Cơ hội với doanh nghiệp khéo chèo lái
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp kinh doanh BĐS hiện nay là khó tiếp cận được nguồn vốn tín dụng ngân hàng, hoặc nếu tiếp cận được thì với lãi suất cho vay lên đến 21%/năm như hiện nay, doanh nghiệp cũng khó gánh nổi.
Chính vì không có vốn để tiếp tục đầu tư vào các dự án, nên nhiều doanh nghiệp đã phải tính đến việc liên kết với các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, lợi dụng yếu điểm của các doanh nghiệp Việt Nam, các nhà đầu tư nước ngoài đang tìm cách ép doanh nghiệp trong nước.
Chẳng hạn, mới đây, tại một dự án gần cầu Kênh Tẻ (quận 7, TP.HCM), trước lời mời liên kết đầu tư của chủ dự án, doanh nghiệp nước ngoài trả lời rằng, họ chỉ đồng ý liên kết với giá 1.000 USD/m2, mức giá mà chủ đầu tư đã mua cách đây 3 năm.
“Đây là khó khăn chung của hầu hết doanh nghiệp trong nước, chứ không riêng gì doanh nghiệp BĐS. Vì vậy, hy vọng rằng, khi Nhà nước kiềm chế được lạm phát, nới rộng lĩnh vực tín dụng cho vay BĐS, thì thị trường BĐS sẽ nhanh chóng phục hồi”, ông Châu nói.
TS Đỗ Thị Loan, Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cũng cho rằng, khó khăn hiện nay của thị trường BĐS chỉ là tạm thời. Theo một nghiên cứu mới nhất của Hiệp hội, dự báo năm 2008, dân số của TP.HCM đã vượt qua con số 14 triệu, năm 2010 sẽ tăng lên 15,3 triệu dân, năm 2020 là 20 triệu dân và đến năm 2050 lên đến 24,7 triệu dân.
Điều đó có nghĩa là, nhu cầu về nhà ở sẽ còn tăng mạnh: “Vừa rồi, một tập đoàn BĐS hàng đầu của Singapore sang Việt Nam khảo sát thị trường BĐS đã nhận xét rằng, thị trường BĐS Việt Nam đang phát triển ổn định. Họ kỳ vọng rất nhiều vào thị trường này”, TS Loan cho biết.
Ông Trần Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần BĐS Vinaland cũng đồng tình với quan điểm thị trường BĐS Việt Nam còn rất hấp dẫn và cho rằng, sở dĩ thị trường đang trầm lắng là do doanh nghiệp BĐS nước ta bị thiếu vốn.
Theo ông Hoàng, tính thanh khoản của thị trường BĐS hiện quá thấp. Ở thị trường sơ cấp, do thủ tục hành chính còn nhiêu khê trong việc cấp giấy chủ quyền nhà dẫn đến nhiều dự án mặc dù đã có nhà nhưng chưa có giấy tờ hợp lệ, nên không thể vay được vốn ngân hàng.
Còn ở thị trường thứ cấp, nếu doanh nghiệp nào có 10 tỷ đồng, nhưng chỉ cần nợ 2 tỷ đồng là sẽ bị phá sản, vì không xoay đâu ra được số vốn đó. Trong khi đó, ở Mỹ, nếu doanh nghiệp lâm vào tình trạng tương tự, ngay lập tức sẽ có một nguồn vốn trung gian đứng ra bù đắp.
Ông Hoàng cho rằng, để thị trường BĐS Việt Nam phát triển mạnh, cần phải tạo ra tính thanh khoản cho thị trường và xây dựng được nguồn vốn trung gian hỗ trợ cho thị trường.
Về tình hình thị trường trong tương lai, ông Lâm Văn Chúc, Tổng giám đốc Công ty cổ phần BĐS Phúc Đức dự đoán rằng, sẽ không lặp lại một thị trường BĐS giống như cuối năm 2007, đầu năm 2008, và cũng sẽ không còn cơ hội cho những nhà đầu tư “lướt sóng” như thời gian qua, mà thị trường BĐS sẽ bình ổn trở lại.
Ông Chúc tin tưởng: “Với tiềm năng và lợi thế của thị trường BĐS Việt Nam, những doanh nghiệp nào vượt qua giai đoạn khó khăn này, thì sau đó sẽ phát triển mạnh và bền vững hơn”.
Theo Báo Đầu tư
- 0
- By Admin
- 31/07/2008
- 17