Cửa sổ trong không gian sống
Thế nhưng, con người là vật thể của thiên nhiên, không thể cách biệt hoàn toàn với thiên nhiên, gò bó trong các bức tường kín bưng, sự sống không thể tồn tại được, cho nên phải có những ô cửa để tiếp xúc, giao hòa với thiên nhiên.Tính khoa học
Gọi gió, đón ánh sáng… phải xếp đặt thế nào để tạo thành luồng thông thoáng, cửa đón gió vào, cửa cho gió thoát ra. Cửa sổ một phía, đối diện không có ô cửa sổ, gió cũng khó vào sâu được trong phòng, vì không có lối thoát gió.
Nhiều nghiên cứu cho rằng diện tích ô cửa nên bằng 1/5 - 1/8 diện tích sàn nhà. Cánh cửa sổ giúp con người tận dụng lợi ích thiên nhiên mang lại. Cho nên ô cửa sổ không trống hoác mà phải có tấm cánh cửa, bằng tre, nứa đan thành phên, bằng những mảnh ván ghép… khi mở, khi đóng.
Dần dà tiến tới các ô cửa sổ thường có 2 lớp, bám vào tường mở theo trục đứng. Bên ngoài là cánh cửa chớp, bên trong là cửa kính. Cửa chớp là các nan gỗ nhỏ, ghép nghiêng góc 450, cản nắng không thể trực tiếp vào nhà mà vẫn thoáng dù đóng kín cửa. Nước mưa cũng theo góc nghiêng mà chảy ra ngoài. Khi đóng cửa thì khít chặt, khi cần có thể mở toang ra.
Mặt tường phía trong là cửa kính trong suốt, ánh sáng qua dễ dàng, gió mưa chẳng thể lọt vào. Cửa kính thì không cản được tia nắng trực tiếp (trực xạ), cho nên cần sự giúp đỡ của lớp cửa chớp bên ngoài. Cặp bài trùng ấy bổ sung cho nhau, làm con người có cảm giác thoải mái, yên ổn. Lại thêm tấm mái hắt ở phía trên ô cửa, hiệu quả che mưa, chắn nắng càng cao.
Tính thẩm mỹ
Kiến trúc là nghệ thuật, ô cửa sổ có thể làm mặt ngoài nhà, hình khối nhà đẹp hay xấu đi. Kiến trúc sư cần nhắc tỷ lệ mảng đặc (tường), mảng rỗng (cửa) mà chọn hình dáng cửa, xếp đặt ô cửa. Ô cửa sổ đặt đúng chỗ làm tăng hiệu quả thẩm mỹ ngôi nhà.
Xét qua công năng khoa học và thẩm mỹ, ta đã thấy ô cửa sổ là thành phần quan trọng trong công trình kiến trúc.
Nhiều thế kỷ qua, ô cửa vẫn giữ được chức năng và chỗ đứng cần thiết trong kiến trúc. Gần đây trong xu thế hiện đại, vật liệu mới, thẩm mỹ mới, ô cửa được “cải tiến” theo quan niệm xa lạ với các tiêu chí trên. Các tác giả tìm tòi và sáng tạo, với ý nghĩ cửa sổ hai lớp chớp, kính trên là lạc hậu không thích hợp với nhà cao tầng hiện đại.
Nhưng phải nghiên cứu khoa học sao cho giải pháp ô cửa phù hợp với khí hậu nhiệt đới, kiến trúc cao tầng. Phổ biến hiện nay là các ô cửa rất nhiều kiểu dáng, nhưng giống nhau là không mở theo trục đứng, không thể mở toang ra được. Cửa chớp hầu như bỏ hẳn, chỉ một lớp cửa kính ở phía mặt trong tường.
Nhiều hình dáng, nhiều loại kích thước. Có ô cửa chạy suốt nhiều tầng nhà (kể cả qua phòng vệ sinh). Có ô cửa hình vuông rất to, nhưng 4 cạnh là kính cố định, chỉ một cánh nhỏ mở theo trục ngang, chếch 300 như một kiểu mở hé, không cho gió ùa vào nhà. Phía trong, phủ lên cửa kính là các tấm rèm che bằng vải dày, đắt tiền, màu sắc đẹp. Lâu ngày khi những gioăng lót cửa lão hóa, nước thấm qua ô cửa vào phòng. Tia nắng trực tiếp dễ dàng xuyên qua lớp kính vào phòng, sau đó bị tấm rèm cản lại, nhất là hướng tây khi nắng quái chiều hôm.
Ta biết rằng hệ số dẫn nhiệt của kính thủy tinh trong suốt rất cao, khí nóng ở vùng này tăng lên và áp suất giảm, theo luật tự nhiên điều hòa áp suất, căn phòng nóng lên dễ dàng. Giá lạnh cũng tỏa vào phòng theo trình tự tương tự. Cho nên là kiến trúc sư gọi nắng, rủ lạnh vào nhà. Thí dụ này hiện ra rất rõ ở nhà cao tầng mới xây ở bệnh viện Việt Xô, ở các cao ốc đô thị mới.
Mái nhà, thành phần rất đẹp của kiến trúc truyền thống, khéo sắp xếp, ngôi nhà thêm duyên dáng. Có tác giả đã lợi dụng, cố tình tạo nên mái lớn, nhỏ chồng chéo lên nhau như một kiểu “chơi mái”. Bây giờ nhiều tác giả lại “chơi cửa sổ”, chỉ cốt sao cho công trình nhiều cửa kính cho “hiện đại”. Chẳng chú ý đến tính khoa học, tính thẩm mỹ công trình, chỉ cốt lạ mắt, lòe thiên hạ. Cũng cần phê phán thói quen luôn suy nghĩ hiện đại hóa mặt chính bằng ô cửa kính khổng lồ, mảng kính cả mặt tường chẳng kể gì hướng tây!
Tấm chắn nắng (ô-văng) xưa quá thô sơ, chẳng còn phù hợp, thì với vật liệu mới nhất là nhôm (hấp thụ nhiệt lớn, nhưng tỏa nhiệt rất thấp) phải được nghiên cứu để ô cửa không “trơ gan cùng tuế nguyệt” mặc cho nắng, gió, mưa hành hạ. Đó đây đã có đôi ba công trình làm thử kết cấu che nắng mới, cần được đầu tư nghiên cứu.
Đừng để có nhà văn hóa phải nêu lên: “Nhà cao tầng như những cọc bê tông khổng lồ có đục lỗ (ô cửa) cắm ngổn ngang khắp đô thị”.
Kiến trúc là tạo dựng không gian ở, sinh sống, vừa chống lại sự hà khắc của thiên nhiên, vừa tận dụng những tốt lành trời cho. Vậy mà ta đang làm ngược lại.
Các nhà khoa học kiến trúc say mê sáng tạo nhiều chữ nghĩa, với nhiều thuật ngữ: rất mới, rất hiện đại, rất hấp dẫn: Đô thị bền vững, khu du lịch sinh thái, có ai quan tâm tới cái ô cửa sổ vấn đề nhỏ hay lớn?
Theo Báo Xây Dựng
- 252
- By Admin
- 23/02/2010
- 17