• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Công nhận sở hữu tư nhân để sử dụng đất có hiệu quả

>> Sở hữu tư nhân về đất đai: Nên hay không?/Sở hữu tư nhân về đất đai có dẫn đến lạm dụng?

Tiến trình tổng kết, nghiên cứu sửa đổi Luật Đất đai 2003 đang được ráo riết thực hiện. Trong đó, vấn đề có nên nghiên cứu sửa đổi chế độ sở hữu đất đai trong Luật Đất đai 2003 hay không là chuyện hệ trọng. Tổng cục Quản lý đất đai cho biết Bộ TN&MT đã trình lên Ban Cán sự đảng Chính phủ để xin ý kiến của cấp cao hơn về vấn đề này.

“Đã đến lúc chúng ta cần nhìn thẳng vào thực chất quan hệ đất đai ở Việt Nam. Cần chấp nhận sở hữu tư nhân về đất đai, bên cạnh sở hữu nhà nước, sở hữu tập thể. Như vậy sẽ phù hợp hơn với nhu cầu phát triển của thực tế, làm giảm tham nhũng trong bộ máy quản lý đất đai” - GS-TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, kiến nghị.

Được sở hữu chứ không chỉ sử dụng

“Quy định sở hữu toàn dân về đất đai là điểm yếu chí tử của Luật Đất đai hiện nay. Chính điều này là nguyên nhân sâu xa của phần lớn khiếu kiện của người dân trong những năm qua. Vì vậy, việc sửa nội dung này là hết sức cấp bách” - ông Nguyễn Quang A, chuyên gia kinh tế, nhấn mạnh.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đình Lộc cũng cho rằng nên cho người dân được sở hữu đất đai chứ không phải chỉ có quyền sử dụng đất như hiện nay. Đồng tình, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan dự báo tình hình sẽ khác nếu như người dân được quyền sở hữu đất đai. Khi đã là chủ sở hữu thì người dân có quyền bán hay không bán đất của mình, có thể mặc cả về giá và các điều kiện khác để đảm bảo lợi ích của mình. Cùng với đó, khi cho sở hữu tư nhân về đất đai, thị trường đất đai sẽ dần hình thành một cách minh bạch, giá cả và mọi sự mua bán, tích tụ hay phân chia để sử dụng sẽ hợp lý hơn. Và trên hết, lợi ích của người dân, đất nước sẽ được bảo đảm tốt hơn.

Sở hữu tư nhân về đất đai để sử dụng đất có hiệu quả | 1
Trên cơ sở có quyền sở hữu đất, nông dân sẽ yên tâm đầu tư, chăm chút giữ gìn mảnh đất lâu dài cho mình và cho con cháu. Ảnh: HTD

Tăng hiệu quả sử dụng đất, giảm tham nhũng

Vậy, nên cho sở hữu tư nhân đối với loại đất nào? Tại hội nghị tổng kết thi hành Luật Đất đai 2003 ở Đà Nẵng vào cuối năm 2010, Bộ trưởng TN&MT Phạm Khôi Nguyên nêu quan điểm cá nhân: “Tốt nhất là cho sở hữu tư nhân đất ở vì thực chất đã sở hữu tư nhân rồi mà ta cứ nói là sở hữu toàn dân, thành ra bao nhiêu chính sách ra không rõ!”.

Trong khi đó, theo quan điểm của nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT Đặng Hùng Võ, về nguyên tắc, nên trao quyền sở hữu tư nhân về đất đai đối với tất cả các loại đất mà hộ gia đình, cá nhân được sử dụng hiện nay: đất ở, đất chuyên dùng, đất nông nghiệp, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối, đất rừng sản xuất. “Tuy nhiên, sở hữu tư nhân về đất đai là sở hữu có hạn chế quyền định đoạt. Theo đó, Nhà nước có quyền định đoạt về mục đích sử dụng đất và thu hồi đất để sử dụng vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, quốc phòng, an ninh” - ông Võ giải thích.

Với đất nông nghiệp, đất rừng sản xuất, bà Phạm Chi Lan nói rõ thêm, nên giao quyền sở hữu cho người dân thay cho việc họ chỉ được giao sử dụng có thời hạn như hiện nay. Có như vậy mới đảm bảo lợi ích tốt nhất cho nông dân trên mảnh đất họ canh tác. Nếu không, với tốc độ đô thị hóa, thương mại hóa như hiện nay, sẽ rất dễ xảy ra tình trạng nông dân yếu thế bị mất đất về tay người có thế lực.

“Trên cơ sở có quyền sở hữu, nông dân sẽ yên tâm đầu tư, chăm chút giữ gìn mảnh đất lâu dài cho mình và cho con cháu. Đối với những lời mời chào mua bán đất từ Nhà nước, chủ đầu tư, họ sẽ cân nhắc, tính toán kỹ càng về quyết định giữ hay bán đất hay mua thêm đất cho mình. Lợi ích của nông dân và hiệu quả sử dụng đất đai sẽ được chính bản thân họ đảm bảo. Không ai có thể làm việc đó tốt hơn họ, kể cả Nhà nước” - bà Lan nói.

