Cung Trí thức: Khắc khoải chờ người sử dụng
Khu nhà Cung Trí thức Hà Nội. |
Từ chối "nhận quà"
Tọa lạc ở vị trí đắc địa rộng gần 7.000m2 tại đường Trần Thái Tông, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Cung Trí thức Hà Nội gồm hai khối nhà 3 tầng và 16 tầng có tổng diện tích gần 16.000m2 được khánh thành đúng dịp kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Ngoài diện tích văn phòng, Cung Trí thức còn có hệ thống các phòng hội thảo, hội trường, thư viện, khu nhà làm việc, nhà ăn, khoảng không gian thoáng đãng bảo đảm chỗ làm việc cho 1.500 người. Tại lễ khánh thành ngày 4-10-2010, lãnh đạo TP chia sẻ, lần đầu tiên Cung Trí thức được xây dựng ở Hà Nội, đây được xem như món quà có ý nghĩa lớn dành cho giới văn nghệ sĩ, trí thức Thủ đô, nhằm phát huy nguồn tri thức quý báu của các chuyên gia, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.Tuy nhiên, khác với sự hào hứng, mong chờ ban đầu, sau gần hai năm đi vào hoạt động, Cung Trí thức vẫn còn nhiều tầng bỏ trống. Báo cáo mới nhất của Công ty TNHH một thành viên Quản lý và phát triển nhà Hà Nội, đơn vị quản lý cho thuê trụ sở làm việc và quỹ nhà kinh doanh dịch vụ tại Cung Trí thức cho thấy, tại khối nhà chính 16 tầng, từ tầng 3 đến tầng 15, UBND TP đã bố trí diện tích làm việc cho 51 đơn vị với tổng diện tích hơn 7.777m2. Đến nay mới chỉ có 28 đơn vị đã ký hợp đồng thuê nhà và chuyển đến làm việc, 7 đơn vị đang làm thủ tục ký hợp đồng. Trên giấy tờ, hiện các diện tích của khu nhà đã bố trí kín, nhưng số diện tích thực đang sử dụng mới đạt hơn 4.880m2. Còn diện tích kinh doanh dịch vụ tại các tầng 1, 2 và 16 là 743m2 đang bỏ trống. Ở khối nhà 3 tầng tình hình cũng không khả quan hơn khi tổng diện tích kinh doanh dịch vụ hơn 1.100m2 vẫn chưa có ai thuê.
Sự lãng phí vô hình
Một công trình xây dựng hoành tráng về quy mô, sâu sắc về ý nghĩa nhưng nhiều diện tích bị bỏ trống đã khiến không ít người xót xa. Và nguyên nhân khiến nhiều tổ chức không đến "ngôi nhà chung" cũng thật đa dạng. Theo ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, nguyên nhân chính khiến nhiều đơn vị không chuyển đến Cung Trí thức vì giá thuê. Theo đơn giá đã được xét duyệt, một mét vuông các đơn vị phải trả 100 nghìn đồng mỗi tháng, giá thuê không cao nhưng không phải tổ chức hay hội nghề nghiệp nào cũng có khả năng chi trả vì trên thực tế, một số hội, hiệp hội không có nguồn thu. Đã có nhiều đơn vị đến rồi đi vì cho rằng giá thuê quá cao.Với giá sàn 100 nghìn đồng/m2/ tháng, trong một tòa nhà 16 tầng tiện nghi, chưa phải trả phí một số dịch vụ như thang máy, dọn vệ sinh, bảo vệ quả thật là một niềm mơ ước của không ít người khi có nhu cầu thuê văn phòng. So với giá thực tế trên thị trường, có thể thấy đây là một sự ưu đãi của TP dành cho giới văn nghệ sĩ, trí thức Thủ đô. Tuy nhiên, với các hội, hiệp hội, tổ chức không có nguồn thu, số tiền trên quả là không nhỏ. Bảng theo dõi các tổ chức thuê nhà tại Cung Trí thức cho thấy, diện tích nhỏ nhất được thuê là 50,9m2 của Hội Khuyến học Hà Nội, với giá 100 nghìn/m2, mỗi tháng Hội phải bỏ ra 5.090.000 đồng thuê nhà, nhân lên với 12 tháng đã là một số lớn với Hội.
Không gặp vướng mắc về giá nhưng nhiều tổ chức từ chối "ngôi nhà chung" vì "không có nhu cầu" do trụ sở cũ đang ổn định tại trung tâm nên không muốn thay đổi. Có một thực tế là bên cạnh một số hội, tổ chức có trong danh sách được thuê nhưng từ chối thì không ít đơn vị muốn mở rộng diện tích được thuê. Thế nhưng, việc xét duyệt lại cần đến cả một hội đồng gồm các sở Xây dựng, Nội vụ, Tài chính, Văn phòng UBND TP và Công ty TNHH một thành viên Quản lý và phát triển nhà Hà Nội.
Mỗi công trình xây dựng đều hướng đến một mục đích sử dụng nhất định, mong rằng TP sớm xem xét, tháo gỡ kịp thời những vướng mắc nảy sinh trong quá trình đi vào hoạt động để Cung Trí thức thật sự là nơi tập trung, phát huy nguồn tri thức quý báu cho sự phát triển của Thủ đô.
(Theo Hà Nội Mới)
- 179
- By Admin
- 25/09/2012
- 17