• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Có hay không sự “kỳ thị” tư vấn nội?

Có hay không sự “kỳ thị” tư vấn nội?
Trung tâm hành chính Q.10 - TP.HCM.

Chủ đầu tư có tâm lý sính ngoại

Khi chúng tôi đề cập đến việc có một số ý kiến quy kết (trên phương tiện thông tin đại chúng) việc nhà ga T1 bị dột là do thiết kế cũng như có ý kiến chỉ trích việc đã chọn tư vấn và nhà thầu trong nước đảm trách công trình, KTS  Thân Hồng Linh - đồng tác giả thiết kế nhà ga T1 -  bày tỏ thái độ không đồng tình. Ông nói: T1 là nhà ga hàng không đầu tiên do Việt Nam thiết kế, thi công. Nếu không có lần đầu tiên này thì sẽ không có lần tiếp theo, mãi mãi Việt Nam chỉ là thầu phụ. Ông Linh cho biết, khi thiết kế T1, VNCC không làm một mình mà đã mời chuyên gia Mỹ, Đức và Pháp tham gia. Chuyên gia ADP của Pháp (tổ chức hàng đầu thế giới trong lĩnh vực thiết kế ga hàng không) vừa thiết kế toàn bộ công nghệ của nhà ga vừa thẩm định dây chuyền công nghệ. Thông qua việc học hỏi các chuyên gia quốc tế và từ thực tế làm việc, VNCC đã hình thành được một đội ngũ tư vấn công trình hàng không có kinh nghiệm. Sau đó VNCC tiếp tục liên danh với tổ chức tư vấn của Mỹ (Luis Berger) và Hà Lan (NACO) thắng thầu thiết kế nhà ga sân bay Đà Nẵng.

Ông Linh nhận định: Bản thân các chủ đầu tư cũng có tâm lý sính ngoại. Có yếu tố nước ngoài trong dự án, việc phê duyệt, thuyết phục khi báo cáo dễ được chấp nhận hơn còn nếu là tư vấn Việt Nam thì ai cũng có thể phản bác. Trong khi đó, phí thiết kế của tư vấn Việt Nam chỉ bằng 1/7 đến 1/10 tư vấn nước ngoài. Điều đáng nói là trên thực tế, có nhà ga hàng không ngay từ thiết kế đến thi công đã chỉ định nhà thầu nước ngoài. Nhưng nhà tư vấn nước ngoài này cũng không phải là chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực thiết kế ga hàng không, họ cũng mời các tổ chức ADP, NACO... tham gia. Điều mà KTS Linh mong mỏi là đội ngũ cán bộ giàu kinh nghiệm đã trưởng thành sau những công trình như nhà ga T1 Nội Bài, nhà ga sân bay Đà Nẵng… sẽ tiếp tục có cơ hội “dụng võ” trong hàng loạt các công trình nhà ga hàng không, nhà ga đường sắt, nhà ga tàu thuỷ… nằm trong quy hoạch sẽ được triển khai xây dựng trong những năm tới.

Có hay không sự “kỳ thị” tư vấn nội? 1
Làng trẻ em SOS Cà Mau... là 2 trong số những công trình
do KTS Việt
Nam thiết kế được vinh danh.

Tư vấn nội đừng là “thầy mo”

Liệu có hay không sự kỳ thị tư vấn nội? Câu trả lời mà chúng tôi ghi được từ hội thảo “Kiến trúc Việt Nam đương đại - cái nhìn từ bên trong và từ bên ngoài” do Hội KTS Việt Nam tổ chức là có sự kỳ thị. KTS Dương Hồng Hiến (Hội KTS TP.HCM) nhận định: Thái độ hiện tại của hầu hết các chủ đầu tư là nghi ngờ năng lực của tư vấn trong nước. Họ sùng bái KTS ngoại, kể cả đào tạo nước ngoài, dễ dãi trong ứng xử với “nội” nhưng rất nghiêm túc với “ngoại”. Điều đó chắc chắn là sai nhưng cũng dễ hiểu. Một trong những lý do là vì cả chủ đầu tư lẫn tư vấn nội vẫn chưa có thói quen tiếp cận nhau theo thông lệ quốc tế, trong khi các công trình lớn không thể tránh cách làm việc khoa học. Trong trường hợp ấy, KTS ngoại là cứu cánh. Hậu quả là chủ đầu tư chấp nhận luật chơi của họ. Đáng tiếc là đôi khi các KTS  quốc tế này chỉ là các văn phòng hạng hai ở nước họ.

