Còn nhiều "nút thắt" trong cấp sổ đỏ
Tuy nhiên, đã gần hết năm 2013, tỷ lệ này mới là 84,1% diện tích cần cấp GCN của cả nước. Đây là thông tin được đưa ra tại Tọa đàm trực tuyến xung quanh tiến độ cấp sổ đỏ do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 27/9.
Kinh nghiệm hay nhưng khó nhân rộng
Bộ Tài nguyên và Môi trưởng (TN&MT) cho biết, đến nay cả nước đã cấp được 36,5 triệu GCN với tổng diện tích 20,36 triệu hécta, đạt 84,1% diện tích cần cấp GCN của cả nước. Về đất ở đô thị, tỷ lệ cấp đạt 81,1%, còn 29 tỉnh đạt dưới 85%. Về đất ở nông thôn: đã cấp đạt 85,5%, còn 27 tỉnh đạt dưới 85%. Tuy nhiên, Nghị quyết 30 và Chỉ thị 05 nêu rõ, trong năm 2013 việc cấp sổ đỏ phải đạt 95% trở lên đối với trường hợp đủ điều kiện; đạt 85% diện tích sử dụng trở lên đối với các loại đất chính.
Như vậy, “trong thời gian tới, cần cố gắng, nỗ lực nhiều hơn nữa để đáp ứng chỉ tiêu đặt ra” - Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Mạnh Hiển nhấn mạnh. Ông Hiển chia sẻ, từ nay đến cuối năm, thời gian còn rất ít, trong khi những trường hợp còn lại hiện nay là hết sức phức tạp cả về nguồn gốc sử dụng đất,
không có giấy tờ, một số trường hợp người sử dụng đất vi phạm, chủ đầu tư cũng vi phạm. Do đó, phải có sự quyết tâm cao và chỉ đạo quyết liệt mới hoàn thành chỉ tiêu đặt ra cũng như cần thực hiện nghiêm Chỉ thị của Thủ tướng là địa phương nào không hoàn thành thì phải xem xét trong việc bình xét thi đua hàng năm và “ngay cả Bộ TN&MT chỉ đạo không quyết liệt, không hoàn thành nhiệm vụ thì lãnh đạo Bộ cũng phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng”.
Tọa đàm trực tuyến xung quanh tiến độ cấp sổ đỏ do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 27/9 |
Một trong những “điểm sáng” trong công tác cấp GCN là huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Với nhiều cách làm hay như mạnh dạn trích ngân sách để hợp đồng thêm cán bộ địa chính; cán bộ cấp huyện về tận xã, thôn để làm thủ tục cho dân; cán bộ thuế đến tận hộ gia đình để thu thuế, huyện này đã cơ bản cấp xong GCN lần đầu đạt gần 100%. Nhưng Phó Giám đốc Sở TN&MT TP.Hà Nội Nguyễn Hữu Nghĩa cho rằng, cách làm này chưa hẳn đã hay đối với Hà Nội. Ông Nghĩa giải thích, ở khu nông thôn thì Hà Nội cơ bản hoàn thành, còn vướng mắc nhiều lại tập trung vào các khu dân cư, nhà ở.
Ông Nghĩa khẳng định việc tổ chức hợp đồng thêm với các cán bộ địa chính để xử lý các vướng mắc, cấp giấy các dự án nhà ở đối với Hà Nội là không phù hợp. Vấn đề quan trọng đối với các dự án nhà ở tại Hà Nội là sự phối hợp của chủ đầu tư.
“Hiện nay trên địa bàn có 223 dự án phát triển nhà ở (tương ứng với khoảng 220.000 căn hộ gồm cả thấp và cao tầng - PV), sau khi có Thông báo 327 của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, chúng tôi thông báo tất cả các chủ đầu tư kê khai. Cho đến nay chúng tôi nhận được sự phối hợp, liên hệ của khoảng 110 doanh nghiệp, số chủ đầu tư nộp hồ sơ rất ít - ông Nghĩa thông tin và cho biết thêm - Chúng tôi có thể tiếp nhận hồ sơ lẻ không cần thông qua chủ đầu tư, nghĩa là đối với các trường hợp người dân mua nhà ở các dự án phát triển nhà ở có thể nộp hồ sơ trực tiếp”.
Hậu câu chuyện từ chối nhận GCN
Mặc dù các địa phương tập trung rất cao cho việc chỉ đạo thực hiện cấp GCN nhưng tiến độ tại một số địa phương còn chậm. Tại nhiều địa phương, còn tồn đọng số lượng khá lớn GCN đã ký nhưng chưa trao được cho người dân. Theo phản ánh của các địa phương, một trong những nguyên nhân là liên quan tới thực hiện nghĩa vụ địa chính.
Thời gian qua, Bộ TN&MT đã phối hợp với Bộ Tài chính rà soát lại các quy định liên quan đến thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất và cũng đã sửa đổi rất nhiều văn bản quy định xoay quanh vấn đề này, trong đó có vấn đề thu lệ phí trước bạ của người sử dụng đất, đã sửa đổi ban hành Nghị định 45/2011/NĐ-CP, trong đó giảm mức thu lệ phí trước bạ từ 1% xuống 0,5% và miễn thu cho nhiều đối tượng, nhất là cấp GCN đối với đất nông nghiệp, các hộ chính sách, đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa.
Tuy nhiên, mức thu hiện tại là 0,5% mà như các địa phương phản ánh, đối với bà con nông dân ở nông thôn thì việc phải nộp từ 3 - 10 triệu đồng vẫn là cao. Đặc biệt đã diễn ra câu chuyện hàng nghìn hộ gia đình ở TP.HCM và một số địa phương xin trả lại hồ sơ và từ chối nhận GCN do tiền sử dụng đất phải đóng quá lớn, cùng khoản lãi phạt chậm nộp lên tới 18% năm.
Trước thực trạng trên, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ TN&MT) Lê Văn Lịch cho hay, Bộ TN&MT đã báo cáo Chính phủ và Bộ Tài chính, hiện Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì để sửa đổi Nghị định 120/2010/NĐ-CP, trong đó sẽ điều chỉnh quy định thu tiền sử dụng đất và chậm nộp tiền sử dụng đất bị xử phạt.
- 221
- By Admin
- 28/09/2013
- 17