CuBa: Thị trường BĐS biến đổi trước chính sách mới của Nhà nước
Người dân Cuba xem các thông tin bán nhà dán trên phố |
Vào cuối năm nay, những luật mới ở Cuba sẽ lần đầu tiên cho phép người dân mua bán nhà kể từ năm 1959. Những ngôi nhà không được định giá trên thị trường trong 50 năm nay sẽ có giá trị sở hữu và chẳng bao lâu, nước này có thể đối mặt với một làn sóng biến đổi trên thị trường giao dịch nhà đất.
Kể từ năm 2012, người dân Cuba đã có thể mua bán nhà ở và ô tô, mặc dù mỗi người vẫn bị giới hạn chỉ được sở hữu tối đa một ngôi nhà.
Chính phủ Cuba cũng sẽ nới lỏng các quy định về việc thừa kế nhà ở, theo đó người sở hữu nhà có thể bán hoặc tặng nhà cho người thân trong trường hợp người sở hữu nhà qua đời hoặc đến định cư ở quốc gia khác. Cho đến nay những ngôi nhà thuộc các trường hợp trên thường bị sung công.
“Bây giờ tôi đã có thể chuyển ngôi nhà cho cháu trai hoặc cháu gái. Tôi cũng có thể bán nó cho ai đó. Giờ đây chúng tôi có các tài sản tư mà chúng tôi có toàn quyền với chúng”, ông Mario Trujilo, một người dân La Habana nói.
Kể từ đầu thập niên 1960 đến nay, người dân Cuba không được phép mua nhà mới mà chỉ được quyền trao đổi hai ngôi nhà có cùng giá trị với nhau. Ô tô cũng là loại hàng hóa bị hạn chế giao dịch. Cho đến nay chỉ một số ít người Cuba, trong đó có các vận động viên, nghệ sỹ và bác sỹ là được quyền sở hữu ô tô.
Mong ước được bán nhà!
Anh Mario Perez đã ly dị vợ, chị Lilian Carballo, từ hơn một năm nay nhưng do tình trạng khan hiếm nhà cửa ở Cuba, anh vẫn sống chung nhà với vợ cũ. Họ chia tay khá êm thấm và ít nhất vẫn còn nói chuyện được với nhau.Hiện họ sử dụng chung nhà tắm và khu bếp chật chội, phòng ngủ dĩ nhiên là phải riêng. So với tiêu chuẩn ở Cuba, căn hộ của Mario và Lilian ở tầng hai tòa nhà hai tầng là tương đối rộng rãi với phòng khách có ban công. “Tôi đã có bạn gái nhưng không được đưa bạn gái về nhà. Cô ấy cũng thế, cô ấy không được mang bạn trai về nhà. Đó là điều chúng tôi đã thống nhất với nhau", anh Mario Perez nói.
Giống như mọi người Cuba khác, hai người có quyền sở hữu nhà và có thể chuyển lại cho con cái họ nhưng mua bán nhà hiện đang là trái pháp luật và họ đành phải sống chung tại căn nhà mà họ đã sống từ 12 năm qua. “Khi người ta yêu nhau thì không sao, nhưng nếu không thì sẽ rất khó chịu”, chị Lilian nói.
Với dân số 11 triệu người, Cuba hiện đang thiếu khoảng nửa triệu ngôi nhà. Trong khi đó, đa số các căn nhà hiện tại đều đã xuống cấp và cần cải tạo. Cách duy nhất người ta có thể thay đổi chỗ ở hợp pháp là đổi nhà với người khác. Tại đất nước mà mức lương trung bình hiện vẫn chỉ 20 đôla một tháng, đối với những người như Mario Perez và Lilian Carballo, họ không mong gì hơn là được quyền bán đi nhà của chính mình.
