• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Cơ chế "xin - cho" làm hại chính sách nhà ở xã hội?

Theo số liệu của Bộ Xây dựng, trong năm đầu thực hiện (2009 - 2010), 7.500 tỷ đồng đã được sử dụng để xây dựng ký túc xá cho 250 nghìn học sinh, sinh viên, 2.600 tỷ đồng để giải quyết nơi ở cho 125 nghìn công nhân, 3.600 tỷ đồng đưa vào giải quyết chỗ ở cho 64 nghìn người thu nhập thấp khu vực đô thị. Mỗi năm trong giai đoạn 2011 - 2015 cũng dự tính mức đầu tư xấp xỉ như vậy.

Cơ chế "xin - cho" làm hại chính sách nhà ở xã hội? | ảnh 1

Theo dự báo về nhu cầu nhà ở xã hội, hiện nay có 1,4 triệu công nhân, 1,8 triệu HS, SV và 5,86 triệu người thu nhập thấp khu vực đô thị cần chỗ ở. Đến năm 2020, số lượng này tương ứng sẽ lên mức 4,2 triệu công nhân, 2,7 triệu học sinh, sinh viên và 6,48 triệu người thu nhập thấp khu vực đô thị. Như vậy, mỗi năm chúng ta chỉ có thể giải quyết được 9% nhu cầu nhà ở cho công nhân, 14% cho học sinh, sinh viên và chỉ 1% cho người thu nhập thấp khu vực đô thị.

Việc giải quyết nhà ở xã hội luôn phải đối mặt với hai vấn đề quan trọng nhất: một là tìm nguồn vốn để phát triển nhà trong đó có phần hỗ trợ cho người đủ tiêu chuẩn sử dụng nhà ở xã hội (tìm nguồn để cho); hai là tìm cách phù hợp để lựa chọn người đủ tiêu chuẩn theo đúng thứ tự ưu tiên (tìm người xin để cho). Khó khăn nhất vẫn là giải pháp hỗ trợ để người thu nhập thấp khu vực đô thị có được chỗ ở, khó cả về tìm nguồn và phức tạp về tìm người. Vấn đề tìm nguồn đầu tư hãy tạm đặt riêng ra một bên. Việc bất cập nằm ở tính phức tạp của việc tìm đúng người thu nhập thấp khu vực đô thị theo thứ tự ưu tiên hợp lý để được nhận chỗ ở.

Theo Điều 6 thông tư 36/2009/TT-BXD (16/11/2009) của Bộ Xây dựng, người thu nhập thấp khu vực đô thị muốn tiếp cận nhà ở xã hội thì phải theo quy trình: (1) gửi đơn đăng ký trực tiếp cho chủ đầu tư; (2) sau khi chủ đầu tư thông báo thời gian nhận hồ sơ thì làm hồ sơ nộp cho chủ đầu tư; (3) chủ đầu tư gửi danh sách người đã đăng ký và danh sách được chủ đầu tư lựa chọn về sở Xây dựng; (4) hoặc sở Xây dựng có ý kiến về danh sách giải quyết, hoặc không có ý kiến thì coi như danh sách của chủ đầu tư đề xuất là đúng, chủ đầu tư thông báo cho khách hàng đến thoả thuận và ký hợp đồng. Hồ sơ gồm đơn và toàn bộ các giấy tờ chứng minh mình là người thu nhập thấp khu vực đô thị được ưu tiên.

Cơ chế "xin - cho" làm hại chính sách nhà ở xã hội? | ảnh 2

Cách thức lựa chọn người thu nhập thấp khu vực đô thị như pháp luật quy định hiện nay có những điểm giống và khác với thời kỳ bao cấp mà chúng ta đã làm. Trước đây, việc lựa chọn người được “cho nhà ở” là do thủ trưởng cơ quan quyết định trên cơ sở ý kiến bình xét của công đoàn cơ quan đó. Còn người “xin nhà ở” thì hầu hết ở cơ quan, trừ những người đã được phân nhà, người đã được cấp trên nữa cho nhà và một vài người khí khái không muốn xin do cảm thấy mình bị xúc phạm. Hiện nay, quyền xét duyệt nhà ở cho người thu nhập thấp khu vực đô thị nằm trong tay lãnh đạo doanh nghiệp thực hiện dự án nhà ở xã hội và sở xây dựng của địa phương, không có sự tham gia của cộng đồng.

Cơ chế lựa chọn bây giờ và trước đây có điểm giống nhau vì đều là cơ chế “xin - cho” đối với phần ngân sách nhà nước cho, có điểm khác nhau về đối tượng “xin” và đối tượng “cho”. Diện được “xin” đã được mở rộng hơn trước đây cho tất cả mọi người lao động thuộc các thành phần kinh tế đang thường trú tại địa phương theo cùng tiêu chí về thu nhập và tình trạng thiếu chỗ ở. Hướng mở rộng là đúng vì tính nhân bản cao hơn. Vai người “cho” đã chuyển từ người quản lý nhân sự sang hệ thống xây dựng gồm lãnh đạo doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội và lãnh đạo sở xây dựng ở địa phương. Đã có “xin - cho” là có hệ quả tiêu cực, lý luận này đã rất rõ. Một cơ chế tưởng như chúng ta đã vĩnh biệt vào năm 1994 với việc ban hành nghị định 61/CP thì nay bỗng nhiên lại đường hoàng trở lại với một bộ “trang phục mới”. Khi vật được “xin” và “cho” càng hiếm, càng quý thì tiêu cực càng sớm nảy sinh.

Các nước khác cũng đều đặt ra biện pháp giải quyết nhà ở cho người nghèo theo cách riêng của mình. Để tránh cơ chế “xin - cho”, người ta phải sử dụng ba nguyên tắc bao gồm: một là độ minh bạch cao; hai là người “cho” phải có trách nhiệm giải trình đầy đủ; và ba là cộng đồng phải tham gia thực sự vào quá trình. Những tiêu cực mà lý luận và thực tiễn nước ta đã chỉ ra là nguy cơ tham nhũng nảy sinh trong cơ chế “xin - cho”, ảnh hưởng không chỉ tới phát triển thị trường bất động sản mà còn tạo nên những hệ quả xã hội khôn lường về bảo đảm công bằng, độ mất mát lòng tin. Những kịch bản tiếp theo có nguy cơ xảy ra có thể là: (1) hình thái nhận hối lộ của những người có quyền “cho”; (2) xuất hiện cò nhà ở cho người thu nhập thấp tiếp cận quỹ nhà; (3) xuất hiện các đầu nậu để mua “lúa non” từ người có tiêu chuẩn để dàn xếp quỹ nhà như đã từng xuất hiện đối với nhà tái định cư. Chúng ta luôn tin vào cán bộ nhưng hãy tin rằng một cơ chế tồi sẽ nhanh làm hư cán bộ vì con người không phải là thánh nhân.

Nhưng nguy cơ phát sinh tiêu cực trong cơ chế “xin - cho” nhà ở xã hội sẽ làm cho chính sách tốt đẹp của Chính phủ không chuyển tải được đến dân. Người đáng được thì không được, hay có được cũng chẳng còn được bao nhiêu, danh sách ưu tiên lại bị méo mó dần. Những người nghèo thật lại tiếp tục vô vọng với giấc mơ nhà ở của mình.

(Theo Báo Xây dựng)

  • 124
  • By Admin
  • 24/06/2011
  • 17