Có nên "ôm" đất Hòa Lạc?
Muôn kiểu đất được chào bán
Trong vai người có nhu cầu mua đất làm trang trại nhà vườn, chúng tôi vào một văn phòng bất động sản trên đường Hồ Chí Minh (xã Phú Cát, huyện Quốc Oai, Hà Nội). Trong văn phòng này ngoài một tấm bản đồ quy hoạch Hà Nội in nhòe nhoẹt chẳng có một văn bản, giấy tờ gì liên quan đến đất đai.Tiếp chúng tôi, một người phụ nữ xưng là chủ văn phòng cho biết: “Ở chỗ chị đất gì cũng có, đất sổ đỏ, đất giấy tờ có chứng nhận của xã, đất chè, đất ven khu công nghiệp, khu đô thị đều có cả. Giá cả đợt này phải chăng, cứ mua là được vì đã có quy hoạch rồi. Chị có anh bạn là cán bộ huyện nên thông tin về quy hoạch chắc lắm.”
Đất chè cũng đem bán |
Nói rồi, “cò” môi giới này đưa ra một loạt bất động sản đang cần bán. Chỉ có điều, trong số vài chục mảnh đất, chỉ có vài mảnh có sổ đỏ. Khi PV hỏi có đất tại khu vực ngã ba Hòa Lạc không, “cò” này cho biết đất đầy đủ sổ đỏ hơi hiếm, chủ yếu là đất đồi nhà nước giao cho người dân trồng chè (còn gọi là đất chè), giá từ 3-4 triệu đồng/m2, có thể mua cả nghìn m2 cũng được.
Theo như giấy tờ, đây là đất nông nghiệp được HTX giao khoán cho các hộ gia đình sản xuất từ những năm 1980-1990. Tuy nhiên, sau nhiều biến động, giờ đây loại đất này đã được sang tay, chuyển nhượng cho nhiều người. Giấy tờ chuyển nhượng cũng rất đơn giản gồm một hợp đồng viết tay và một bản xác nhận nguồn gốc, hiện trạng đất của UBND xã.
Đến một văn phòng bất động sản khác nằm trong xã Đông Xuân (huyện Quốc Oai, Hà Nội) chúng tôi được đưa đi xem nhiều mảnh đất. Nói là mảnh nhưng đều rộng tới 2000-3000 m2. Giá đất được đưa ra từ 5-7 triệu đồng/m2.
“Khu này người ta mua từ lâu rồi, từ hồi giá chỉ vài trăm nghìn đồng/m2, đa phần đã xây trang trại hết, toàn đại gia cả đấy nên các anh cứ yên tâm. Đây là trang trại nhà vườn của một ông làm ở ngân hàng. Cứ chủ nhật là ông ấy lại kéo cả một đoàn về đây tiệc tùng, hát hò. Ở đây sát cạnh khu đô thị Tiến Xuân do tập đoàn Sông Đà đang triển khai, sau này hạ tầng rất đầy đủ..” – tay “cò” đất quảng cáo.
Đất nông nghiệp đang được chào bán. |
Tuy nhiên, khi hỏi về giấy tờ đất thì “cò” đất cho biết phần lớn đất đai ở xã Đông Xuân chưa có sổ đỏ, chỉ có trích lục bản đồ và giấy xác nhận của UBND xã. Nguyên nhân chưa có sổ đỏ là vướng dự án khu đô thị Đông Xuân?!
Tại một văn phòng bất động sản khác tại khu vực xã Đồng Trúc (huyện Thạch Thất, Hà Nội) P/V cũng được nghe những lời quảng cáo rất hùng hồn về tiềm năng, vị trí đắc địa của các mảnh đất nằm sát cạnh khu đô thị Ngọc Liệp- Đồng Trúc, khu công nghệ cao Láng – Hòa Lạc hay khu đô thị Nam Phú Cát.
Nếu đất có sổ đỏ là 15 triệu đồng/m2, đất chưa sổ đỏ từ 7-9 triệu đồng/m2. Văn phòng nhà đất nào cũng đưa ra cam kết: Sẽ có chứng nhận của UBND xã, vô tư xây dựng nhà cửa vì khu vực này chưa phải xin phép xây dựng, quy hoạch đảm bảo vì Quy hoạch chung Hà Nội đã công bố các xã quanh khu vực Hòa Lạc đều nằm trong khu đô thị vệ tinh Hòa Lạc…
Chính quyền xã: Rất khó nói!
