• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Có được hưởng thừa kế di sản của bà dì?

Bà nội tôi đã về sống chung với bà dì tôi để chăm sóc bà, nhưng bà nội tôi lại mất trước bà dì. Sau đó cô Hai tôi về ở chung với bà dì, sau đó bà dì tôi cũng mất. Khi bà mất có để lại một mảnh đất khoảng 800m2 cả thổ cư và nông nghiệp ở phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2, TP.HCM (khu đất này nằm trong dự án mở đường liên tỉnh lộ 25B, thuộc diện giải tỏa trắng) nhưng không để lại di chúc.

Sau đó cô Hai tôi họp gia đình và chia phần đất đó thành bảy phần, cô Hai tôi hưởng hai phần, còn lại năm phần cho năm anh chị em, cả người sống và người đã mất. Nhưng sau đó các chú tôi không đồng ý và làm lại thừa kế di sản. Chú tôi nói theo Luật thừa kế di sản thì “di sản” này có sau khi ba tôi và cô Sáu tôi mất nên hai người này không được hưởng. Có nghĩa là tôi và em con cô tôi không được hưởng. Chú tôi nói vì huyết thống gia đình nên chỉ cho chúng tôi 5% trên tổng số tiền đền bù.

Chúng tôi không rành về Luật di sản thừa kế, nên kính mong luật sư giải thích giúp. Các chú tôi làm như vậy có đúng theo luật không?

Chân thành cảm ơn.
 

Thảo Nguyên


Trả lời:

Theo quy định tại điều 676 Bộ luật dân sự năm 2005, những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

- Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết.

- Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại.

- Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau; những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

Theo quy định trên thì bố bạn và các cô và chú của bạn thuộc hàng thừa kế thứ ba, vì thế nếu không còn ai ở hàng thừa kế thứ nhất, thứ hai cũng như hàng thừa kế thứ ba của bà dì bạn thì các cô chú của bạn là người được hưởng di sản bà dì bạn để lại.

Tuy nhiên, theo quy định tại điều 635 Bộ luật dân sự năm 2005 thì người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Do bố bạn và cô Sáu chết trước bà dì nên không được hưởng thừa kế di sản của bà dì bạn.

Việc thừa kế thế vị theo quy định tại điều 677 Bộ luật dân sự năm 2005 chỉ áp dụng cho trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản, theo đó cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống, nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống.

Do đó, bạn và con của cô bạn không được hưởng thừa kế thế vị từ bố bạn và cô Sáu của bạn đối với phần di sản của bà dì bạn để lại vì bố bạn và cô bạn không phải là con đẻ của bà dì  bạn.
 

Luật sư Nguyễn Văn Hậu

Theo Tuoi Tre
  • 293
  • By Admin
  • 06/07/2009
  • 17