽ ra sao?
Khi chúng tôi tiếp nhận dự án này thì đã chậm mất 6 năm. Trong điều kiện hiện nay, nếu được Thủ tướng cho phép áp dụng cơ chế đặc thù như ưu đãi với nhà thầu, sử dụng hình thức chỉ định thầu, cơ chế huy động vốn… chúng tôi hi vọng có thể rút ngắn thời gian nhưng cũng không thể đúng tiến độ như đã đề ra.
Hiện chúng tôi đang làm điều chỉnh dự án, về quy mô diện tích thì dự án tương đương với một quận nội thành, quy mô dân số thì tương đương với đô thị loại 4. Nhanh nhất cũng phải mất 7 năm, tính từ lúc việc điều chỉnh tiến độ dự án được phê duyệt (khoảng năm 2010) thì mới hoàn thành, nghĩa là chậm hơn tiến độ 2 năm.
Hiện nay, dự án vẫn đang trong giai đoạn đền bù, GPMB. Đây là trở ngại của hầu hết các dự án hiện nay. Nếu không có những đột phá, e rằng sẽ khó thực hiện…?
Ông Bùi Đức Hưng. |
Tôi hi vọng với cơ chế thông thoáng, nhất là khi đã có nghị định 69 mới của Chính phủ về đền bù, hỗ trợ đối với người bị thu hồi đất và một số cơ chế khác như khuyến khích đào tạo nghề… sẽ tạo được môi trường thông thoáng để thực hiện GPMB.
Tổng nhu cầu vốn cho dự án ban đầu là hơn 7,2 nghìn tỷ. Trong thời điểm hiện nay, số vốn đó liệu có đủ?
Báo cáo tiền khả thi mà chính phủ phê duyệt từ năm 2003 có nhu cầu vốn là 7,2 nghìn tỷ đồng. Đến thời điểm này, đã có sự thay đổi về giá cả. Thứ nữa, chúng tôi đang điều chỉnh lại dự án, có thể phải thay đổi về quy mô.
Đó là do một số trường, một số khoa của ĐHQG Hà Nội đã được thành lập mới phải đầu tư thêm và một số công trình về hạng mục xã hội trong khu đô thị Hòa Lạc này cũng chưa được đề cập tới nên phải bổ sung vào.
Vì thế, chắc chắn tổng mức đầu tư không phải 7.230 tỷ. Có người nói sẽ phải là 1 tỷ USD, người nói hơn 1 tỷ USD… nhưng con số ấy chỉ được chuẩn hoá khi lập xong dự án đầu tư. Với mức độ trượt giá bình quân hàng năm khoảng 12,13 - 19%, ta cũng có thể nhẩm tính được giá trị mới sẽ như thế nào?
Nguồn vốn sẽ được huy động từ đâu, thưa ông?
Cơ bản là nguồn vốn ngân sách, ngoài ra cũng có những nguồn vốn hợp pháp khác, kể cả nguồn vốn chuyển nhượng từ cơ sở vật chất của ĐHQG Hà Nội để bổ sung vốn.
Xin cảm ơn ông!
Theo Dan Tri
- 0
- By Admin
- 22/09/2009
- 17