• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Chuyển nhượng dự án BĐS: Người bán sốt ruột, người mua dè dặt

Chào bán dự án ồ ạt

Qua tìm hiểu thông tin thực tế cho thấy, nhu cầu chuyển nhượng dự án bất động sản hiện nay ngày càng tăng, đặc biệt trong thời điểm hiện nay không ít chủ dự án tại Hà Nội đang rất mong muốn bán được dự án hoặc hợp tác đầu tư để cơ cấu lại doanh nghiệp.

Sự phát triển quá nóng của thị trường những năm gần đây cùng với đó là sự hấp dẫn về lợi nhuận đã dẫn đến thực trạng “nhà nhà làm bất động sản” kể cả những công ty ngoài ngành, chuyên môn yếu, năng lực tài chính kém nhưng lại có tham vọng rất lớn trong lĩnh vực này.

Chuyển nhượng dự án BĐS: Người bán sốt ruột, người mua dè dặt | ảnh 1
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Khi thị trường đi xuống, ảnh hưởng lớn nhất cũng chính là nhóm doanh nghiệp này, giờ họ chính là người phải “cắt đi cái tham vọng đó” để cơ cấu lại dòng tiền, tập trung vào lĩnh vực kinh doanh chính. Gặp phải “cơn bão bất động sản” khiến nhiều doanh nghiệp hiện đang phải chấp nhận bán dự án với mức giá giảm trung bình đến 30%, trong khi đó họ đã phải bỏ rất nhiều tâm huyết và tiền bạc để đi xin dự án những năm trước đó. Bởi một điều dễ nhận thấy là xin dự án ở Hà Nội không hề dễ.

Thực tế hiện nay rất nhiều chủ dự án chào bán dự án, và đều là những dự án “tốt” có thanh khoản thì giới đầu tư mới để ý đến. Chẳng hạn như dự án tại phố Duy Tân, Cầu Giấy vừa được chủ dự án chào bán với tổng diện tích 1000m2. Dự án này dự kiến cao 15 tầng và 2 tầng hầm. Mục đích sử dụng đất là đất thuê lâu dài 50 năm.

Dự án chung cư cao tầng tại Khu đô thị Pháp Vân – Tứ Hiệp. Quy mô của dự án đã được UBND Thành phố Hà Nội chấp thuận chủ trương đầu tư, và Sở Quy hoạch Kiến trúc đã phê duyệt phương án điều chỉnh quy hoạch cục bộ tại khu đất mà chủ đầu tư đang sử dụng tại khu đô thị Pháp Vân – Tứ Hiệp.

Theo đó, khu đất có tổng diện tích hơn 6000m2, được chấp thuận đầu tư dự án chung cư cao tầng với 2 tòa chung cư 21-13 tầng và 2 tầng hầm, trong đó khối đế 4 tầng. Mật độ xây dựng 31% của 2 tòa chung cư. Thời gian thực hiện dự án từ 2011 – 2014.

Ông Phan Xuân Cần – Chủ tịch HĐQT của Sohovietnam, cho biết hiện Sohovietnam đã tiếp nhận hàng trăm dự án đang chào bán, chỉ trong 3 ngày mới đây nhất Sohovietnam đã tiếp nhận đến 10 dự án. Trong đó, phải kể đến một số dự án đáng chú ý như Khu tổ hợp căn hộ, thương mại, văn phòng nằm sát đường Phạm Hùng với quy mô diện tích 3000m2, mật độ xây dựng 42%, cao 19 tầng, có 2-3 sàn thương mại, 3-6 sàn văn phòng và 10 sàn căn hộ, 2 tầng hầm. Giá trị chuyển nhượng khoảng 85 tỷ đồng (chưa bao gồm tiền sử dụng đất) dưới hình thức chuyển nhượng công ty.

Hay một dự án có quy mô lớn khác là một khu nhà ở khoảng 6ha nằm trên quận Hà Đông, chủ đầu tư cũng đang có nhu cầu chuyển nhượng dưới hình thực hợp tác đầu tư, chuyển nhượng dự án, hoặc chuyển nhượng từng phần. Dự án này đã được duyệt quy hoạch 1/500, đã có quyết định giao đất và đã giải phóng mặt bằng, san nền.

Hay một trường hợp khác là một dự án Tổ hợp văn phòng, thương mại và nhà ở nằm trên đường Lê Văn Lương, Hà Nội với diện tích đất 4000m2, giá chuyển nhượng 470 tỷ đồng đã bao gồm cả giá trị sử dụng đất với hình thức hợp tác đầu tư hoặc chuyển nhượng dự án. Dự án được cấp phép xây 2 tòa cao 30 tầng, mật độ xây dựng 50%.

Hiện nay Sohovietnam đang tiếp nhận khoảng trên dưới 100 dự án đang có nhu cầu chào bán trên khắp cả nước. Công ty cũng đã thành công một số thương vụ lớn như tháp Hòa Bình Tower do Công ty địa ốc Hòa Bình (HBC) chuyển nhượng với giá 12 triệu USD, hay dự án Vitex Tower tại Tp.HCM, Sakura Tower tại Hà Nội,…

Tiền mặt là “vua”

Với những nhà đầu tư chuyên nghiệp họ nhìn bất động sản dài hạn chứ không phải ngắn hạn. Trong giai đoạn này, khi phân tích dòng tiền và tính hiệu quả của dự án thì với những dự án tốt họ vẫn có thể mua.

Trong khi đó, ngân hàng thì muốn DN phải bán được bất động sản để lấy tiền trả cho họ, chứ ngân hàng không muốn trở thành cổ đông của chủ đầu tư. DN có bán rẻ cho ngân hàng thì họ cũng không mua mà họ phải kiếm được người mua trên thị trường.

Cũng theo ông Cần, tâm lý của “những người có tiền” rất rõ là sự chờ đợi, họ cho rằng thị trường vẫn đang xấu và giá cần phải giảm thêm thì họ mới mua, có thể mức giảm 10-15% nữa mặc dù hiện giá đã giảm trung bình từ 30-40%. Nói cách khác thị trường đang bị người có tiền mặt “đạp” giá xuống.

Theo nhận định của chuyên gia trong lĩnh vực này, thì năm 2012 vẫn là năm đầy khó khăn và thử thách đối với bất động sản. Đó sẽ vẫn là một cơn bão mà chúng ta vẫn chưa lường hết được. Trong một bài phát biểu tại buổi hội thảo “Đầu tư và kinh doanh” ngày 16/2, T.S Alan Phan có nhận định về thị trường bất động sản năm 2012: “Cơ hội để mua các tài sản với giá rẻ dưới giá sản xuất trong năm 2012 nhiều vô số kể. Một kế hoạch thực tế và đơn giản, cộng với chút kiên nhẫn, sẽ đạt một kết quả (ROI) trên trung bình sau 5 năm.

Năm 2012 khó văn vẫn còn đó và đây cũng sẽ là thời điểm khởi đầu cho một chu kỳ nhiều biến động, cùng với đó là những thay đổi của một lớp người khác tạo nên những đổi ngôi về tài sản. Hiện tại tiền mặt vẫn là “vua” và có quyền quyết định số phận của nhiều dự án.

(Theo TTVN/CafeF)

  • 0
  • By Admin
  • 28/02/2012
  • 17