Còn nhiều lãng phí trong quản lý đất công
Một khu đất của Vinashin tại khu công nghiệp Sông Hậu, huyện Châu Thành, Hậu Giang |
Theo công bố mới nhất của Bộ Tài chính, đất công đang được các cơ quan nhà nước quản lý có diện tích khoảng 1,5 tỷ m2 với tổng giá trị khoảng 594 nghìn tỷ đồng và hơn 100 nghìn m2 nhà với tổng giá trị khoảng 138 tỷ đồng. Riêng các tập đoàn, TCty Nhà nước, hiện đang quản lý, sử dụng khoảng 155 triệu m2 đất, trong đó nhiều đơn vị chiếm giữ số lượng nhà đất rất lớn, nguồn đất chưa sử dụng khoảng 3.164 nghìn ha.
Đất công đang được giao phần lớn nằm tại những vị trí đắc địa của các đô thị, trung tâm công nghiệp lớn nhưng không ít trong số đó bị sử dụng lãng phí, sai mục đích dẫn đến thất thoát tài sản lớn của Nhà nước. Nhiều cơ quan, DN...thực sự cần đất để sản xuất hay phục vụ cho phúc lợi xã hội nhưng không có đất trong khi đất công vẫn nằm trong nhiều DNNN vẫn được giữ khư khư nhằm tư lợi.
Tại sao các tập đoàn, DNNN giữ đất công mà không chịu trả trong khi kinh doanh thất thu, “biến tướng” với nhiều hình thức kinh doanh?.
Theo thông tin từ Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) thì những vị trí đẹp nhất, đắc địa nhất đều của cơ quan hành chính, nhà nước, tập đoàn, TCty nhà nước; khi chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, việc chuyển đổi công năng tài sản trên đất không theo kịp chức năng nhiệm vụ.
Một nguyên nhân khác là các tập đoàn, TCty nhà nước lớn hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực đã góp phần định hướng các “ông lớn” chú tâm vào lĩnh vực bất động sản do chênh lệch địa tô lớn.
Việc chuyển đổi kinh doanh đa ngành khiến một số tập đoàn, TCty sao nhãng nhiệm vụ chính, tập trung vào kinh doanh bất động sản, tạo ra sự phát triển quá nóng cho thị trường bất động sản. Đến nay, khi chính sách thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đã có sự thay đổi, quan hệ cung-cầu trên thị trường bất động sản thay đổi thì sẽ có thể dẫn đến sự đổ vỡ, gây ra những hậu quả nghiêm trọng.
Sự lãng phí lớn đó còn gây nên phản ứng trong dư luận và gây thất thoát tài sản của nhà nước. Ví dụ, ở Hà Nội, Công viên Tuổi trẻ Thủ đô (giao cho Cty Đầu tư và dịch vụ Tuổi trẻ quản lý) đã trở thành một khu cung cấp “dịch vụ tổng hợp”, bao gồm quán bar, karaoke, nhà hàng, siêu thị, sân tennis, bãi trông giữ xe, sân bóng đá mini... Kết quả rà soát của Sở TN&MT Hà Nội mới đây cho thấy, có 30 cơ quan, DN trên địa bàn (chủ yếu là các DNNN) đang để hoang hàng trăm ngàn mét vuông đất, trị giá hàng chục triệu USD như khu đô thị Cầu Giấy, khu 18,6 ha quận Tây Hồ…
Tính đến tháng 12.2011 đã có 71 bộ, ngành trung ương, 17 TCty Nhà nước và 51/53 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện báo cáo kê khai và đề xuất phương án xử lý nhà đất với tổng số 117.498 cơ sở nhà, đất. Theo số liệu chưa đầy đủ, đến nay số thu từ sắp xếp nhà, đất là 24.812 ngàn tỷ đồng, trong đó số tiền thu được từ chuyển nhượng, chuyển mục đích sử dụng đất của các tập đoàn, TCty Nhà nước trên 15.000 tỷ đồng.
Chỉ tính tại Tp.HCM, TCty Thuốc lá Việt Nam có số thu từ bán và chuyển mục đích sử dụng ba cơ sở nhà, đất trên 1.809 tỷ đồng, được sử dụng để di dời nhà máy sản xuất thuốc lá trong nội thành ra khu công nghiệp. TCty Lương thực Miền Nam có số thu từ bán nhà và chuyển nhượng quyền sử dụng đất đến nay là 727, 34 tỷ đồng, sử dụng để đầu tư hệ thống kho chứa lương thực khu vực ĐBSCL. Tập đoàn Dệt may Việt Nam thu được 259,6 tỷ đồng, sử dụng để di dời cơ sở sản xuất ô nhiễm vào khu công nghiệp và phát triển hệ thống siêu thị dệt may tại phía Nam...
Còn nhiều đơn vị trực tiếp quản lý sử dụng cũng như một số Bộ, ngành cố giữ đất, như tập đoàn Vinashin nắm tới 1.200 ha đất chưa sử dụng song rất chậm sắp xếp lại, không đề xuất bán để tạo nguồn mà chỉ muốn chuyển mục đích để kinh doanh bất động sản.
Bộ Tài chính cho biết, đến nay cơ quan này đã phê duyệt phương án 233 mặt bằng, trong đó số mặt bằng giữ lại để tiếp tục sản xuất kinh doanh chỉ chiếm khoảng 30%; chuyển mục đích sử dụng đất khoảng 2%; bán nhà và chuyển nhượng quyền sử dụng đất 2%, số còn lại là nhà nước thu hồi và chuyển giao ngành nhà, đất thành phố để quản lý và xử lý.
(Theo PLVN)
- 135
- By Admin
- 08/08/2012
- 17