KTS Nguyễn Hữu Thái cũng đưa ra nhận định tương tự: Đối với giải pháp giao người nước ngoài thiết kế không những gây lãng phí mà còn phí phạm nhân lực do không sử dụng đội ngũ chuyên viên mình cần việc làm. Tôi và một số đồng nghiệp ở nước ngoài về đã thử phân tích và nhìn nhận hầu hết các công trình do nước ngoài đảm trách đơn giá quá cao, điều hành bảo quản tốn kém, không phù hợp với điều kiện sử dụng tại Việt Nam (như phung phí năng lượng, lạm dụng điều hoà nhiệt độ, ít tận dụng ánh sáng, thông thoáng tự nhiên, không phù hợp với thời tiết khí hậu nhiệt đới). Điều oái oăm là Cty thiết kế nước ngoài thuê mướn lại KTS trong nước để triển khai thiết kế thay họ với giá rẻ mạt!

Một trong những bằng chứng của việc “phân biệt đối xử” giữa tư vấn nội và ngoại là thiết kế phí. KTS Dương Hồng Hiến đã đưa ra một bảng “báo giá” của văn phòng thiết kế ở Mỹ. Theo đó, thiết kế phí cho công trình có vốn đầu tư 100 nghìn USD là 9 - 14% (tuỳ từng loại công trình), công trình có vốn đầu tư 50 triệu USD là 4,5 - 8,3%. Xin lưu ý là tỷ lệ này chỉ dành riêng cho kiến trúc thôi. Tương tự như vậy, chi phí thiết kế riêng cho phần kiến trúc ở Singapore, theo quy định của Hội KTS là từ 8 - 12%, theo thương lượng trong thị trường từ 3 - 8%. Còn ở Việt Nam thì sao? Đối với công trình có tổng mức đầu tư 10 tỷ đồng, phí thiết kế khoảng 2,25 - 2,74%. Với công trình 5.000 tỷ đồng, mức phí thiết kế được quy định là 0,62 - 0,75%… Điều đáng nói là tỷ lệ thiết kế phí nói trên bao gồm cả kiến trúc, kết cấu, điện nước… KTS Hiến phân tích: Với cách ứng xử như trên, KTS nội mãi mãi là những kẻ vừa tự tin, vừa tự tôn, vừa nửa vời và vẫn không bao giờ là chỗ dựa đáng tin cậy trong xã hội. KTS nội an phận với cách làm “nội” quấy quá cho xong công trình, không theo quy trình chính quy của công việc, dễ dãi với tiến độ, dễ dãi với kỹ thuật, với sử dụng vật liệu...

Thật khó để đưa ra giải pháp nhằm giảm sự kỳ thị đối với tư vấn nội song với khía cạnh người làm nghề, KTS Hiến tạm đưa ra 3 tiêu chí. Thứ nhất, tư vấn nội thẳng thắn nhìn nhận nhược điểm và học hỏi để nâng cấp bản thân. Thứ hai, xem lại cách tư vấn nội chấp nhận xã hội theo cách xã hội chấp nhận tư vấn nội đã đúng chưa. Nếu chưa thì phải tìm cách thay đổi. Điển hình là thiết kế phí. Nếu không tư vấn nội cũng chỉ là các “thầy mo” trên bản làng, chỉ đủ sức cho con bệnh uống tàn nhang nước cúng. Thứ ba, tư vấn nội phải vùng lên giành lấy đất đang mất dần về tay tư vấn ngoại trong những cuộc cạnh tranh sòng phẳng. “Đừng để người ngoài quyết định xem bỏ cái gì vào phòng khách nhà mình mà phải dũng cảm từ chối những đề nghị làm phương hại đến hình ảnh KTS Việt Nam dù có được trả giá bao nhiêu” - KTS Hiến nói.

Theo Báo Xây dựng

  • 0
  • By Admin
  • 29/09/2008
  • 17