• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Cơ hội sở hữu nhà ở của người thu nhập thấp được mở rộng

Nhân dịp đầu năm mới, trò chuyện với phóng viên, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã khẳng định, loại nhà ở này năm 2015 sẽ tiếp tục được tập trung phát triển để người dân nghèo ngày càng tới gần hơn với mơ ước có nhà ở.

- Việc xây dựng nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp trong năm 2014 được Bộ Xây dựng chỉ đạo sát sao. Nhưng hiện nay, so với nhu cầu thực tế, quỹ nhà ở xã hội vẫn còn quá ít ỏi. Thưa Bộ trưởng, định hướng phát triển nhà ở xã hội năm 2015 như thế nào?

nhà ở xã hội
Ông Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng
Bộ Xây dựng

Có thể khẳng định, Đảng, Nhà nước, các ngành, các cấp đặc biệt quan tâm vấn đề chăm lo nhà ở cho nhân dân luôn và đã đạt được những kết quả quan trọng. Vì thế, điều kiện về nhà ở của đại bộ phận nhân dân không ngừng được cải thiện. Kết quả cuộc điều tra, thống kê dân số và nhà ở giữa kỳ (1/4/2014) vừa qua cho thấy, diện tích nhà ở bình quân đầu người của cả nước đạt 20,6 m2/người, tăng bình quân mỗi năm gần 1 m2/người.

Nhà nước trong 5 năm qua đã hỗ trợ cho hàng trăm nghìn hộ gia đình nghèo, người có công với cách mạng, vùng thường xuyên xảy ra thiên tai, cải thiện điều kiện nhà ở thông qua các Chương trình nhà ở đồng bằng sông Cửu Long, Chương trình 167, Chương trình hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng, Chương trình nhà ở phòng chống bão lụt miền Trung...

Nhưng trên thực tế, vẫn còn nhiều gia đình hiện vẫn khó khăn về nhà ở, đặc biệt là công nhân lao động tại các khu công nghiệp tập trung và các đối tượng có thu nhập thấp ở khu vực đô thị. Theo thống kê, nhu cầu về nhà ở xã hội tại các khu công nghiệp và đô thị từ nay đến năm 2020 vào khoảng hơn 1 triệu căn hộ. Trong số đó, tập trung chủ yếu tại các đô thị lớn như Tp.HCM, Hà Nội và các địa phương có nhiều khu công nghiệp như: Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hưng Yên...

dự án nhà ở xã hội
Ảnh chụp nhà ở xã hội dành người thu nhập thấp ở phường Nại Hiên Đông,
quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng

Một số địa phương trong năm 2014 đã tích cực triển khai xây dựng nhà ở xã hội. Tuy nhiên, thực chất từ khi chúng ta có Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (30/11/2011), chương trình phát triển nhà ở xã hội theo cách tiếp cận mới được bắt đầu.

Trong lĩnh vực phát triển nhà ở xã hội, những quan điểm mới được đưa ra trong Hiến pháp năm 2013, những Nghị quyết của Đảng và đã được thể chế hóa trong Luật Nhà ở (sửa đổi) mà Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8 mới đây. Trong năm 2015, những chính sách mới này sẽ được triển khai và từ đó nhu cầu về nhà ở xã hội của nhân dân sẽ được giải quyết từng bước.

- Gói tín dụng 30.000 tỷ đồng nhằm phát triển nhà ở xã hội và giúp người thu nhập thấp có cơ hội sở hữu nhà có tiến độ giải ngân chậm. Doanh nghiệp xây dựng và người dân và còn than phiền về những khó khăn, vướng mắc khi muốn tiếp cận gói tín dụng này. Nguyên nhân do đâu, theo Bộ trưởng?

Nhằm tạo điều kiện cho các đối tượng thu nhập thấp ở đô thị được cải thiện về nhà ở và hỗ trợ giải quyết tồn kho BĐS, Chính phủ đã giao cho Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại cổ phần đối với việc thực hiện gói hỗ trợ tín dụng 30.000 tỷ đồng (tại Nghị quyết số 02/NQ-CP). Theo đó, các đối tượng này được quyền vay mua nhà ở xã hội hoặc mua nhà ở thương mại có giá bán thấp hơn 15 triệu đồng/m2, diện tích nhỏ hơn 70 m2 với lãi suất bằng 50% lãi suất huy động thương mại, thời gian hỗ trợ là 10 năm (Nghị quyết 61/NQ-CP đã sửa lại là 15 năm theo).