“Sàn bất động sản”
Trong quá khứ, mua bán nhà ở Cuba là bất hợp pháp, người dân chỉ có thể chuyển đổi quyền sở hữu trong phạm vi gia đình và thường phải chi thêm một khoản kinh phí. Vài tháng nữa, việc mua bán nhà cơ bản sẽ được hợp pháp hóa, một số quy định được nới lỏng hay thay đổi để người Cuba và người nước ngoài thường trú có thể tặng, trao đổi, thừa kế hay bán nhà. Nhưng hiện tại đã xuất hiện các “sàn giao dịch bất động sản” không chính thức.Để giúp một người bạn khuyết tật đổi chỗ ở hiện tại lấy một căn hộ ở tầng một, Leonardo Leiva tìm đến “sàn giao dịch” nhà đất không chính thức của Havana dọc theo đại lộ Prado, nơi người dân Cuba có thể ra giá, chào hàng, thỏa thuận và trao tay. Những người muốn mua bán ghim các mảnh giấy và mẩu bìa cứng lên thân cây, hay giơ cao các mẩu quảng cáo làm bằng tay.
Danh mục bất động sản kèm theo mức giá cũng đã bắt đầu xuất hiện trên các trang web riêng của Cuba - từ dưới 5.000 USD cho một căn hộ nhỏ xíu ở Thủ đô La Habana, đến trên 120.000 USD cho một biệt thự lớn ở một trong những khu phố kiểu phương Tây, được nhiều người ưa chuộng. Việc rao giá báo trước một thay đổi lớn về cơ cấu nền kinh tế ở một đất nước mà khoảng 85% người dân có nhà, nhưng về mặt pháp luật, giao dịch nhà đất cho đến nay chỉ mang hình thức trao đổi tài sản. Ông Juan Tristana, nhà kinh tế ở Havana nói: “Nhà cửa là một trong ba vấn đề lớn nhất. Hai vấn đề còn lại là lương thực và giao thông. Thực tế là có một số người mua nhà ở chợ đen. Chính quyền cũng biết điều này. Vấn đề là cần có sự minh bạch trong thị trường này và cần có luật mới”.
Các biện pháp tự do hóa mới sẽ ngay lập tức đem lại cho hàng triệu người Cuba một tài sản có thể luân chuyển. Tuy nhiên, một nguyên tắc được duy trì là “mỗi người không thể sở hữu hơn một nhà ở”, nhằm tránh hiện tượng thu gom.
Mối lo bảo tồn
Các chuyên gia văn hóa hiện có một mối lo lớn là liệu chính sách mới tạo ra sự thay đổi này có thể làm biến dạng các công trình cổ kính ở La Habana.Sau khi Cách mạng Cuba thành công năm 1959, những khu phố sang trọng ở đây trải qua biến động đầu tiên, khi các gia đình giàu có và tầng lớp trung lưu chạy khỏi đất nước và chính quyền tiếp quản nhà của họ. Một số ngôi nhà bỏ trống được dùng làm văn phòng chính phủ, trường học và doanh nghiệp nhà nước. Nhưng nhiều ngôi nhà được trao cho những gia đình Cuba. Cho dù nhiều khu phố cũ đã bị hư hại, một số khu phố không mất đi vẻ đẹp, những khu nhà phố cổ ở La Habana trông vẫn tráng lệ như cách đây nửa thế kỷ. Và giờ đây chúng đang đứng trước nguy cơ bị “tân kỳ hóa” khi bị mua đi bán lại của sở hữu tư nhân.
Mặt khác, phần lớn người dân Cuba rời bỏ đất nước là các nhà tư sản, giờ đây họ gửi tiền về nhờ thân nhân hay những người được ủy quyền đi mua nhà. Những người Cuba kiếm nhiều tiền hay được bà con ở nước ngoài gửi tiền về sẽ tiếp tục kiếm nhà ở những khu phố nhộn nhịp như Vedado và Miramar. Những gia đình ít tiền mặt nhưng đang sở hữu bất động sản - nhờ chính sách tái phân phối nhà ở trước đây, sẽ bị xúi giục bán nhà và đến ở vùng ven cho rẻ hơn.
(Theo ANTĐ)
- 176
- By Admin
- 21/09/2011
- 17