• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Cổ đông Sudico có quyền khởi kiện

Tập đoàn Sông Đà là chủ sở hữu vốn nhà nước tại Sudico, có quyền ra quyết định thay đổi người đại diện vốn nhà nước. Tập đoàn, với sở hữu tại Sudico là 36,3%, có quyền đề cử người vào HĐQT công ty này. Nhưng việc người được Tập đoàn giới thiệu có trúng vào HĐQT Sudico không, cần phải chờ kết quả tại ĐHCĐ Sudico.

Về khía cạnh pháp lý, những rắc rối về nhân sự tại Sudico gần đây, theo tôi nên nhìn nhận như sau:

Với quy tắc bầu dồn phiếu hiện hành tại ĐHCĐ như hiện nay, cổ đông sở hữu lớn có thể vẫn chưa chắc đã được bầu vào HĐQT. Ngược lại, cổ đông, thậm chí người không phải cổ đông, vẫn có thể trúng vào HĐQT nếu được các nhóm cổ đông bầu chọn. Lưu ý, Sudico là công ty đại chúng, nên Công ty hoạt động theo Điều lệ Công ty và Luật Doanh nghiệp, Tập đoàn không thể dùng mệnh lệnh hành chính để can thiệp vào nội bộ của công ty này.
Cổ đông Sudico có quyền khởi kiện | ảnh 1
Luật gia Cao Bá Khoát

Về việc Chủ tịch HĐQT Sudico đương nhiệm có bị thay thế hay không, quyết định này phải chờ kết quả cuộc họp HĐQT mới, sau khi cuộc họp ĐHCĐ kết thúc. Chỉ các thành viên HĐQT Sudico mới có quyền bầu Chủ tịch HĐQT của công ty này. Tập đoàn Sông Đà chỉ là một cổ đông lớn, những người đại diện vốn nhà nước trúng cử vào HĐQT cũng chỉ đại diện cho 1 phiếu bầu Chủ tịch, nên nếu Tập đoàn dùng quyền lực của cổ đông nhà nước để áp đặt thì sự thay đổi này là sai luật.

Theo dõi trên các phương tiện thông tin gần đây có thể thấy 2 thái cực thông tin khác biệt trước những thay đổi nhân sự tại Sudico. Một thái cực cho rằng, quyết định thay đổi người đại diện vốn nhà nước tại Sudico để tiến tới thay Chủ tịch HĐQT Sudico của Tập đoàn Sông Đà là đúng, vì nó bảo vệ tài sản nhà nước, bảo vệ cổ đông Sudico. Một thái cực thông tin khác thì hoàn toàn ngược lại khi cho rằng, quyết định này mang tính chủ quan, áp đặt, thậm chí là mang tính cá nhân. Theo tôi, để hiểu đâu là đúng, đâu là sai trong các quyết định thay nhân sự cấp cao tại Sudico, cần phải căn cứ vào luật pháp và thực tế hoạt động của Sudico.

Về việc Tập đoàn Sông Đà ra quyết định rút quyền đại diện vốn nhà nước của Chủ tịch Sudico đương nhiệm và không giới thiệu vị này tham gia vào thành viên HĐQT Sudico sắp tới, về lý, đây là quyền của Tập đoàn. Tuy nhiên, quyết định này không thuyết phục được dư luận, vì nó chỉ vin vào một lý do rất đơn giản là Chủ tịch Sudico không thực hiện báo cáo Tập đoàn khi thay đổi nhân sự cao cấp (thực tế đã thực hiện báo cáo Tập đoàn khi thay đổi nhân sự cấp cao, nhưng Tập đoàn chưa trả lời), trong khi đáng ra, để đi đến quyết định thay người đại diện vốn nhà nước, Tập đoàn cần xem xét trên việc Sudico, dưới sự lãnh đạo của người đại diện Tập đoàn, đã phát triển như thế nào, đã đóng góp gì cho Tập đoàn, đóng góp bao nhiêu thuế cho Nhà nước… Chính vì không có sự xem xét thấu đáo trên những gì thực tế Sudico làm, nên quyết định của Tập đoàn mang nhiều màu sắc chủ quan, cá nhân, hơn là luật pháp và sự thật.

Về việc HĐQT Sudico ra quyết định thay đổi Tổng giám đốc Vi Việt Dũng, về lý, Sudico đã làm đúng vì cuộc họp HĐQT Công ty trước đó có 3/4 phiếu chấp thuận sự thay đổi này. HĐQT có 5 người, khi bỏ phiếu 1 người đã không thực hiện quyền của mình, nên về nguyên tắc, kết quả chỉ tính trên số người thực tham gia bỏ phiếu. Thực tế, 1 cơ quan nhà nước có thẩm quyền - Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội đã chấp thuận cho Sudico thay đổi đăng ký kinh doanh. Điều này cho thấy, các thủ tục pháp lý tại Sudico khi thay Tổng giám đốc đã được thẩm định và đúng luật.

Những mâu thuẫn tại Sudico sẽ dẫn DN này đi về đâu? Đó là một câu hỏi liên quan thiết thực đến quyền lợi của tất cả cổ đông công ty này.

Sudico niêm yết từ năm 2006 và cho đến năm 2010, Công ty luôn là một DN có uy tín trên TTCK vì kinh doanh doanh hiệu quả và tuân thủ nghĩa vụ công bố thông tin. Chính vì thực tế này mà cổ phiếu Sudico từng được định giá cao trên thị trường và điều này đáng được trân trọng.

Tập đoàn Sông Đà đưa ra quan điểm để bảo vệ cổ đông Sudico, nên cần thay người đại diện, tiến tới thay Chủ tịch công ty này. Nhưng cần lưu ý rằng, về lý, Tập đoàn Sông Đà chỉ là 1 cổ đông, quyền quyết định Chủ tịch HĐQT Công ty là của HĐQT Sudico sắp tới. Nếu mâu thuẫn tại Sudico không thể dàn xếp được, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của đại đa số cổ đông công ty này, thì các cổ đông có quyền tập hợp lại để khởi kiện chính những đối tượng đã xâm hại vào quyền và lợi ích hợp pháp của DN cũng như của cổ đông theo Nghị định 102/2010/NĐ-CP.

Theo đó, cổ đông sở hữu ít nhất 1% số cổ phần phổ thông liên tục trong thời hạn 6 tháng có quyền yêu cầu Ban kiểm soát thực hiện việc khởi kiện, nếu quyền lợi của DN và của cổ đông bị xâm hại. Sau 15 ngày mà Ban kiểm soát không tiến hành khởi kiện, các cổ đông có quyền trực tiếp khởi kiện người quản lý DN và những đối tượng gây ảnh hưởng đến lợi ích hợp pháp tại DN. Lưu ý rằng, việc thay đổi Chủ tịch HĐQT của Công ty là vô cùng quan trọng có ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh, giá trị cổ phiếu của các cổ đông trong DN.

Luật gia Cao Bá Khoát, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn doanh nghiệp K và Cộng sự
(Theo ĐTCK)

  • 0
  • By Admin
  • 10/11/2011
  • 17