Sau gần 2 năm triển khai, tính đến ngày 30/11/2014, số tiền được các ngân hàng cam kết cho vay mua nhà là 8.791,8 tỷ đồng (đạt 29,3%). Cụ thể, đã ký hợp đồng cam kết cho vay 33 dự án của doanh nghiệp và 10.373 cá nhân, hộ gia đình, góp phần hỗ trợ cho khoảng hơn 10.000 hộ dân được cải thiện nhà ở. Nhưng so với yêu cầu, tiến độ cho vay còn chậm vì nhiều nguyên nhân:

Thứ nhất, tín dụng hỗ trợ nhà ở là một chính sách mới, thực hiện lần đầu, do đó không tránh khỏi những vướng mắc, khó khăn. Thứ hai, hiện nay, vẫn có rất ít nhà ở xã hội, nhà ở thương mại có giá bán thấp hơn 15 triệu đồng/m2, diện tích nhỏ hơn 70m2 để bán cho người dân nên người dân chưa thể vay vốn mặc dù các địa phương đã bước đầu chú ý tới việc thúc đẩy việc đầu tư xây dựng các dự án nhà ở xã hội, đồng thời cho phép điều chỉnh cơ cấu căn hộ.

Thứ ba, đây là gói tín dụng phải hoàn lại nên dù lãi suất vay thấp hơn lãi suất vay thương mại, người dân cũng phải tính toán, cân nhắc khả năng trả nợ rồi mới tiến hành ký hợp đồng vay vốn. Thứ tư là phía các ngân hàng khi cho vay cũng phải đảm bảo khả năng thu hồi nợ từ phía khách hàng là cá nhân, hộ gia đình.

- Vậy thưa Bộ trưởng, trong năm 2015, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân gói 30.000 tỷ đồng, Bộ Xây dựng sẽ chỉ đạo ra sao? Bộ trưởng cho biết sẽ có giải pháp gì đối với một số dự án thương mại được phép chuyển đổi sang nhà ở xã hội nhưng tiến độ còn chậm?

Nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân gói tín dụng cho vay hỗ trợ nhà ở, Bộ Xây dựng đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để đề xuất với Chính phủ ban hành Nghị quyết số 61/NQ-CP ngày 21/8/2014 về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ. Cụ thể, thời gian hỗ trợ được kéo dài từ 10 năm lên tới 15 năm, đồng thời bổ sung một số đối tượng được vay vốn như mua nhà ở, cải tạo hoặc xây dựng nhà ở của mình, cải tạo hoặc xây dựng nhà ở xã hội...

Năm 2015, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh việc phát triển nhà ở xã hội; thực hiện rà soát các dự án BĐS đang triển khai để phân loại các dự án được tiếp tục triển khai, những dự án cần phải chuyển đổi, điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu của thị trường; tạo điều kiện rút ngắn thủ tục lập, thẩm định và phê duyệt dự án phát triển nhà ở xã hội, kể cả những dự án nhà ở thương mại chuyển đổi thành nhà ở xã hội, điều chỉnh cơ cấu căn hộ thương mại.

- Luật Nhà ở (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua đã có hẳn một chương về nhà ở xã hội. Trong đó đã đưa ra nhiều quy định để phát triển loại hình nhà này. Luật Nhà ở sẽ góp phần khắc phục lệch pha cung cầu trên thị trường BĐS như thế nào, theo Bộ trưởng?

Luật Nhà ở cũ chưa có chính sách, cơ chế khuyến khích đủ mạnh và cụ thể để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhất là tại các đô thị lớn có nhu cầu cao đối với nhà ở. Vì thế, hầu hết các doanh nghiệp chỉ chú trọng tới việc đầu tư xây dựng nhà ở thương mại có giá trị cao để thu hồi vốn nhanh và lợi nhuận nhiều. Điều đó đã dẫn đến sự lệch pha cung cầu, làm cho thị trường bị đóng băng trong thời gian dài.

Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi) cùng với Luật Nhà ở đã có những quan điểm rất rõ ràng, đầu tiên là yêu cầu phát triển thị trường BĐS nói chung và nhà ở nói riêng phải theo kế hoạch và quy hoạch, thay vì trước đây phát triển một cách tự phát theo phong trào, lộn xộn, dẫn đến dư thừa hàng hóa, lệch pha cung cầu... Cả hai luật này là cơ sở pháp lý, công cụ tạo điều kiện để nâng cao chất lượng sống cho người dân, huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.

Đặc biệt, Luật Nhà ở mới sẽ là cơ sở để triển khai mục tiêu nhà ở phải tới được với người dân, nhất là người dân nghèo. Đơn cử như quy định mới phải dành quỹ đất 20% ở các khu đô thị để làm nhà ở xã hội trong luật rất tiến bộ. Nó vừa giúp tăng nguồn cung nhà ở xã hội vừa người thu nhập thấp được hưởng hạ tầng tiện ích, dịch vụ chung nhưng giá nhà vẫn rẻ, tiết kiệm được chi phí và nâng cao chất lượng cuộc sống.

- Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

  • 0
  • By Admin
  • 03/01/2015
  • 17