“Có đất mà không sử dụng cũng phải chịu thuế lũy tiến”
Xung quanh biểu thuế suất mới đối với đất ở, nhiều người lo ngại mức thuế cơ bản 0,03% còn quá thấp, không có tác dụng chống đầu cơ bất động sản.
GS.TSKH Đặng Hùng Võ, Chủ nhiệm Bộ môn Địa chính của ĐHQG thì cho rằng: Mức thuế suất cơ bản 0,03% theo dự thảo không có liên quan gì đến việc chống đầu cơ bởi vì nó áp dụng cho diện tích trong hạn mức, phần diện tích vượt hạn mức mới là nơi cần đánh thuế để chống đầu cơ thì chúng ta đã có biểu thuế lũy tiến như trong dự thảo đã trình bày.
- Theo thuế lũy tiến của dự thảo thì mức thuế suất phải đóng cao nhất cũng chỉ là 0,09%/năm. Với một nhà đầu cơ 4-5 mảnh đất thì số tiền phải nộp thuế là vài chục triệu đồng không đáng kể gì so với lợi nhuận mà họ thu được từ đầu cơ. Cách tính thuế mới rõ ràng chưa thể hạn chế được đầu cơ?
- Mục tiêu chống đầu cơ là mục tiêu lớn mà chúng ta theo đuổi, cũng nhiều người nói là bất khả thi. Nhưng ta vẫn phải làm từng bước, bước đầu tiên là đưa ra biểu thuế lũy tiến như trong dự thảo. Tiếp đó chúng ta chờ phản hồi từ đời sống thực tế, nếu thấy rằng luật có tác dụng thì ta tiến hành tăng thuế suất đó lên. Cứ điều chỉnh theo nhịp độ phát triển kinh tế xã hội, của đời sống người dân thì chắc chắn mục tiêu làm ổn định và lành mạnh thị trường BĐS sẽ đạt được. Chúng ta có bước thì mới nhìn được đích còn không bước mà chỉ ngồi thảo luận thì chắc chắn không bao giờ tiến lên được. Vậy nên mọi việc phải bắt đầu từ bước đầu tiên. Với 3 mức thuế lũy tiến là 0,03 - 0,06 - 0,09% thì ta chưa chống được đầu cơ triệt để nhưng sẽ có tác dụng.
- Cụ thể tác dụng như thế nào, thưa ông?
- Thứ nhất là những người có đất mà không dùng sẽ có nghĩa vụ nộp thuế nhiều hơn cho nhà nước, mức thuế này sẽ khiến họ phải tính toán lại việc sử dụng đất sao cho hợp lý hơn. Hiệu quả này dẫn tới tác dụng thứ 2 đó là các nhà quản lý sẽ thống nhất với nhau hơn về mặt ý tưởng, sẵn sàng nâng mức thuế lên cao để đạt hiệu quả hơn nữa.
- Theo ông, luật có tác dụng hạn chế các trường hợp đất dự án được cấp nhưng không đưa vào sử dụng mà chờ găm giá để bán?
- Hiện nay chúng ta đang áp dụng cơ chế sau 1 năm mà chủ dự án không đưa đất vào sử dụng hoặc sau 2 năm sử dụng không đúng tiến độ thì Nhà nước thu hồi đất. Một số địa phương đã làm tốt cơ chế này, nhưng một số nơi phàn nàn là cơ chế gây phiền phức. Vì ra quyết định thu hồi đất đã giao cho nhà đầu tư sự thực là một quyết định rất khó khăn đối với nhiều địa phương, tôi cho rằng nên bỏ cơ chế này mà đặt ra mức thuế lũy tiến đối với trường hợp có đất nhưng không đưa vào sử dụng để giải tỏa tình trạng đầu cơ, tích trữ đất đai, khuyến khích người dân sử dụng đất. Theo đó cứ sau 1 năm mà chủ dự án không sử dụng thì thuế suất tăng lên bao nhiêu, sau 2 năm lại tăng tiếp bao nhiêu, sau 3 năm mức thuế cao đến mức nào… Với mức thuế lũy tiến này thì nhà đầu tư sẽ phải tính toán để sớm đưa đất vào sử dụng. Nếu họ cố tình găm đất để đầu cơ sau 3 năm thì xin mời họ cứ việc đóng mức thuế cao hơn hẳn.
Tôi cho rằng đây sẽ là cơ chế rất thị trường làm cho nhà đầu tư chủ động, còn Nhà nước thì “nhẹ” đầu cứ việc thu thuế theo cơ chế đã được điều chỉnh mà vẫn yên tâm vì thuế sẽ điều tiết được những yếu tố thiếu tích cực của thị trường. Chúng ta không nên thu hồi đất như hiện nay, tôi thấy thu hồi đất tức là can thiệp hành chính vào quan hệ thị trường.
- Nhiều người lo ngại cơ sở dữ liệu về nhà đất của cơ quan quản lý còn yếu và thiếu sẽ không đảm bảo yếu tố công bằng trong việc đánh thuế. Quan điểm của ông như thế nào?
- Tôi cho rằng cơ sở dữ liệu của chúng ta không thiếu, sổ sách ghi chép về diện tích cũng có đủ để tiến hành đánh thuế.
- Xin cảm ơn ông!
- 0
- By Admin
- 10/09/2009
- 17