• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Cơ cực đi tìm nhà trọ tại Thủ đô

>>Nhà cho thuê: Đến hẹn lại… tăng giá

Đỏ mắt không tìm thấy nhà trọ | 1
Những dãy phòng trọ cứ liên tục mọc lên và giá cho thuê phòng cũng ngày càng leo thang.

Tìm nhà trên mạng

Chị Hương (quê Thái Bình), nhân viên văn phòng trong bài viết trước chúng tôi đã đề cập, bức xúc vì ngày phải trả phòng đã tới gần mà vẫn chưa tìm được phòng mới nên từ sau Tết mỗi buổi đi làm với chị lại thêm một công việc quan trọng nữa đó là: Tìm nhà trên mạng.

Vào xem một số trang tin rao vặt: enbac, rongbay…, chị Hương vui mừng khi thấy trong mục nhà cho thuê hôm nay có những tin quảng cáo nhà cho thuê đúng như yêu cầu của chị: “Nhà  cạnh Đại học Thủy lợi, tổ 3, Khương Thượng, Tây Sơn, Hà Nội. Diện tích 30m2x 2 tầng, điện nước theo giá nhà nước, an ninh tốt, miễn trung gian. Liên hệ số điện thoại: 0984xxxxxx”.

“Chung cư mini khu vực đường Láng, hiện còn 2 phòng trống, giá thuê từ 2-2,5 triệu/tháng. An ninh tốt. Liên hệ: 0129.xxxxxxx”

Chọn vài địa chỉ liên hệ, nhấc máy lên gọi đến số điện thoại trên. Giọng một người phụ nữ nhỏ nhẹ cất lên: “Em cứ đến xem phòng đi, văn phòng chị dẫn đi xem. Phòng rẻ, đẹp như trong quảng cáo ấy. Nếu không đúng như vậy, chị không lấy phí của em đâu”.

Chị Hương tiếp tục gọi đến số điện thoại thứ 2, người nhấc máy là nam giới, trêu trọc: “Làm gì có nhà cho em thuê. Chỉ có anh thôi, em có thuê không?”. Vội vàng cúp máy nhưng sau đó, số máy trên liên tục gọi lại, nhắn tin trêu trọc chị Hương.

Mất cả buổi sáng gọi điện tìm nhà mà vẫn không được địa chỉ nào, chị Hương chuyển sang “cầu cứu” bạn bè qua mail, chat, các trang diễn đàn, mạng xã hội. Chị nhận được nhiều tin nhắn gửi qua yahoo một số địa chỉ nhà đang còn phòng trống. Gọi điện đến một trong những số điện thoại đó, chủ nhà cho địa chỉ và hẹn buổi tối sẽ cho xem phòng.

Đi làm về sớm, chị Hương tìm đến những địa chỉ đã được cẩn thận ghi lại. Nhà thứ nhất, chủ nhà mở cửa: “Cháu thông cảm, phòng đó vừa có người dọn đến rồi. Cô không biết cháu có thuê thật sự hay không nên cứ ai đến trước là cô cho thuê thôi”.

Tiếp tục hành trình tìm đến những địa chỉ tiếp theo, lòng vòng mãi với các ngóc ngách, cuối cùng chị Hương và Thu (bạn cùng phòng với chị) cũng tìm được đến địa chỉ ngõ 101, Khương Thượng.

Được quảng cáo là nhà rộng rãi, sạch đẹp, nhưng chị Hương tá hỏa khi phát hiện ra đây cũng là một trung tâm môi giới nhà đất. Bên trong, trung tâm môi giới nhà đất, mấy người đàn ông đầu trọc đang tụ tập ngồi đánh bài. Căn phòng khoảng 10m2 hé mở, người đàn ông có khuôn mặt dữ dằn hất hàm hỏi: “Ngó nghiêng gì đấy?”. Quá sợ hãi, chị Hương  bảo đang tìm nhà người quen trong ngõ này, nhanh chóng xin lỗi họ và đi tiếp.

