• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Có được chia căn hộ thuê của nhà nước sau khi ly hôn không?

Trong thời gian chung sống, chúng tôi có một con gái và khối tài sản chung không đáng kể. Theo thỏa thuận, tôi là người nuôi con, chồng tôi có nghĩa vụ cấp dưỡng. Nhưng còn căn nhà tập thể đang đứng tên thuê của một công ty quản lý - kinh doanh nhà Nhà nước, vợ chồng tôi chưa thỏa thuận được.

Vậy xin được hỏi, khi tòa án giải quyết ly hôn, căn nhà có được coi là tài sản chung để chia hay không? Chúng tôi phải giải quyết tài sản này như thế nào? Đình Nguyễn

Trả lời

Theo thông tin bạn trao đổi, hiện vợ chồng bạn làm đơn ra Tòa yêu cầu giải quyết ly hôn. Tuy nhiên căn nhà thuê của nhà nước, vợ chồng bạn lại chưa giải quyết được, chúng tôi thấy rằng trường hợp ly hôn của vợ chồng bạn không phải là thuận tình ly hôn theo quy định tại Điều 90 Luật Hôn nhân và Gia đình. Vì một trong các điều kiện để được coi là thuận tình ly hôn theo điều luật trên được hướng dẫn tại Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP phải là hai bên đã thỏa thuận được với nhau về việc chia hoặc không chia tài sản, việc trong nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con.

Đối với ngôi nhà vợ chồng bạn đang thuê của nhà nước thì vẫn thuộc sở hữu nhà nước cho tới khi bạn ký hợp đồng mua bán nhà với Công ty Quản lý Kinh doanh nhà tại địa phương. Do vậy ngôi nhà không được xác định là tài sản chung của vợ chồng bạn. Vợ chồng bạn chỉ có quyền sử dụng ngôi nhà thuê và quyền sử dụng này là một quyền tài sản theo quy định tại Điều 163 của BLDS. Tài sản theo quy định tại Điều luật này bao gồm: vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản.

Như vậy, ở đây quyền được sử dụng ngôi nhà (một loại quyền tài sản) mới là tài sản chung của vợ chồng bạn chứ không phải ngôi nhà. Khi vợ chồng bạn ly hôn, quyền lợi của vợ chồng bạn đối với căn nhà thuê được nhà nước tôn trọng và được giải quyết theo quy định tại Khoản 1 Điều 28, Nghị định 70/2001/NĐ-CP ngày 3/10/2001 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Hôn nhân và gia đình.

Theo đó, trong trường hợp hợp đồng thuê nhà ở vẫn còn thời hạn, các bên thỏa thuận về việc tiếp tục thuê nhà ở đó; nếu các bên không thỏa thuận được và cả hai bên đều có nhu cầu sử dụng thì được Tòa án giải quyết theo quy định tại Điều 95 Luật Hôn nhân và gia đình (về nguyên tắc được chia đôi, nhưng có xem xét hoàn cảnh của mỗi bên, tình trạng tài sản, công sức đóng góp của mỗi bên vào việc tạo lập, duy trì, phát triển tài sản).

Trong trường hợp vợ chồng đã nâng cấp, sửa chữa, cải tạo nhà thuê của nhà nước hoặc xây dựng mới trên diện tích có nhà thuê của nhà nước, khi ly hôn, việc chia quyền sử dụng nhà ở và phần diện tích nâng cấp, sửa chữa, cải tạo, xây dựng mới do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được, Tòa án sẽ giải quyết theo quy định tại Điều 95 của Luật hôn nhân và gia đình (nêu trên). Nếu một bên có nhu cầu sử dụng thì bên đó phải thanh toán cho bên kia phần giá trị nhà đã nâng cấp, cải tạo, sửa chữa, xây dựng mới mà bên đó được hưởng vào thời điểm chia tài sản khi ly hôn.

Mặc dù pháp luật không thừa nhận quyền sở hữu của người dân đối với loại nhà này (quản lý, thuê, mua theo Nghị định 61/1994/NĐ-CP của Chính phủ ngày 05/7/1994 về mua bán và kinh doanh nhà ở), tuy nhiên trên thực tế về cơ bản những quyền khác như: quyền chiếm hữu hay quyền sử dụng của người dân vẫn được pháp luật bảo đảm.

Luật sư Trương Anh Tú
(Theo Landtoday)

  • 211
  • By Admin
  • 12/01/2012
  • 17