• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Cổ phiếu BĐS: Phải chọn mặt gửi vàng

Tăng giá chóng mặt

Có thể dẫn ra hàng loạt các minh chứng về việc nhiều loại cổ phiếu trở thành “hiện tượng” chỉ sau một thời gian ngắn chào sàn kể từ giữa quý I/2010 đến nay. Niêm yết từ đầu tháng 2/2010 tại Sở GDCK TP.HCM đến nay, giá cổ phiếu KDH của Cty CP đầu tư và kinh doanh Khang Điền tăng khá mạnh. Chào sàn 40 nghìn đồng/cổ phiếu, có lúc giá cổ phiếu KDH tăng đến 50%. Hiện so với khi chào sàn giá vẫn tăng đến 25%. Tương tự, lên sàn vào đầu 2010, cổ phiếu DXG của Cty CP dịch vụ và xây dựng địa ốc Đất Xanh cũng tăng vọt, dù DN này chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực môi giới BĐS. Cao nhất có lúc cổ phiếu này tăng hơn 120% so với giá chào sàn. Hiện dù thị trường đang khó khăn nhưng giá cổ phiếu này vẫn cao hơn 80% so với giá chào sàn cách nay nửa năm.

Lý giải cho việc cổ phiếu BĐS đang dần trở thành “sự lựa chọn tất yếu” của các nhà đầu tư trong bối cảnh hiện nay là do đáp ứng được nhu cầu “lướt sóng” phổ biến hiện nay, thị trường BĐS đang hạ nhiệt, cũng như nhiều dự án đầu tư bị khiếu kiện kéo dài dẫn đến tâm lý “sợ” đầu tư vào một BĐS cụ thể. Khối lượng và giá trị giao dịch nhóm cổ phiếu BĐS luôn dẫn đầu 5 ngành có cổ phiếu giao dịch nhiều nhất trên thị trường trong những tháng đầu năm nay. Có ý kiến cho rằng giá cổ phiếu BĐS tăng là nhờ thu hút được vốn từ các nhà đầu tư từng đi mua căn hộ, đất nền. Ông Nguyễn Ngọc Hoàng - nhân viên một văn phòng BĐS tại Chùa Láng (Hà Nội) kiêm nhà đầu tư nhỏ - cho biết: Hiện các giao dịch đất nền rất khó bán, tôi đã chuyển hướng sang đầu tư cổ phiếu, dễ bán để thu hồi vốn hơn. Tính thanh khoản và dễ dàng thu hồi vốn của cổ phiếu BĐS cao hơn căn hộ, đất vì giá cả lên xuống trong khi giá đất đang dần chững lại và không biến động.

Nên chọn mặt gửi vàng

Việc nhiều nhà đầu tư đang đổ dồn về cổ phiếu BĐS do thấy rõ “chiều tăng” trên bảng giao dịch sàn khiến nhiều chuyên gia đầu ngành tỏ ra lo ngại vì thông tin cho thấy ít có khả năng thị trường BĐS lại sốt nóng trong 6 tháng cuối năm. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước cho biết dư nợ BĐS đến cuối tháng 5 chỉ tăng 4,54% so với đầu năm 2010, thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống là 8%. Ngoài ra, chủ trương giám sát chặt tín dụng BĐS của Nhà nước cộng với lãi suất cao khiến thị trường BĐS tiếp tục gặp khó.

Thực tế, một số Công ty BĐS đang gặp khó khăn khi bán căn hộ. Giám đốc một doanh nghiệp BĐS có cổ phiếu niêm yết tại sàn giao dịch chứng khoán TP.HCM cho biết đang xem xét hủy kế hoạch bán căn hộ tại Gò Vấp do thị trường diễn biến xấu. Trước đó, đầu tháng 5, DN này đã hai lần dời lại kế hoạch bán căn hộ.

Bên cạnh đó, hàng loạt vấn đề khác gây nhiều khó khăn, thậm chí tạo tâm lý buông xuôi “chấp nhận” thua lỗ cho các DN BĐS như chính sách mới về giá đất đền bù (chi phí để có đất sạch sẽ cao hơn) và đặc biệt là thuế thu nhập cá nhân đối với hoạt động chuyển nhượng BĐS… sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp tới tính “an toàn” của cổ phiếu DN đó.  Số liệu gần đây cho thấy kết quả kinh doanh của một số DN BĐS trong quý I không khả quan, lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 15 - 20% kế hoạch năm. Không chỉ có vậy, việc liên tiếp các chủ đầu tư dự án bị “tố” vì bán “khống” đất (điển hình là vụ KĐTM Thanh Hà Cienco 5), chậm đền bù cho người mua đã bỏ tiền vào dự án (như dự án căn hộ cao cấp Royal với chủ đầu tư dự án là Công ty Tân Hoàng Thân)… đang là những dấu hiệu cảnh báo cho nhà đầu tư vào cổ phiếu BĐS cần tìm hiểu thông tin chính xác, đầy đủ trước khi “gửi vàng” thay vì “chạy theo đám đông”. Nhà đầu tư nên “tránh” các DN chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực môi giới hoặc có nhiều dự án  nhưng đang bị “treo” do giải tỏa đền bù kéo dài. Điều này cũng đã được nhắc đến trong báo cáo về triển vọng ngành BĐS vừa công bố đầu tháng 6 này của Công ty chứng khoán SME: nhà đầu tư chỉ nên bỏ vốn vào cổ phiếu của những DN có quỹ đất sạch lớn, ổn định, nhiều dự án đang được triển khai và ghi nhận doanh thu trong năm 2010...
 

Theo Báo Xây Dựng
  • 0
  • By Admin
  • 16/06/2010
  • 17