• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Còn nhiều thị trấn nhỏ xíu của Mỹ được rao bán

Chuyện một thị trấn được rao bán không phải xa lạ tại Mỹ. Năm 2010, thị trấn rộng 4 ha Wauconda ở hạt Okanogan, bang Washington đã được bán với giá 360.000 USD trên eBay. Năm 2003, thị trấn Bridgeville rộng 32 ha tại California cũng được mua với giá 1,78 triệu USD. Năm 2007, thị trấn một người ở tại Albert, Texas được một người Italy mua với giá 3,8 triệu USD. Mới đây, thị trấn Buford tại bang Wyoming (Mỹ) được bán cho doanh nhân người Việt với giá 0,9 triệu USD.

Tại Mỹ còn rất nhiều 'thị trấn ma' đang được rao bán. Đây là các thị trấn có diện tích tương đối nhỏ, dân số ít (có nơi chỉ có một cư dân), thường là các khu vực dân cư chưa hợp nhất, thuộc quản lý của một phân vùng lãnh thổ hành chính lớn hơn. Việc các thị trấn này được rao bán mở ra cơ hội sở hữu bất động sản Mỹ cho nhiều người nước ngoài.

Tiêu biểu phải kể đến thị trấn Pray, bang Montana mới đây được rao bán với giá 1,4 triệu USD. Thị trấn này nằm trong thung lũng Paradise, gần công viên quốc gia Yellowstone, một vùng núi non hùng vĩ. Theo thông tin đăng tải trên tờ The Daily, mức giá trên bao gồm một khu nhà lưu động, một cửa hàng và một bưu điện. Thị trấn rộng 2 ha này có dân số khá đông so với các thị trấn được rao bán khác: 197 người. Tuy nhiên, đa số cư dân đều sống bên ngoài Pray dù Cục thống kê dân số Mỹ vẫn ghi nhận họ là cư dân của thị trấn.

Còn nhiều thị trấn nhỏ xíu của Mỹ được rao bán | ảnh 1
Thị trấn Pray, bang Montana, Mỹ. Ảnh: Curbed

Chủ sở hữu Pray, bà Barbara Walker cho biết, bà muốn bán nơi này đi bởi không muốn phải tiếp tục quản lý nó một mình. Chồng bà Walker đã qua đời hồi năm 2006. Bà sống dựa vào nguồn thu từ việc cho thuê nhà lưu động. Hàng tháng, bà thu 200 USD từ mỗi người thuê nhà. Tại thị trấn này, bà vừa là cảnh sát trưởng, vừa là nhân viên quản lý rác, vừa là cán bộ quản lý động vật…

Ngoài ra, một thị trấn có tên Henry Mill Village cũng đang được rao bán với giá 1,4 triệu USD. Henry Mill Village, bang North Carolina, từng là phim trường cho địa danh Quận 12 trong bộ phim nổi tiếng Hunger Game. Được thành lập năm 1905, giống nhiều khu mỏ vàng khác, Henry Mill Village hứa hẹn đem lại việc làm và sự giàu có. Trong một khoảng thời gian dài, dân số tại đây bùng nổ, hầu hết đều làm việc lại các mỏ khai thác. Khi đó, đã có tới 20 công trình được xây dựng tại đây. Thị trấn rộng gần 29 ha này cũng đã từng là nơi đặt trụ sở công ty sản xuất chỉ Henry River Manufacturing Co. Tuy nhiên, kể từ năm 1977, Henry Mill Village đã trở thành nơi đồng không mông quạnh sau khi nhà máy này cháy rụi. Hiện nay, thị trấn này có duy nhất một cư dân, ông Wade Shepherd, năm nay 84 tuổi.

Còn nhiều thị trấn nhỏ xíu của Mỹ được rao bán | ảnh 2
Thị trấn Henry Mill Village, bang North Carolina. Ảnh: The Sun

Shepherd cho biết ông muốn bán thị trấn đi do nó quá … nổi tiếng. Chia sẻ với AP, ông Shepherd cho biết thị trấn vốn yên tĩnh này giờ đây lúc nào cũng đông nghẹt người. "Họ qua lại đây cả ngày lẫn đêm. Tôi cảm thấy bị làm phiền bởi quá nhiều người", ông Shepherd nói. Ông hy vọng một người hâm mộ nào đó của bộ phim sẽ mua thị trấn của mình.

Không chỉ có 2 thị trấn trên, năm ngoái, thị trấn Scenic, nằm ở trung tâm rừng quốc gia Badlands, thuộc bang South Dakota cũng được rao bán toàn bộ với giá 799.000USD. Được thành lập năm 1906, hiện thị trấn rộng gần 5 ha này chỉ còn 8 cư dân. Mức giá trên bao gồm một bưu điện, cửa hàng tiện lợi, vũ trường, hai cửa hàng bán lẻ, ga tàu, phòng công cộng, hai ngôi nhà và hai nhà giam. Những cư dân còn lại của Scenic sống chủ yếu nhờ vào việc buôn bán xăng, đồ ăn và rượu cho người qua đường và khách du lịch.

Còn nhiều thị trấn nhỏ xíu của Mỹ được rao bán | ảnh 3
Thị trấn Scenic, bang South Dakota. Ảnh: Business Insider

Theo ABC News, chủ nhân hiện tại của thị trấn này là Twila Merrill. Được chẩn đoán mắc bệnh ung thư, bà Merrill quyết định bán thị trấn này đi. Trước đó, bà đã rao bán thị trấn này với giá 3 triệu USD nhưng khủng hoảng kinh tế khiến giá giảm xuống còn 799.000 USD.

Theo số liệu trên trang Ancestry, tính đến năm 2009, nước Mỹ có khoảng 50.000 "thị trấn ma". Những thị trấn này đều từng là khu khai thác khoáng sản, công trường xây dựng đường sắt, khu vực quân đội từng đóng quân, ấp nông nghiệp, ga xe lửa .... Chúng được thành lập bởi một nhóm cư dân và bùng nổ dân số vào thời hoàng kim. Cư dân tại đây phần lớn làm việc hoặc sống nhờ vào các hoạt động đó.

Tuy nhiên, theo thời gian, khi các động lực kinh tế như công trình đường sắt, hay doanh trại quân đội rời đi, thất nghiệp và cuộc sống khó khăn khiến cư dân tại các thị trấn này tản đi nơi khác để kiếm sống. Do đó, các thị trấn này dần thưa thớt và trở thành nơi hoang vắng với chỉ một số ít cư dân còn lại. Khi đó, chúng được coi là những "thị trấn ma".

(Theo VnExpress)

  • 153
  • By Admin
  • 12/04/2012
  • 17