ĐBSCL: Khu công nghiệp tràn lan vì thiếu “nhạc trưởng”
Ông Trần Công Chánh - Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, cho biết, sẽ thành lập đoàn công tác chuyên trách để giải quyết dứt điểm các vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, tái định cư các dự án tại KCN, CCN trên địa bàn tỉnh.Tuy nhiên, ông Chánh nhấn mạnh: Mặc dù giải quyết dứt điểm các khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng nhưng không phải làm mọi cách cho bằng được mà phải quan tâm đến đời sống của người dân trong vùng dự án.
Một trong những giải pháp để giúp người dân sống được với KCN là phải có công ăn việc làm bằng việc phải đẩy nhanh tốc độ thu hút đầu tư, xây dựng nhà máy. Nhưng thực tế không dễ, bởi vùng ĐBSCL, hệ thống hạ tầng giao thông còn nhiều hạn chế, yếu kém; thiếu tính liên kết vùng là cản ngại lớn trong thu hút đầu tư vào các KCN.
Theo TS Trần Thanh Bé - Viện trưởng Viện Kinh tế - Xã hội TP Cần Thơ, nếu ở những vùng khác tốn 10 tỷ đồng xây dựng nhà xưởng thì ở ĐBSCL phải tốn đến 13 tỷ đồng. “Vốn đầu tư cao cùng với hạ tầng giao thông chưa hoàn thiện khiến nhiều KCN, CCN ở ĐBSCL khó thu hút đầu tư, lâm vào cảnh hoang phí nhiều năm qua” - TS Bé nhận định.
Theo đánh giá của các ngành chức năng và chuyên gia, việc quy hoạch, phát triển KCN, CCN của khu vực ĐBSCL chưa gắn quy hoạch với sự phát triển kinh tế- xã hội từng địa phương và kết nối toàn vùng. Hầu hết đều quy hoạch theo hướng đa ngành nghề, thiếu các lĩnh vực tập trung, có chọn lọc. Rồi các tỉnh đua nhau hạ giá thuê đất để thu hút đầu tư nên nhà đầu tư được dịp “ép giá”.
Mỗi tỉnh thành đều quy hoạch xây dựng vài ba KCN với những dự án kêu gọi đầu tư na ná nhau nên mức độ cạnh tranh ngày càng gay gắt. Hơn nữa nhiều dự án đầu tư là của các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, vốn ít, sử dụng công nghệ lạc hậu rồi đua nhau thu hút lao động giản đơn khiến nhiều địa phương khó đáp ứng yêu cầu nhà đầu tư.
Thạc sĩ Phạm Giang Nam (Trường ĐH Bạc Liêu), hiến kế: Quy hoạch cần điều chỉnh để gắn với phát triển công nghiệp vùng, phương án sử dụng tài nguyên, phát triển mạng lưới giao thông trên địa bàn của địa phương có KCN.
Quy hoạch, cũng phải tính đến: Nhà đầu tư sẽ đầu tư và kinh doanh hạ tầng KCN. Đồng thời, có các giải pháp về nguồn nhân lực. Đặc biệt, tập trung ưu tiên thu hút các ngành nghề, lĩnh vực có hàm lượng công nghệ cao, ít ảnh hưởng đến môi trường, giải quyết nhu cầu việc làm cho lao động địa phương.
(Theo Danviet)
- 0
- By Admin
- 02/07/2011
- 17