Có nên mua đất của phụ nữ có chồng vừa mất?
Vậy cô ấy phải làm sao để bán miếng đất đó cho tôi, thời gian có lâu không? Tài sản đó cô ấy đang cầm cố ngân hàng. Tôi có nên mua miếng đất đó hay không? Nếu không mua tôi bị mất tiền cọc. Xin tư vấn giúp tôi. (Câu hỏi của bạn đọc Le Thi Phuong).Ảnh minh họa |
Thông tin bạn cung cấp hết sức sơ sài, vì thế chúng tôi phải đưa một số tình tiết giả định vào để tư vấn. Chúng tôi tạm gọi người bán miếng đất cho bạn là A để tiện trình bày nội dung tư vấn.
Thứ nhất: Về quyền chuyển nhượng quyền sử dụng sử dụng mảnh đất của A.
Giả sử miếng đất đó là tài sản chung của vợ chồng A. Như vậy nếu chồng A chết không để lại di chúc thì phần tài sản đó sẽ được chia theo pháp luật. Theo quy định của pháp luật về thừa kế thì A, mẹ chồng A, các con A là người được hưởng phần di sản của chồng A để lại. Vì thế A sẽ không có quyền chuyển nhượng toàn bộ phần diện tích đất đó cho bạn.
Để chuyển nhượng, A sẽ phải làm thủ tục khai nhận di sản, quyền sử dụng mảnh đất sẽ được chia cho A, mẹ chồng A, 2 con của A ( 2 con dưới 10 tuổi nên A có thể là đại diện). Sau đó, A và mẹ chồng phải cùng đồng ý bán mảnh đất đó cho bạn.
Thứ hai: Việc chuyển nhượng miếng đất đang được dùng để thế chấp ngân hàng (chứ không gọi là cầm cố như bạn trình bày)
Theo quy định tại Điều 348 BLDS về nghĩa vụ của bên thế chấp tài sản (Bên thế chấp tài sản trong trường hợp này là A), thì một trong số các nghĩa vụ mà A phải thực hiện là: “Không được bán, trao đổi, tặng cho tài sản thế chấp”
Như vậy, việc A chuyển nhượng quyền sử dụng đất (đang thế chấp cho ngân hàng) cho bạn là vi phạm pháp luật. Nếu bạn biết rõ tài sản đang bị thế chấp mà vẫn mua, thì khi ngân hàng phát hiện và khởi kiện A ra tòa án thì quyền lợi của bạn sẽ không được đảm bảo.
Vì những lý do trên, theo chúng tôi bạn nên ngừng ngay việc mua bán chuyển nhượng quyền sử dụng đất với A để tránh phát sinh tranh chấp dẫn đến thiệt hại sau này.
Thứ ba: Về việc đặt cọc
Nếu khi đặt cọc bạn không biết (do A cố tình dấu diếm) thì bạn có thể yêu cầu A hoàn trả lại tiền đặt cọc. Vì giao dịch giữa bạn và A vô hiệu do lừa dối và vi phạm pháp luật. Hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu là “các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận; nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải hoàn trả bằng tiền, trừ trường hợp tài sản giao dịch, hoa lợi, lợi tức thu được bị tịch thu theo quy định của pháp luật. Bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường.”
Ls Hoàng Tuấn Anh, VP luật Hoàng Kim
(Theo Vietnamnet)
- 170
- By Admin
- 22/03/2012
- 17