Công chứng là hoạt động bổ trợ tư pháp, không phải thủ tục hành chính!
Bộ Xây dựng vừa đề xuất bỏ công chứng với các hợp đồng dân sự liên quan về nhà ở và quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, đề xuất này không được Bộ Tư pháp đồng tình. Ngày 7/6 vừa qua, Cục Kiểm soát TTHC (Văn phòng Chính phủ) lại tổ chức buổi tham vấn về việc thực thi nghị quyết của Chính phủ về bãi bỏ yêu cầu bắt buộc công chứng đối với các hợp đồng, giao dịch về nhà ở và quyền sử dụng đất.Nhiều phương tiện thông tin đại chúng đưa tin, theo tính toán của Tổ Công tác chuyên trách cải cách TTHC của Thủ tướng, nếu bãi bỏ quy định bắt buộc phải công chứng, sẽ tiết kiệm được 2.700 tỉ đồng/năm. Thông tin này lại tiếp tục gây nhiều tranh luận, xem nên giữ hay bỏ công chứng hợp đồng nhà đất, dù trước đó Bộ Tư pháp đã cho rằng vấn đề này cần tiếp tục thảo luận, lấy ý kiến của nhiều cơ quan, ban ngành có liên quan để có cái nhìn thấu đáo hơn, chặt chẽ hơn.
Hướng dẫn người dân làm thủ tục công chứng tại VPCC Hà Nội |
Vậy, nên bỏ hay giữ công chứng? Dưới cái nhìn CCHC, đề xuất của Bộ Xây dựng và Cục Kiểm soát TTHC nghe có vẻ ổn, vì đỡ mất thời gian, tiền bạc của người dân. Nhưng bản chất vấn đề, liệu việc cắt bỏ công chứng có thực sự giảm phiền hà, nhũng nhiễu về TTHC liên quan đến đất đai, nhà ở, và có thực sự là tiết kiệm?
Hiện khoảng gần 80% các vụ khiếu kiện có liên quan đến nhà đất, và rất nhiều vụ không giải quyết dứt điểm được do thiếu các chứng cứ hoặc văn bản được sử dụng làm chứng cứ mâu thuẫn nhau. Không phải ngẫu nhiên mà Nhà nước qui định các hợp đồng giao dịch về nhà đất phải có công chứng. Công chứng – với sự xác nhận tính xác thực của giao dịch, giúp Nhà nước và cả các bên tham gia giao dịch kiểm soát bước đầu các giao dịch hợp lệ, chống hiện tượng lừa đảo trong giao dịch tài sản có giá trị lớn như nhà đất.
Bỏ công chứng thì khi có tranh chấp xảy ra thì ai “chứng” cho tính hợp pháp, tính xác thực của hợp đồng? Tòa án, các cơ quan có thẩm quyền thiếu căn cứ, cơ sở để giải quyết tranh chấp, hiện tượng lừa đảo, tranh chấp, kiện tụng, vi phạm pháp luật trong xã hội sẽ xảy ra ngày càng nhiều. Bởi, khi đó sẽ quay lại thời kỳ giao dịch bằng “giấy viết tay” như khi công chứng chưa phát triển, mà điều đó đối với thị trường giao dịch bất động sản sôi động và tiềm ẩn nhiều rủi ro hiện nay là rất nguy hiểm. Vì thế, nhiều người cho rằng, nếu bỏ công chứng, khi xảy ra tranh chấp, việc giải quyết sẽ vô cùng nan giải và chi phí có thể sẽ không dừng ở con số 2.700 tỉ đồng!
Bên cạnh đó, nếu chỉ bỏ công chứng hợp đồng thì người dân có bớt được phiền hà trong các giao dịch nhà đất? Vì thực tế, công chứng không phải là TTHC, mà là hoạt động bổ trợ tư pháp, một dịch vụ công nhằm bảo đảm an toàn cho các bên giao dịch. Công chứng viên sẽ xác định giao dịch được thiết lập liên quan đến nhà, đất đó có hợp pháp hay không? Qua đó có thể tư vấn cho các bên tham gia thực hiện giao dịch một cách hợp pháp, giảm nguy cơ xảy ra tranh chấp, tránh rủi ro về sau. Việc cho phép lựa chọn có thể công chứng hoặc không chắc chắn sẽ khiến nhiều người “chặc lưỡi” bỏ qua công chứng, và đứng trước nguy cơ tranh chấp, rủi ro khi phía bên kia lật lọng.
Thực tế, đơn giản hóa thủ tục hành chính là nhằm cắt bỏ những thủ tục phiền hà, không cần thiết trong các giao dịch. Trong khi đó, hiện công chứng hoàn toàn không còn là thủ tục phiền hà. Như tại Hà Nội, với 51 tổ chức hành nghề công chứng hoạt động, chưa kể tại những nơi chưa có tổ chức hành nghề công chứng nào thì UBND vẫn chứng thực các hợp đồng, giao dịch liên quan đến nhà đất, người dân không còn mất thời gian chờ đợi hay bị phiền hà, nhũng nhiễu. Có chăng, chính là những thủ tục trước và sau công chứng, do các cơ quan hành chính giải quyết. Đó là hồ sơ yêu cầu quá nhiều loại giấy tờ, tài liệu kèm theo, nhiều quy định chưa thực sự rõ ràng, thời gian trả kết quả “nhập nhằng”, người dân mất “phí không thành văn”…
(Theo PL&XH)
- 0
- By Admin
- 11/06/2011
- 17