• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Chuyện nhà ở: Thực trạng bất cập và kiến nghị khó hiểu

Từ thực tế bất cập

Thực trạng đầy bất cập và những kiến nghị khó hiểu | 1
Quy định sở hữu nhà ở chung cư có thời hạn sẽ không khuyến khích người dân chọn mua căn hộ chung cư. Ảnh minh hoạ. Ảnh: Lê Quang Nhật

Báo cáo gửi Thủ tướng để phục vụ việc hoạch định chính sách phát triển lĩnh vực nhà ở và một số lĩnh vực khác mới đây của bộ Xây dựng nêu không ít những thống kê “khó tin” đối với thực tế nhà ở trên địa bàn cả nước hiện nay.

Theo kết quả tổng hợp của bộ này, mặc dù số hộ có nhà ở với diện tích sử dụng dưới 25m2 chiếm tỷ lệ khá lớn, 8% nhưng số hộ có nhà ở với diện tích trên 100m2 lại chiếm tỷ lệ gần như cao nhất, đạt trên 19% (đặc biệt là tại khu vực đô thị với gần 30%).

Bộ này cho rằng, nghịch lý trên chứng tỏ khoảng cách giàu nghèo ngày càng gia tăng. Việc số căn hộ có diện tích dưới 25m2 (diện tích không đảm bảo đủ công năng sinh hoạt bình thường cho con người) vẫn còn chiếm tỷ lệ khá lớn sẽ là một thách thức cho mục tiêu tăng diện tích ở bình quân nhưng vẫn đảm bảo được diện tích sống tối thiểu phù hợp cho mọi đối tượng của xã hội.

Thứ trưởng bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam trong một lần đối thoại với các nhà đầu tư nước ngoài mới đây cho rằng, lĩnh vực bất động sản của cả nước nói chung, đặc biệt là tại các thành phố lớn còn bộc lộ nhiều “khuyết tật” từ khâu quản lý, giá cả đến những vấn đề liên quan đến thị trường mua, bán.

Theo ông Nam, nguyên nhân gần như “bất khả kháng” là do thị trường bất động sản Việt Nam chỉ mới hình thành được gần chục năm trở lại đây. Những bất cập chỉ được hạn chế phần nào. Ông thừa nhận, ngay cả với cơ quan quản lý, nhiều khi cũng phải “bó tay” trước những hành vi lợi dụng sự chưa hoàn thiện của cơ chế, chính sách để “lách luật”, trục lợi của không ít doanh nghiệp.

Đến những kiến nghị mâu thuẫn?

Trong báo cáo gửi Thủ tướng nói trên, để khắc phục những hạn chế của thị trường bất động sản, bộ Xây dựng đã kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo thực hiện một số chính sách, giải pháp mà theo như lời một số chuyên gia lẫn nhà đầu tư thì mâu thuẫn đến... khó hiểu.

Thứ nhất, đó là kiến nghị hạn chế phát triển nhà riêng lẻ, tập trung phát triển nhà cho thuê, nhà ở chung cư. Kiến nghị này được đưa ra trên cơ sở là giá nhà đất có thể tăng cao dẫn đến việc sở hữu nhà ở riêng lẻ sẽ rất khó khăn. Do đó, các địa phương cần khuyến khích phát triển nhà chung cư phù hợp với điều kiện cụ thể của từng loại đô thị để góp phần tăng quỹ nhà ở; hạn chế, tiến tới chấm dứt việc giao đất lẻ cho các hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng nhà ở; nghiêm cấm việc xây dựng nhà ở tự phát tại các đô thị.

Tiếp đó là kiến nghị về việc triển khai cơ chế sở hữu nhà ở có thời hạn, đặc biệt là nhà ở chung cư. Theo bộ Xây dựng, việc quy định sở hữu nhà ở có thời hạn sẽ tạo điều kiện thuận tiện cho việc nâng cấp, cải tạo lại nhà cũ.

Đối với kiến nghị thứ nhất (sở hữu nhà, nhất là chung cư, có thời hạn) có thể xem như lời giải sát thực cho những khó khăn trong việc cải tạo chung cư cũ sau này, tránh lặp phải những vướng mắc hiện nay.

Thế nhưng, khi xét đến kiến nghị tiếp theo (hạn chế phát triển nhà ở riêng lẻ) thì mới thấy kiến nghị thứ nhất vừa bất cập, lại vừa mâu thuẫn với kiến nghị thứ hai.

Bởi lẽ, nếu Nhà nước hạn chế phát triển nhà riêng lẻ cũng đồng nghĩa với việc khuyến khích nhà ở chung cư căn hộ. Thế nhưng, trong khi nhà ở riêng lẻ đang được sở hữu vĩnh viễn thì không ai dại gì lại thích ở trong căn hộ chung cư trị giá hàng tỉ đồng, nhưng giống như đi ở thuê (vì sở hữu có thời hạn).

Điều này cũng đồng nghĩa với việc sẽ khó mà phát triển được nhà ở chung cư, các dự án tập trung.

Chia sẻ về những kiến nghị của bộ Xây dựng nêu trên, lãnh đạo một doanh nghiệp bất động sản cho rằng, nếu những kiến nghị này được Thủ tướng chấp thuận, chắc chắn sẽ ảnh hưởng rõ rệt đến quá trình đầu tư dự án chung cư của nhiều doanh nghiệp địa ốc.

“Sở hữu chung cư hiện nay đang là vĩnh viễn, nhưng khách hàng vẫn còn dè dặt vì những vấn đề liên quan đến quản lý, các vấn đề sở hữu chung – riêng... Nếu sắp tới mà còn không cho họ quyền sở hữu trọn vẹn thì chắc chắn họ lại quay sang tìm mua đất xây nhà, dù nó có nhỏ hay ở xa trung tâm đi chăng nữa”, ông nói.

Đừng chỉ vì vướng mắc một số vấn đề trong quá trình quản lý, triển khai một số chương trình mà cơ quan quản lý vô tình tự làm khó mình và khó cho cả doanh nghiệp.

(Theo SGTT)

  • 0
  • By Admin
  • 10/01/2011
  • 17