Có nên vay tiền mua nhà?
Theo phó GS-TS Trần Hoàng Ngân - Phó hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế TP.HCM, những người có nhu cầu mua nhà có thể tiếp cận và mua những loại nhà có giá thấp hoặc trung bình (xấp xỉ 1 tỉ đồng/căn) nhưng dù là mua để đầu tư hay để ở thì cũng phải lựa chọn thời điểm vay với lãi suất 14%/năm là hợp lý. “Mức lãi suất 14%/năm là mức lãi suất có thể được hệ thống các ngân hàng thương mại lựa chọn để cho vay trong thời gian sắp tới. Tuy nhiên, mức lãi suất này có thể dành phần lớn cho vay đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh mới có thể đạt hiệu quả cao đối với nền kinh tế, còn nếu cho vay tiêu dùng chỉ nên dành một phần ít hơn”, ông Ngân nói.
Tình trạng ế hàng
Nhiều chuyên gia khác nhận định rằng, một trong những vấn đề bất cập hiện nay đối với các dự án BĐS đang triển khai thi công là giá một số loại vật liệu xây dựng tăng, đặc biệt giá thép tăng cao (khoảng 15%), dẫn đến giá thành căn hộ tăng lên, trong khi lãi suất vay ngân hàng đang ở mức cao, vì thế tình trạng ế hàng đối với các dự án căn hộ có giá bán từ 15 - 25 triệu đồng/m2 đã và đang xảy ra.
Một vấn đề nhiều chuyên gia quan tâm là làm sao để người có nhu cầu về nhà ở có cơ hội sở hữu một căn nhà trong bối cảnh lạm phát và lãi suất ngân hàng còn cao. Theo TS Trần Kim Chung, chỉ có thể đẩy mạnh các chương trình nhà ở xã hội và hết sức ủng hộ các doanh nghiệp tham gia chương trình này để có nguồn quỹ nhà thực sự lớn. |
TS Trần Kim Chung (thuộc Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) cho rằng: “Trong thời gian tới, nếu lãi suất ngân hàng giảm, tín hiệu sáng sủa sẽ diễn ra đối với một số loại hình BĐS và khiến cho các loại hình nhà ở này giao dịch sôi động như nhà ở có mức giá thấp, nhà tại các khu đô thị cũ, nhà ở xã hội, căn hộ tại các khu đô thị mới có vị trí tốt, căn hộ hoặc biệt thự nghỉ dưỡng...”.
Tuy nhiên, theo ông Chung, để thị trường BĐS phát triển tốt và tạo điều kiện cho người mua nhà, các chính sách của Nhà nước cần hướng tới ổn định kinh tế vĩ mô và chú trọng đến thị trường BĐS; thường xuyên kiểm soát mức tăng tín dụng của hệ thống ngân hàng đối với thị trường BĐS và kiểm soát chặt chẽ việc hệ thống ngân hàng tham gia trực tiếp đầu tư vào BĐS... Những biện pháp này, theo ông Chung cần phải đi song song với các giải pháp như phải cho phép vận hành công cụ tín chỉ BĐS, quỹ tiết kiệm BĐS, nới lỏng điều kiện và mở rộng phạm vi của các công ty tài chính được đầu tư vào thị trường BĐS...
Tăng giá do lãi suất cao
TS Trần Minh Hoàng - Chủ tịch HĐQT Công ty Vinaland cho rằng, lạm phát gia tăng trong thời gian qua và mức lãi suất cho vay tiêu dùng phổ biến đầu tháng 4 từ 18 - 20%/năm đã khiến cho sức mua nhà trên thị trường giảm mạnh. “Thực tế là trong môi trường lạm phát cao, các hình thức rủi ro trong giao kết kinh doanh đều tăng lên, tiến độ của các dự án bị đình trệ gây tâm lý e ngại cho người mua nhà. Với việc các chi phí đầu vào đồng loạt tăng cao, áp lực tăng giá BĐS là vấn đề khó tránh khỏi, và như thế lượng khách hàng tại các dự án sẽ giảm bớt”.
Ông Hoàng cũng cho rằng, để giải quyết các vấn đề vướng mắc có thể kìm hãm sự phát triển của thị trường BĐS, cần phải tiến hành ngay các biện pháp nhằm giúp cho người có nhu cầu mua được nhà ở. “Đó là các giải pháp như cải cách thủ tục hành chính, tăng tính thanh khoản cho thị trường bằng cách giải quyết nhanh các thủ tục đầu tư, giao đất, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh thời gian cấp sổ hồng, sổ đỏ. Ngoài ra, cũng cần nghiên cứu khả năng giảm thuế cho các giao dịch đầu tư vào thị trường BĐS như tính thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng hợp đồng góp vốn chỉ bằng với mức thuế thu nhập khi chuyển nhượng vốn (bằng 0,2% giá trị giao dịch)...”.
Theo Thanh Niên
- 366
- By Admin
- 12/04/2010
- 17