Cư dân Golden Westlake lập diễn đàn phản đối chủ đầu tư
Nơm nớp ẩn họa trên đầu
Theo đơn kiến nghị của các hộ dân đang sinh sống tại chung cư Golden Westlake, thì dự án này được cấp phép đầu tư từ 31.12.1998, qua 4 lần phê duyệt và điều chỉnh theo các quyết định của UBND TPHN. Sau 3 năm bàn giao nhà cho người mua và vận hành dự án, Golden Westlake đã bộc lộ nhiều bất cập.Kính rơi xuống ban công tầng dưới. |
Các bất cập trên đã được gần 200 cư dân tại đây phản ánh lên các cơ quan chức năng... Nhưng đến nay, những vướng mắc chính vẫn chưa được giải quyết và các bên vẫn chưa thể ngồi với nhau để cùng đi đến một thống nhất chung. Chủ căn hộ W706 - ông Tô Hồng Sơn, bức xúc cho biết: “Lẽ ra chúng tôi phải được hưởng chỗ nghỉ ngơi sinh hoạt đúng với số tiền bỏ ra, nhưng từ khi về ở đến nay chúng tôi gặp rất nhiều rắc rối chưa được giải quyết thỏa đáng...”.
“Đặc biệt, sự lo ngại nhất hiện nay liên quan đến tính mạng người dân khi kính ở các lan can trên cao rơi xuống, kể từ năm 2011 đến nay đã 9 lần tai họa từ trên cao rơi xuống khiến xe ôtô của cư dân bị hỏng nặng và vẫn chưa giải quyết xong. Thực tế dự án này chưa được quyết toán trong khi theo quy định, khi nghiệm thu bàn giao, dự án phải được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng, đảm bảo đầy đủ điều kiện về thiết kế an toàn... Ngoài ra, theo quy định sau khi mua nhà 50 ngày, chủ đầu tư phải làm giấy chứng nhận nhà ở cho người mua, nhưng đã 3 năm trôi qua, chúng tôi vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở” - ông Sơn cho biết thêm.
Mâu thuẫn chưa có hồi kết
Bà Nguyễn Thị Minh Thanh - Tổ phó ban đại diện chung cư lâm thời cho biết, hiện nay việc thu phí các dịch vụ cũng rất cao khiến cư dân bức xúc. “Ngay khi bắt đầu đến ở, chủ đầu tư đã tăng phí lên 3 triệu đồng/tháng. Cư dân phản đối, chủ đầu tư hạ xuống còn 1 triệu đồng/tháng. Nhưng, tháng 4/2012, chúng tôi lại nhận được thông báo tăng mức phí này lên 2,5 triệu/xe/tháng. Ban đại diện lâm thời có gặp và làm việc với chủ đầu tư thì họ giảm xuống 2 triệu đồng/tháng. Các hộ dân tại Golden Westlake không đồng tình mức phí này vì trước khi tăng giá, chủ đầu tư chưa bàn bạc, thống nhất với đại đa số cư dân. Chúng tôi chỉ yêu cầu chủ đầu tư phải minh bạch, không thể đơn phương áp dụng một mức giá quá cao như vậy được” - bà Thanh nói.Ngoài ra, cũng theo phản ánh của người dân, chủ đầu tư ký hợp đồng thuê khu vực đậu xe riêng với một số dân cư với mức giá từ 750 triệu đồng đến 2,1 tỉ đồng cho 38 năm và trả trong một lần. Như vậy, một chỗ đậu xe có giá tới khoảng 12–14 triệu đồng/tháng, cộng với phí vận hành 220 nghìn đồng (bao gồm VAT). Chưa kể đến cư dân đang phải chịu mức phí dịch vụ sinh hoạt “khủng” là 18 nghìn đồng/m2/tháng, gấp hơn bốn lần quy định của TPHN (4.000 đồng/m2/tháng). Điều đáng nói là chủ đầu tư chỉ cho thuê chỗ đậu xe mà không chịu trách nhiệm về sự mất mát tài sản nếu xảy ra, trong khi một chỗ đậu xe có giá đắt gần như nhất Hà Nội - cư dân này nhận xét.
Việc áp dụng mức phí trên được chủ đầu tư áp theo kết quả thẩm định mức thu, nộp và quản lý phí trông giữ phương tiện tại tầng hầm tòa nhà của Sở Tài chính vào việc cho thuê chỗ đậu xe. Do vậy, hiện các hộ dân ở Golden Westlake đã làm đơn gửi các cấp lãnh đạo TPHN ra quyết định thanh tra toàn bộ việc thực hiện dự án và sớm có kết luận về sở hữu tầng hầm theo đúng quy định.
Ngoài việc gửi đơn đến các cơ quan chức năng, các cư dân của Golden Westlake cũng đã lập hẳn trang web: http://goldenwestlake.info/ nhằm kêu gọi sức mạnh của cộng đồng phản đối các dịch vụ đắt đỏ do Ban quản lý tòa nhà đặt ra.
Gần đây, cơ quan chức năng HN liên tiếp nhận được đơn “kêu cứu” của cư dân sống trong chung cư được mệnh danh là “cao cấp” như Keangnam, The Manor, Sky City... Họ kêu cứu bởi bị áp đặt giá dịch vụ quá cao. Thậm chí có nơi chủ đầu tư yêu cầu đóng cửa tầng hầm, không cho cư dân để xe ôtô, xe máy, không bố trí bảo vệ trông giữ xe... Cư dân thắc mắc, khiếu kiện thì bị nhân viên quản lý chung cư hành xử thiếu văn hóa, hoặc thực hiện hành vi côn đồ… Đây là thực tế “cầm luật đằng lưỡi”. Từ những lá đơn kêu cứu, báo chí cũng đã phải tốn rất nhiều giấy mực, các cơ quan chức năng của HN mới vội vàng nhận ra những bất cập trong các quy định về quản lý, sử dụng nhà chung cư. Có tới 3 mô hình quản lý chung cư, nhưng vẫn chưa rõ ràng, chồng chéo giữa quyền và trách nhiệm của chủ đầu tư, ban quản trị và cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương…; kinh phí vận hành, bảo trì chung cư xa rời thực tiễn; ban quản trị có cơ sở lộng hành vì được trao quyền quá lớn. UBND TPHN có quy định “chủ đầu tư có thể áp dụng mức phí riêng trên cơ sở thỏa thuận với các hộ dân”. Lợi dụng quy định này, chủ đầu tư đưa ra những mức phí “trên trời” áp đặt cho cư dân. Và cũng cần nói thêm, khi mua căn hộ chung cư, người dân có thể đã chưa quan tâm hết tới quyền lợi và trách nhiệm của mình - không đọc kỹ để phát hiện những cái bẫy hợp đồng, đặt bút ký, xem như đã “tự lấy dây buộc mình”. Có quan điểm cho rằng: “Dùng luật như chơi dao”. Hay nói một cách nôm na rằng chính những bất cập trong cung cách quản lý chung cư hiện nay đã đặt cơ quan quản lý nhà nước và cả người dân vào tình thế “cầm luật (dao) đằng lưỡi” - phải sửa đổi, bổ sung lại. Dẫu thực tế có đang như vậy, song chúng ta hoàn toàn tin tưởng rằng, luật pháp và các cơ chế chính sách khác luôn là công cụ đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân và vì nhân dân. |
(Theo Lao Động)
- 0
- By Admin
- 07/08/2012
- 17