Có thêm chọn lựa cho sàn nhà
Gần đây, nhiều cửa hàng chuyên cung cấp ván sàn kỹ thuật cao liên tục mọc lên tại Tp.HCM. Trước kia, người tiêu dùng hầu như chỉ quen thuộc với loại sàn gỗ tự nhiên bên cạnh các loại ván sàn công nghiệp thông thường. Ưu điểm của sàn gỗ tự nhiên là đẹp và sang trọng nhưng giá cả khá đắt. Ngược lại, ván sàn công nghiệp thông thường có giá rẻ nhưng độ bền thấp và không thể hiện được sự sang trọng. Vì thế, ván sàn kỹ thuật cao được xem là một chọn lựa mới dung hòa được ưu điểm của hai loại vừa nêu. Đó là hình thức có tính thẩm mỹ cao, sang trọng trong khi giá cả vừa phải.
Ván sàn kỹ thuật cao bao gồm hai phần chính. Phần dưới là gỗ MDF nhiều lớp được tận dụng từ các loại gỗ tự nhiên kết hợp cùng công nghệ ép khá phổ biến trong thời gian qua. Phần này bao gồm nhiều lớp gỗ khác nhau có xớ được ép chồng ngược chiều để giảm sự giãn nở trong quá trình sử dụng. Mặt dưới được thiết kế thêm các đường rãnh để không bị đọng nước. Phần gỗ mỏng ở trên được gọi là veneer. Đó là lớp gỗ được lạng mỏng từ các khối gỗ tự nhiên.
Ngày nay, công nghệ cắt mỏng gỗ cho phép lạng ra các lớp gỗ có bề dày khác nhau, tùy thuộc theo nhu cầu sử dụng. Thông thường, phần veneer của ván sàn kỹ thuật có bề dày khoảng 3 mm. Hiện nay, lớp veneer thường được lạng từ hai loại gỗ: sồi (hay còn gọi là Oak có xuất xứ từ Mỹ) và giáng hương khá quen thuộc với người Việt Nam. Lớp veneer được ép ở phần trên cùng của sàn gỗ. Sau khi ép xong, thanh gỗ được mài nhám để tiến hành sơn UV nhằm làm nổi bật phần vân gỗ và chống trầy, chống nước trong quá trình sử dụng.
Tất nhiên, loại ván sàn kỹ thuật cao cũng có những hạn chế mà khách hàng nên biết khi chọn lựa. Đó là độ bền chưa theo kịp các loại gạch lót nền thông thường, khả năng chống thấm nước vẫn bị giới hạn. Do vậy chỉ phù hợp sử dụng trên các tầng lầu chứ không nên lót ở sàn nhà tầng trệt. Ngoài ra, điều kiện khí hậu cũng là một yếu tố cần tính đến khi sử dụng ván sàn kỹ thuật cao.
Việc thi công loại ván sàn kỹ thuật cao này cũng khá đơn giản, sàn nhà được lót bằng một lớp vật liệu mỏng để tạo độ phẳng. Sau đó, các thanh ván sàn được ghép theo các mối ghép “âm - dương” để sàn nhà không bộng lên. Ưu điểm khác của loại vật liệu này là mức giá phải chăng. Hiện tại, mức giá ván sàn kỹ thuật trọn gói, tính luôn tiền thi công và các vật liệu cần thiết, dao động từ 600.000 - 800.000 đồng/m2.
(Theo TNO)
- 195
- By Admin
- 19/11/2011
- 17