Tìm hiểu thực tế tại khu vực Hòa Lạc được biết, sau khi có quy hoạch chung xây dựng Hà Nội, nhiều người bắt đầu tìm hiểu đất đai ở khu vực này. Đại đa số người mua quan tâm đến nội dung quy hoạch đô thị vệ tinh Hòa Lạc, khu công nghiệp Phú Cát, khu đô thị Nam Phú Cát, khu đô thị sinh thái Tiến Xuân-Đông Xuân… Ngay cả xã Phú Mãn, một xã miền núi nghèo dân cư thưa thớt những ngày này cũng rất đông ô-tô từ dưới Hà Nội lên xem, hỏi mua đất làm trang trại, nhà vườn.Đất trang trại nhà vườn cũng đang được nhiều người quan tâm |
Nắm bắt được xu hướng này, các sàn giao dịch, văn phòng bất động sản tại các quận nội thành Hà Nội cũng đưa ra hàng loạt sản phẩm tại khu vực Hòa Lạc. Trong cả mớ bất động sản mà các văn phòng đưa ra, có những sản phẩm rất “lạ tai” như “đất 50 năm đang cần doanh nghiệp đầu tư”, “đất nhà đang sử dụng”, “đất vườn cây, ao cá”…Một văn phòng bất động sản trên đường Giảng Võ rao: Hiện nay chúng tôi đang có loại đất 50 năm, diện tích lớn, nằm trên địa bàn huyện Thạch Thất và huyện Quốc Oai, cạnh khu công nghệ cao Hòa Lạc, khu dân cư sinh sống, giá chuyển nhượng từ 100-400 triệu đồng/sào.
Với hàng loạt loại đất như thế, khách hàng biết tìm hiểu, xác nhận thông tin ở đâu? Câu trả lời là: Tất cả đều được UBND xã xác nhận! Từ hơn chục năm nay, các xã ở khu vực này đã rất “vô tư” xác nhận vào các hợp đồng mua bán đất đai dù chỉ là đất sản xuất nông nghiệp, đất giao khoán, đất vườn đồi.
Từ bản xác nhận này, đất đai đã được mua đi bán lại nhiều lần. Điều đáng lo ngại là phần lớn đất giao khoán, vườn đồi được người dân địa phương bán đi chỉ một thời gian ngắn biến thành trang trại nhà vườn mà không hề theo một quy hoạch xây dựng nào. Vì thế, rủi ro cho người mua là khá cao.
Vừa qua, khi giải phóng mặt bằng xây dựng nút giao Hòa Lạc, hàng loạt chủ trang trại, nhà vườn đã nếm quả đắng vì nguồn gốc đất không rõ ràng, không phải là người được giao, quản lý khu đất… Đây chính là nguyên nhân khiến việc giải phóng mặt bằng kéo dài, gặp rất nhiều khó khăn. Sắp tới, TP. Hà Nội đẩy mạnh việc thu hồi đất cho khu công nghệ cao Hòa Lạc. Vậy mà vẫn có những lời rao bán đất tại khu vực này?
Tương tự, khu đô thị Ngọc Liệp - Đồng Trúc sẽ chỉ còn khoảng 700ha, phần quy hoạch bên xã Đồng Trúc sẽ không tiếp tục triển khai dự án. Nhưng các “cò” bất động sản vẫn rao bán đất Đồng Trúc ầm ầm.
Theo UBND xã Phú Mãn, một điểm “sốt” đất mới, hiện trên địa bàn xã có 2 dự án treo gần chục năm nay (dự án khu tái định cư và khu du lịch sinh thái Phú Mãn, diện tích gần 200ha), hiện chưa biết số phận 2 dự án này ra sao, phạm vi, ranh giới thu hồi đất thế nào nên việc mua bán đất ở đây tiềm ẩn nhiều rủi ro, may thì không rơi vào quy hoạch, đen đủi thì sẽ bị thu hồi.
Loạn cò đất sau khi quy hoạch Hà Nội được công bố. |
Đây cũng là tình cảnh chung ở xã Đông Xuân, nơi có đại dự án đô thi Đông Xuân diện tích hơn 1000ha. Từ hơn 1 năm nay, liên quan đến dự án này, việc cấp mới sổ đỏ phải dừng lại, các công trình nâng cấp, chỉnh trang trong dự án xây dựng nông thôn mới cũng không thể triển khai. Hàng loạt biệt thư, trang trại nhà vườn trong khu vực này cũng phấp phỏng không biết có trong diện giải tỏa hay không. Vậy nhưng, nếu mua bán trao tay, UBND xã này vẫn xác nhận để giao dịch được thực hiện!
Khi PV đến UBND xã này để tìm hiểu thông tin về quy hoạch, giao dịch đất đai thì đại diện của xã cho hay: Thông tin rất nhạy cảm, chúng tôi rất ngại trả lời, mong các anh thông cảm. Các anh cứ đi tìm hiểu ở người dân sẽ biết, hiện UBND xã cũng chưa biết được vị trí nào sẽ xây dựng khu đô thị nên không thể trả lời được…
Nhạy cảm, phức tạp là thế nhưng thật ngạc nhiên, các giao dịch hàng nghìn m2 vẫn cứ đều đặn diện ra.
Theo một cán bộ phụ trách xây dựng ở huyện Quốc Oai, đất đai ở khu vực Hòa Lạc có tiềm năng rất lớn vì nằm trong quy hoạch xây dựng đô thị vệ tinh Hòa Lạc. Tuy nhiên, hiện khu vực này cũng đang đợi quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết nên người mua cần thận trọng, tìm hiểu thông tin đầy đủ để tránh mua phải đất sẽ nằm trong quy hoạch, nên mua đất đã có sổ đỏ, không nên mua đất vườn đồi, đất giao khoán vì nguồn gốc loại đất này rất phức tạp.
(Theo VTCnews)
- 0
- By Admin
- 27/09/2011
- 17