Theo kinh nghiệm của bạn bè chị, những người có thâm niên tìm phòng trọ từ ngày sinh viên, để tìm được một phòng trọ ở ổn định, giá chấp nhận được, thường phải mất khoảng 01 tháng. Khoảng thời gian này, ngoài việc nhờ cậy bạn bè tìm phòng giúp rồi tự đi xem phòng, xem nhà còn lo dọn dẹp chuyển đến chỗ ở mới. Và cũng giống như một quy luật, nhà càng rẻ, càng đẹp thì cũng tỷ lệ nghịch với khả năng sẽ được ở lâu dài.

Xe ôm, nhân viên nhà đất, chủ nhà cùng làm “cò”

Mất rất nhiều thời gian, chạy đôn chạy đáo tìm nhà trọ mà vẫn không tìm được nhà trọ, nhiều người đành phải nhờ đến “cứu cánh” là các trung tâm môi giới nhà đất với hy vọng tìm được nhà. Nhưng rồi trong nỗi cơ cực đi tìm nhà trọ, họ lại rơi vào cảnh bi đát khi gặp phải các trung tâm môi giới lừa đảo.

Thu Trang, sinh viên trường Đại học Lao động và xã hội, trên đường đi tìm nhà trọ được một ông xe ôm chỉ vào một trung tâm môi giới nhà đất gần đó. Nghe nhân viên ở đây giới thiệu và thông tin nhà trọ, Thu Trang như trút đi được gánh nặng bấy lâu nay.

Trang liền đóng ngay 150.000 đồng tiền giao dịch và tiền hoa hồng là 500.000 đồng (gần nửa tháng tiền nhà tháng thứ 1) cho nhân viên trung tâm môi giới để thuê căn phòng giá 1.200.000 đồng/tháng ở ngõ 01 Khương Trung.

Nhưng khi được nhân viên môi giới mà thực ra là bác xe ôm lúc trước dẫn đến nơi, nhìn phòng trọ ẩm thấp, bẩn thỉu, không như quảng cáo, Trang không ưng ý. Quay trở lại trung tâm, họ bảo Trang cứ về và trung tâm sẽ nhanh chóng tìm cho Trang phòng mới và hẹn ngày mai sẽ tiếp tục dẫn Trang đi xem phòng, bao giờ Trang ưng ý tìm được phòng mới thôi. Ngày hôm sau, Trang đến trung tâm, vẫn không thấy động tĩnh gì. Quá bức xúc, Trang đòi lại tiền nhà thì trung tâm này không chịu trả lại tiền cho Trang vì lý do Trang tự phá hợp đồng. Quá thất vọng vì nhà không tìm được lại phải trả một khoản phí “lừa” quá cao, Trang tự nhủ: “Lần sau tìm nhà, sẽ không bao giờ vào các trung tâm môi giới nhà đất nữa”.

Vào thời điểm nhập học, sau Tết, khi nhu cầu nhà trọ tăng cao cũng là lúc các trung tâm môi giới nhà đất liên tục “tung” ra nhiều địa chỉ nhà trọ “ma” để “lừa” người thuê nhà cả trên mạng và ngay tại những tấm biển được đặt tại trung tâm. Những thông tin về nhà một đằng nhưng thực tế lại một nẻo nên đã dẫn tới kết cục, nhà không tìm được nhưng nhiều người lại bị mất tiền oan.

Rất nhiều trung tâm còn kết hợp với chủ nhà để “giăng bẫy” người thuê nhà. Nhà không còn phòng cho thuê nhưng chủ nhà trọ và trung tâm vẫn cố tình tạo ra các địa chỉ “ảo”, phòng ảo để trục lợi. Đang lúc cần nhà trọ mà lại có quá ít thời gian tìm phòng nên nhiều người đã vội vàng đóng tiền để được đi xem phòng, thậm chí đặt tiền phòng trước cho chủ nhà. Kết quả có thuê được phòng hay không thì đó lại là câu chuyện khác và khoản tiền đã đóng trước kia đã vĩnh viễn nằm lại trong túi của “cò”.

(Theo Tamnhin)

  • 0
  • By Admin
  • 21/02/2011
  • 17