"Cơn sốt" căn hộ cao cấp chỉ là cục bộ
Khan hàng và tiền chênh lớn
Từng đóng băng về thanh khoản trong một thời gian dài, phân khúc căn hộ cao cấp bắt đầu xuất hiện nhiều giao dịch kể từ đầu năm 2014, cùng với tín hiệu tích cực chung của thị trường căn hộ.
Tại một số dự án nằm ở các vị trí trung tâm vừa đưa vào sử dụng như Dự án căn hộ cao cấp Trung Yên Plaza trên đường Trần Duy Hưng, hay Dự án Lancaster trên phố Núi Trúc, các giao dịch diễn ra khá sôi động và xuất hiện mức chênh lên tới 200 triệu đồng/căn, thậm chí mức chênh tại Dự án Mandarin Garden còn lên tới 500 - 600 triệu đồng/căn.
Không chỉ các dự án đã bàn giao, đưa vào sử dụng, một số dự án có tiến độ tốt và đang trong giai đoạn hoàn thiện cũng xuất hiện mức chênh.
Cụ thể, tại Dự án Diamon Flower trên đường Lê Văn Lương, trong đợt mở bán gần đây, nhiều khách hàng phải chấp nhận trả cả trăm triệu tiền chênh để mua căn hộ. Trong khi tại Dự án N04 Trần Duy Hưng, khách hàng cũng phải trả thêm khoảng 200 triệu đồng/căn nếu muốn mua căn hộ tại dự án này. Đối với một số dự án căn hộ cao cấp khác như Thăng Long Number One, hay Discovery Complex, dù không xuất hiện tình trạng tiền chênh, nhưng hầu hết căn hộ diện tích nhỏ, căn hộ có vị trí đẹp, đều đã có khách đặt mua…
Nhiều dự án căn hộ cao cấp mới bàn giao và đưa vào sử dụng xuất hiện
mức chênh lên tới hàng trăm triệu đồng
Việc xuất hiện tiền chênh tại các dự án căn hộ cao cấp trên chứng tỏ, nhu cầu thực đối với phân khúc này là có thật, chứ không phải hiện tượng tăng giá ảo vì đầu cơ như đã từng diễn ra trong quá khứ.
Chỉ là cục bộ
Nhìn vào diễn biến trên, hẳn nhiều người sẽ cho rằng, phân khúc căn hộ cao cấp đã thật sự phục hồi và chuẩn bị bước vào “đợt sóng” mới. Tuy nhiên, các chuyên gia và những người trong cuộc lại có cái nhìn thận trọng hơn khi cho rằng, tình trạng khan hàng và xuất hiện tiền chênh cho thấy sự khiếm khuyết của phân khúc căn hộ cao cấp, chứng tỏ cơ cấu sản phẩm của phân khúc này có vấn đề.
“Cơn sốt” này chỉ diễn ra cục bộ, ở một số sản phẩm có diện tích nhỏ, những dự án có tiến độ và vị trí tốt, còn lại nhìn chung, phân khúc cao cấp trong thời gian tới vẫn chưa hết khó khăn.
Ông Trần Như Trung, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh cho rằng, thị trường căn hộ cao cấp xuất hiện tiền chênh cho thấy, một loại sản phẩm nào đấy thuộc phân khúc cao cấp tại một khu vực nhất định, cung đang ít hơn cầu, nhưng không vì thế mà cho rằng, thị trường đã khởi sắc, vì tồn kho căn hộ cao cấp hiện vẫn rất lớn.
Ông Trung lấy dẫn chứng, hiện khách hàng vẫn chuộng căn hộ diện tích nhỏ, dù đó là căn hộ cao cấp. Trong khi cơ cấu sản phẩm căn hộ cao cấp, lượng căn hộ diện tích nhỏ thường chiếm tỷ trọng rất thấp. Do vậy, thực tế, nhiều chủ đầu tư vẫn tồn đọng nhiều sản phẩm, nhưng đây lại là những sản phẩm không phù hợp với nhu cầu của thị trường.
Theo ông Trung, vấn đề đối với phân khúc căn hộ cao cấp hiện nay là các chủ đầu tư phải cơ cấu lại sản phẩm.
Cùng quan điểm như trên, ông Trương Chí Kiên, Phó tổng giám đốc CTCP Him Lam Thủ Đô cho biết, những căn hộ có tiền chênh hiện nay xuất phát chủ yếu từ việc khách hàng đã mua được các sản phẩm có diện tích nhỏ, vị trí tốt, giá thấp do doanh nghiệp điều chỉnh giá bán trong lúc thị trường khó khăn, chứ rất nhiều dự án cao cấp hiện nay vẫn còn hàng tồn kho, là những căn hộ diện tích lớn, trong khi tại nhiều dự án khác, nhà đầu tư vẫn phải cắt lỗ. Do vậy, thị trường căn hộ cao cấp hiện nay và cả sắp tới vẫn rất khó khăn.
Dưới góc độ một nhà phân phối, ông Vũ Cương Quyết, Tổng giám đốc CTCP Dịch vụ Đất Xanh Miền Bắc, đơn vị đang bán hàng cho hàng loạt dự án căn hộ cao cấp cũng thừa nhận, mặc dù thanh khoản của thị trường căn hộ đã tăng đáng kể, nhiều dự án xuất hiện tiền chênh, nhưng việc bán được sản phẩm, nhất là đối với căn hộ cao cấp không đơn giản.
Ông Quyết lấy dẫn chứng, tại Dự án Discovery Complex mà đơn vị này bán hàng, phần lớn khách hàng chỉ muốn mua căn hộ diện tích nhỏ, các căn hộ diện tích lớn vẫn khó bán.
- 0
- By Admin
- 20/05/2014
- 17