• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Có phải trả nợ thay người đã chết?

Sau khi ba em mất được 3 ngày thì người ta mang giấy vay nợ (viết tay) đến đòi tiền lãi và gốc mà ông đã vay từ trước, tổng cộng tới gần 400 triệu đồng. Cả gia đình đều ngỡ ngàng trước việc này. Cả nhà em không ai biết việc này. Giấy viết mượn tiền cũng chỉ có ba em ký. Số tiền gốc là 140 triệu, vay từ thời điểm tháng 3/2008.

Xin hỏi: Em có thể không trả được không? Nếu ra tòa em có khả năng thắng không? Số tiền này vượt ngoài khả năng của gia đình em.
 

(Thu Trang)

- Trả lời:

Theo quy định tại điều 471, 474 Bộ luật dân sự năm 2005 thì: Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định; Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn.

Tại điều 467 Bộ quy định: “Lãi suất vay do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do ngân hàng nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng”.

Như vậy khi vay tiền hai bên có thể thỏa thuận về mức lãi suất phải trả, tuy nhiên cũng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản. Do đó nếu các bên có phát sinh tranh chấp cơ quan có thẩm quyền sẽ căn cứ vào mức lãi suất mà Ngân hàng nhà nước quy định để giải quyết.

Vì vậy bạn cần xem xét rõ trong giấy vay tiền quy định như thế nào về lãi suất. Nếu bạn chứng minh được người này cho ba bạn vay quá 10 lần mức lãi suất cao nhất và có tính chất bóc lột thì bạn có thể tố cáo ra cơ quan công an an để xử lý hình sự theo quy định tại điều 163 Bộ luật hình sự

Nếu việc ba bạn vay tiền là có thật thì ba bạn sẽ phải chịu trách nhiệm thanh toán cho người cho vay khi đến hạn, mức lãi suất căn cứ theo quy định trên.

Nay ba bạn đã mất thì theo quy định tại điều 637 Bộ luật dân sự 2005 quy định thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại như sau: “những người hưởng thừa kế sẽ có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”.

Do vậy, sau khi ba bạn mất thì những người hưởng thừa kế sẽ có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết (ba bạn) để lại.

Ngoài ra tại Điều 25- Luật hôn nhân gia đình năm 2000 quy định trách nhiệm liên đới của vợ chồng đối với giao dịch do một bên thực hiện: “ Vợ chồng có trách nhiệm liên đới đối với giao dịch dân sự hợp pháp do một trong hai người thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt thiết yếu của gia đình”.

Do vậy, nếu việc vay tiền của ba bạn là nhằm phục vụ cho lợi ích chung của gia đình, để đáp ứng cho nhu cầu sinh hoạt thiết yếu của gia đình khi còn sống thì mẹ bạn sẽ là người phải chịu trách nhiệm cùng ba bạn với khoản nợ đó.

Nếu ba bạn vay riêng và vì mục đích riêng, không phục vụ lợi ích chung, không phải nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của gia đình thì mẹ bạn không phải chịu trách nhiệm, đây là trách nhiệm của cá nhân ba bạn. Khi đó nghĩa vụ của ba bạn để lại sẽ do những người được hưởng di sản thừa kế của ba bạn để lại (nếu có), còn nếu ba bạn không có tài sản gì để lại thì nghĩa vụ trên sẽ chấm dứt, gia đình bạn không có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ cho ba bạn nữa.
 

LS Ngô Thị Lựu
Theo VnExpress
  • 247
  • By Admin
  • 29/06/2010
  • 17