Cửa ngõ thành phố: Điểm đến mới của các Trung tâm bán lẻ
Các dự án bán lẻ vùng ngoại vi đều có diện tích lớn gấp nhiều lần so với những trung tâm thương mại hiện tại, chí ít cũng trên 100.000 m2 mặt bằng như Vincom Mega Mall (Khu đô thị Royal City) với 230.000m2, Ciputra Shoping Mall (120.000m2) hay U-Silk City (146.896m2)…Nở rộ TTTM ở cửa ngõ thủ đô
“Vị trí, vị trí và vị trí” - “bí quyết” nằm lòng của các chuyên gia bán lẻ xem ra đã chuyển hướng khỏi khu vực trung tâm nội đô cũ. Lý do đơn giản là giá đất ở khu vực phố cũ, phố cổ đã ở mức… trên trời. Thậm chí, có trường hợp chủ đầu tư đã chấp nhận trả tới 500 triệu đồng/ m2 mà vẫn không giải tỏa nổi như khu vực Hàng Bài - Hai Bà Trưng.
Mặt khác, tìm được khoảnh đất đủ tiêu chuẩn diện tích để xây TTTM hiện đại, đa chức năng cho “ra hồn” so với các TTTM trong khu vực quanh hồ Hoàn Kiếm là quá khó, nếu không muốn nói là gần như bất khả thi.
Vincom Mega Mall đã có 60% khách thuê trong đó có nhiều khách quen đang thuê trong hệ thống Vincom |
Diện tích không đủ lớn là cản trở rất lớn cho việc hình thành những mô hình TTTM đa chức năng, đẳng cấp trong khi nhu cầu mua sắm, vui chơi của người Việt ngày càng cao và khó chiều. Chính vì thế, chỉ trong vòng 2 năm gần đây, Hà Nội chứng kiến một “làn sóng” mới: nở rộ những dự án bán lẻ đại quy mô tại khu vực ngoại vi, bám dọc các trục giao thông hướng tâm vành đai 2 và 3. Trong đó, khu vực phía tây đang tỏ ra sôi động nhất với những dự án như Ciputra Shoping Mall (120.000m2), U-Silk City (146.896m2) hay Keangnam Hanoi Landmark… phía tây nam nổi bật với Vincom Mega Mall thuộc dự án Royal City với tổng số 230.000m2 mặt sàn, phía đông bắc có Savico Plaza Long Bien với 120.000 m2…
Diện tích lớn, đủ tiêu chuẩn xây dựng những shopping mall hiện đại đang biến các khu vực của ngõ thủ đô trở thành thiên đường bán lẻ mới của Hà Nội.
Sức hút từ TTTM “tất cả trong một”
Điểm nổi bật của các dự án TTTM mới ngoài diện tích vượt trội so với quy mô chật hẹp trong phố là tích hợp nhiều “điểm nóng” thu hút khách đến tham quan, mua sắm như vui chơi, giải trí, thư giãn…trong cùng một địa điểm.
Các TTTM hiện đại đều đi theo mô hình này như The Garden hiện tại hay Hanoi City Complex, Keangnam Hanoi Landmark, Savico Plaza Long Bien, U-Silk... trong tương lai. Tuy nhiên, lớn nhất và điển hình nhất cho mô hình “TTTM không chỉ để mua sắm” là dự án Vincom Mega Mall, thuộc khu đô thị Royal City Hà Nội tại 72A Nguyễn Trãi, Hà Nội.
Trên diện tích 230.000 ha, rộng gấp 3 lần Vincom City Tower tại 191 Bà Triệu, Vincom Mega Mall có 2 tầng hầm và 2 tầng nổi bao gồm khu TTTM cao cấp, đại siêu thị hàng tiêu dùng và các khu vui chơi giải trí hiện đại với kỷ lục hội tụ nhiều “cái nhất Việt Nam” như sân băng, khu công viên nước trong nhà, quần thể rạp phim 3D, 4D, khu Gym và Spa, chuỗi bể bơi, làng ẩm thực… Tất cả đều có điểm chung là hiện đại và rộng lớn nhất Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại. Không chỉ những tín đồ mua sắm mà cư dân thành phố đều tỏ ra háo hức mong chờ các hạng mục trên sớm đi vào hoạt động, bổ sung thêm “điểm đến cuối tuần” thời “Hà Nội thiếu chỗ chơi”.
Những khu vui chơi, giải trí, thư giãn trong TTTM là lý do khiến mặt bằng thương mại hiện đại “có giá” hơn hẳn trong mắt các nhà bán lẻ và người tiêu dùng. Sau hơn 1 tháng công bố cho thuê mặt bằng bán lẻ, 140.000 m2 tương đương 60% diện tích của Vincom Mega Mall đã được khách đăng ký thuê. Kết quả này bất ngờ với chính chủ đầu tư vì lần đầu tiên tự độc quyền tiếp thị, bán hàng nhưng không gây ngạc nhiên cho các chuyên gia bán lẻ. Bởi nhu cầu mua sắm và vui chơi, giải trí hiện đại của người Hà Nội đang tăng trưởng mạnh mà chỉ những TTTM kiểu “tất cả trong một” với quy mô thật lớn mới đáp ứng được.
Và chắc chắn, trong vài năm tới, thị trường sẽ còn đón nhận thêm nhiều “TTTM tất cả trong một” bám dọc các cửa ngõ và trục giao thông vào trung tâm thành phố. Vincom Mega mall hay U-Silk City, Keangnam Hanoi Landmark, Savico Plaza Long Bien… chỉ là những địa chỉ đầu tiên.
Báo cáo mới đây của Coillier Việt Nam cho thấy, nguồn cung mặt bằng bán lẻ mới tập trung chủ yếu ở khu đô thị mới, khách thuê đang quan tâm nhiều đến khu trung tâm nơi hầu như sàn mặt bằng đều được lấp đầy và khách thuê ổn định. Trong thời gian qua, diện tích mặt bằng bán lẻ cao cấp đưa vào thị trường còn hạn chế. Giá thuê khu trung tâm đạt từ 40 USD – 150 USD tùy từng vị trí, đã tăng mạnh kể từ năm 2009. Khu ven đô giá thuê vẫn ổn định. Giá thuê mặt bằng bán lẻ cao cấp nhìn chung vào khoảng 100 – 150 USD/m2 tùy vào từng vị trí. Mặt bằng bán lẻ hạng B vào khoảng từ 50 – 80 USD/m2 tùy vào vị trí. Mô hình kết hợp chợ truyền thống và Trung tâm thương mại hiện đại đang là xu hướng của mặt bằng bán lẻ. Vào năm 2013, dự báo nguồn cung mới có thể đạt 1,2 triệu m2 sàn khi các dự án lớn đi vào hoạt động như Savico Plaza, Chợ Mơ Plaza, Lotte, Pico Mall, Keangnam Landmark, Usilk City, Royal City và Ciputra mall,… Nguồn cung mới này hầu hết là nằm ngoài khu trung tâm, trong đó có Pico Mall và Royal City là đáng chú ý nhất vì có vị trí sát với khu nội đô, và đây cũng là điểm đến chủ đạo của nhà đầu tư trong nước cũng như nước ngoài. |
(Theo Vietnamnet)
- 0
- By Admin
- 10/12/2010
- 17