Ông Nguyễn Quang A cũng phân tích: “Khi có quyền sở hữu, người dân yên tâm và có cách sử dụng hiệu quả hơn, không còn phải thấp thỏm lo chuyện bị thu hồi một cách tùy tiện. Khi ấy, sự lạm dụng của các quan chức nhà nước cũng ít đi và kết quả là giảm tham nhũng, khiếu kiện”.

Trở ngại lớn nhất là tư duy

Cương lĩnh 2011 của Đảng đã không còn xác định “công hữu về tư liệu sản xuất chủ yếu” như Cương lĩnh 1991. Nhiều ý kiến cho rằng như vậy là đã “mở” ra cho việc sửa Hiến pháp và Luật Đất đai theo hướng cho sở hữu tư nhân về đất đai. Tuy nhiên, nhiều ý kiến lại cho rằng đụng đến việc sửa Hiến pháp là rất khó! Hơn nữa, việc sửa quy định “đất đai thuộc sở hữu toàn dân” là đi ngược với quan niệm đã ăn sâu, bén rễ ở nhiều người…

Về vướng mắc này, GS-TSKH Đặng Hùng Võ thẳng thắn: “Nếu nhận thức đã rõ thì việc sửa Hiến pháp hay sửa Luật Đất đai chỉ là vấn đề kỹ thuật, không có gì khó”.Ông Võ nhấn mạnh:“Tôi cho rằng khó nhất là ở chỗ các nhà quản lý phải vượt lên chính tư duy của mình. Sự vướng mắc về tư tưởng có thể do lo ngại cho định hướng XHCN của đất nước. Cũng có thể do muốn tạo nên cảnh mù mờ về cơ chế để làm tăng cơ hội tham nhũng về đất đai”.

Đồng tình, bà Phạm Chi Lan cũng cho rằng trở ngại lớn nhất hiện nay cho việc chuyển sang công nhận sở hữu tư nhân về đất đai là ở tư duy của một số người có quyền hoặc có ảnh hưởng tới chủ trương lớn này. Mặt khác, trở ngại cũng có thể đến từ các nhóm người quen được hưởng lợi từ cơ chế đất đai là sở hữu toàn dân với khái niệm không rõ ràng, thiết chế kém minh bạch, khó kiểm soát quyền sở hữu như đã và đang diễn ra.

Mỗi mảnh đất phải gắn với một người chủ

Cần phân biệt rõ đất thuộc sở hữu của cá nhân, DN, tổ chức, đất của cộng đồng như dòng họ, nhà chùa, nhà thờ và đất thuộc sở hữu nhà nước. Mỗi miếng đất phải gắn với một chủ sở hữu rõ ràng, không thể nhầm lẫn. Ngay cả đất thuộc sở hữu nhà nước cũng phải nêu rõ ai là đại diện chủ sở hữu trên mảnh đất đó.

Ông NGUYỄN QUANG A, chuyên gia kinh tế

Đất của mình mới đầu tư chắc

Cần cho các DN thuộc mọi thành phần kinh tế sở hữu đối với đất làm mặt bằng sản xuất, kinh doanh. DN phải bỏ tiền ra mua đất làm cơ sở kinh doanh thì chắc chắn sẽ đầu tư và sử dụng sao cho đất đó mang lại lợi ích cao nhất, bền vững nhất. Một công trình nếu được sở hữu thì họ sẽ tính toán đầu tư, nuôi dưỡng cho bền vững cả trăm năm. Nếu đất vẫn là sở hữu của Nhà nước, chỉ cho thuê trong 20-30 năm, sau thời hạn đó họ chưa chắc có được tiếp tục thuê nữa hay không thì họ sẽ chỉ đầu tư cầm chừng hoặc khai thác cạn kiệt sao cho có lời nhất trong 20-30 năm đó.

Bà PHẠM CHI LAN, chuyên gia kinh tế

Không phải bây giờ mới đặt ra

Không phải đến bây giờ vấn đề sở hữu tư nhân về đất đai mới được đặt ra. Khi thảo luận dự thảo Luật Đất đai năm 2003 tại Quốc hội, đại biểu Dương Trung Quốc đã đề nghị cần chấp nhận sở hữu tư nhân về đất đai. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn An, Chủ tịch Quốc hội khi đó trả lời rằng muốn sửa đổi chế độ sở hữu đất đai thì phải sửa đổi Hiến pháp nhưng việc này không thể kịp làm trước thời hạn thông qua Luật Đất đai…

GS-TSKHĐẶNG HÙNG VÕ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT

(Theo PLTPHCM)

  • 0
  • By Admin
  • 02/03/2011
  • 17