Cuộc chiến M&A bất động sản tại Tp.HCM ngày càng gay cấn
Tính từ đầu năm 2015 đến nay, Tp.HCM đang là "mảnh đất vàng" cho hoạt động M&A dự án BĐS bùng nổ. Không chỉ nhà đầu tư ngoại, các doanh nghiệp trong nước cũng đua nhau đẩy nhanh tốc độ thâu tóm.
M&A bất động sản ngày càng gay cấn
Khởi đầu các thương vụ M&A trong năm nay phải kể đến việc Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc) thâu tóm 70% cổ phần của tòa nhà Diamond Plaza. Được biết, đây tòa cao ốc cao 22 tầng được khánh thành vào tháng 8/2000. Dự án này có kinh phí đấu tư ban đầu khoảng 60 triệu USD, nằm ở vị trí đắc địa - góc đường Lê Duẩn và Phạm Ngọc Thạch, Tp.HCM.
Cách đây không lâu, Công ty CP Phát triển BĐS Phát Đạt cũng đã mua lại khu đất trị giá hơn 500 tỷ đồng tại quận 5 của Công ty Đức. Phát Đạt dự định phát triển dòng căn hộ cao cấp mang thương hiệu The EverRich tại khu đất này.
Công ty Hòa Bình cũng nhận chuyển nhượng 3 dự án là Soho River View, Ascent và Green Park với tổng giá trị hơn 650 tỷ đồng. Trong khi đó, Công ty CP Đầu tư Thành Thành Công và Sacomreal thì chuyển nhượng lại Dự án Celadon cho cho Gamuda Land Vietnam với tổng giá trị lên tới 1.000 tỷ đồng.
Tương tự, Hưng Thịnh Corp cũng tỏ ra mạnh tay khi chi tới 2.000 tỷ đồng để được quyền triển khai hàng loạt các dự án: 8X Đầm Sen, 8X Plus, 8X Thái An, 12 View, Tân Hương Tower...
Thị trường BĐS tại Tp. HCM thu hút vốn ngoại |
Gần đây nhất, Công ty CP Bông Sen tiết lộ kế hoạch về việc sẽ chi khoảng 3.650 tỷ đồng để mua lại Tổ hợp khách sạn Daewoo trên khu "đất vàng" 360 Kim Mã - Hà Nội. Ngoài ra là hàng loạt các thương vụ lớn nhỏ khác của những doanh nghiệp địa ốc có "máu mặt" như Nam Long, Năm Bảy Bảy, tập đoàn Vingroup hay Novaland, Him Lam...
Cơ hội thời nới room: Quỹ đầu tư nước ngoài đổ mạnh tiền vào BĐS
Theo một nghiên cứu của Viện Nomura, vào năm ngoái thị trường BĐS Việt Nam mới chỉ có tổng giá trị khoảng 21 tỷ USD, thấp hơn khá nhiều so với con số 89 tỷ USD của Thái Lan và 241 tỷ USD của Singapore.
Đây chính là tiềm năng mà nhiều nhà đầu tư ngoại đã nhận thấy và nhanh chóng tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam.
Đơn cử, một dự án khá lớn có sự tham gia của khối ngoại là Empire City - Khu phức hợp toà tháp cao nhất Việt Nam. Dự án này có tổng vốn đầu tư dự kiến lên tới 1,2 tỷ USD, do Công ty TNHH Liên doanh Empire City làm chủ đầu tư. Liên doanh màu gồm đối tác trong nước là các công ty BĐS Tiến Phước, BĐS Trần Thái và đối tác nước ngoài là Công ty Denver Power Ltd (Vương quốc Anh) với tỷ lệ góp vốn là 50/ 50.
Hồi đầu năm nay, Quỹ đầu tư Creed Group cũng chi gần 60 triệu USD để được tham gia phát triển Dự án City Gate Towers cùng với chủ đầu tư là Công ty Năm Bảy Bảy.
Còn gần đây nhất, Quỹ Creed Group này cũng tiếp tục rót thêm 200 triệu USD vào Công ty Địa ốc An Gia Investment để được quyền phát triển một số dự án BĐS lớn của An Gia tại Tp.HCM.
UBND Tp.HCM cũng vừa chấp thuận cho Tập đoàn Lotte được tiếp tục triển khai một dự án đã "ngủ quên" nhiều năm liền do không tìm được nhà đầu tư tham gia, đó là dự án Khu phức hợp thông minh - Thủ Thiêm Eco Smart City. Theo quy hoạch, dự án này có tổng diện tích khoảng 16,71 ha. Sau khi hoàn thiện, đây sẽ là khu phức hợp gồm cả trung tâm thương mại cao cấp, văn phòng, khách sạn và các căn hộ cao cấp... với tổng vốn đầu tư lên tới 2,2 tỷ USD.
Theo giới phân tích, nghị định 60 về việc nới room sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài ban hành hồi tháng 6 vừa qua, dự kiến có hiệu lực từ đầu tháng 9 tới cùng với việc mở cửa cho người nước ngoài mua nhà được đánh giá sẽ là một nhân tố thúc đẩy sự tham gia mạnh mẽ hơn nữa của nguồn vốn ngoại vào thị trường.
CBRE cũng dự báo, từ tháng 9/2015 tới, nhà đầu tư nước ngoài sẽ tăng cường thâu tóm các dự án BĐS Việt Nam do có cơ hội sở hữu 100% vốn của một doanh nghiệp tại Việt Nam. Tuy nhiên, đến nay Nghị định 60 vẫn chưa có văn bản hướng dẫn thi hành cụ thể dù chỉ còn khoảng 2 tuần nữa chính thức có hiệu lực.
Dự án chết - động lực để M&A BĐS bùng nổ
Theo Hiệp hội BĐS Tp.HCM, M&A, hợp tác đầu tư phát triển dự án BĐS đã diễn ra rất mạnh giữa các doanh nghiệp địac ốc trong nửa đầu năm vừa qua. Trong đó đáng chú ý là vai trò thống lĩnh của các doanh nghiệp trong nước, với sự hình thành ngày càng rõ nét những tập đoàn phát triển BĐS lớn cả về quy mô hoạt động, năng lực tài chính cùng với sản phẩm đa dạng. Nổi bật là những doanh nghiệp như Vingroup, Novaland, Đại Quang Minh hay SSG, Bitexco, Phú Mỹ Hưng, Him Lam, M.I.K, TNR Holdings, Nam Long, Hưng Thịnh, Phúc Khang...
Hiện nay, Tp.HCM đang có tổng cộng 1407 dự án phát triển BĐS, trong đó có 689 dự án tạm ngưng triển khai, 85 dự án bị thu hồi chủ trương đầu tư. Đây chính là một nguồn dự án vô cùng tiềm năng cho hoạt động M&A bùng nổ trong thời gian tới.
HoREA nhận định, thông qua hoạt động M&A, các doanh nghiệp địa ốc đã tự giải quyết được một phần quan trọng lượng hàng tồn kho, nợ xấu trên thị trường BĐS. Theo thống kê tại 36 dự án năm 2012, tính đến hết tháng 06 vừa qua, đã bán được tổng số 8.501 căn, giảm 58,67 % tồn kho.
- 0
- By Admin
- 19/08/2015
- 17