Chuyên gia lạc quan về thị trường BĐS thời gian tới
Mặc dù chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế, nhưng thị trường BĐS năm 2011sẽ tiếp tục đà phục hồi và không có biến động lớn so với năm 2010.Theo phân tích của các chuyên gia, thị trường BĐS đang tiếp tục được thụ hưởng kết quả của các chính sách chống suy giảm kinh tế, kích thích tăng trưởng. Đặc biệt, một số cơ chế, chính sách nhằm đẩy mạnh đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, cho học sinh, sinh viên, CNLĐ tại KCN, nhà cho người thu nhập thấp, hỗ trợ hộ nghèo nông thôn xây dựng nhà ở... đã được triển khai mạnh mẽ trong những năm qua, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án nhà ở xã hội, tạo thêm nhiều nguồn cung cho thị trường, góp phần thúc đẩy thị trường BĐS phát triển.
Việc ban hành NĐ 71 trong năm 2010 kèm theo các thông tư hướng dẫn đã tháo gỡ, tạo sự thông thoáng hơn trong quy trình, thủ tục thực hiện các dự án đầu tư BĐS. Cụ thể, vấn đề khó khăn nhất đối với các chủ đầu tư về huy động vốn khi triển khai các dự án đã được giải quyết bằng việc cho phép các chủ đầu tư được huy động vốn sớm (tổ chức và cá nhân góp vốn được phân chia sản phẩm là nhà ở với số lượng tối đa 20% tổng số nhà dự án, không phải thông qua sàn). Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho các DN huy động vốn để thực hiện dự án... Việc cho phép người dân được cấp giấy chứng nhận đối với quyền sở hữu căn hộ có diện tích nhỏ (tối thiểu 30m2) đã tạo tâm lý an tâm cho người dân khi mua bán những căn hộ do tư nhân đầu tư, phân khúc thị trường này cũng rất tiềm năng vì phù hợp với gia đình nhỏ, ít tiền không đủ điều kiện mua nhà trong dự án...
Bên cạnh đó, một loạt các chính sách về tài chính, đất đai và các loại thuế quan đã được ban hành theo hướng đơn giản hóa, tạo điều kiện hơn cho người dân và DN, tác động tích cực đối với sự phát triển của thị trường BĐS. Mặc dù được nhận định là năm 2011 thị trường BĐS vẫn phụ thuộc nhiều vào chính sách tiền tệ, khả năng nguồn vốn vay từ các ngân hàng cho các dự án BĐS khó khăn, lãi suất cao, tuy nhiên Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cũng như nhiều ý kiến khác lại cho rằng thị trường BĐS không vì thế mà bị ảnh hưởng nhiều. Ông Nam khẳng định: Dòng tiền từ ngân hàng rõ ràng sẽ giảm, song nguồn tiền ở trong dân vẫn còn. Khi các địa chỉ đầu tư khác không an toàn, người dân sẽ đổ tiền vào BĐS. Số này có bằng luồng giảm đi của ngân hàng hay không thì chưa xác định được nhưng cũng không thể nói là ít. Thực tế là thị trường có ấm lên, giá đã biến động. Khi siết tín dụng, thị trường sẽ nguội nhưng cũng giảm chậm hơn các ngành khác. Hơn nữa, khi dự án đã xong móng thì dòng tiền huy động chủ yếu lại từ người dân chứ không phải từ tín dụng. Trước mắt, thị trường vẫn hoạt động bình thường.
Đặc biệt, thị trường năm 2011 được dự báo còn ổn định hơn do nguồn cung tăng lên. Theo thống kê chưa đầy đủ, trên cả nước hiện có khoảng 2.500 dự án đang được triển khai và hàng trăm dự án được khởi công mới, nhiều dự án hoàn thành hạ tầng kỹ thuật, đủ điều kiện để bán ra thị trường. Trong đó Hà Nội có khoảng 800 dự án (gần 75.200 ha), TP.HCM có 1.400 dự án (4.500 ha), Hải Phòng có 260 dự án (2.600 ha), Đà Nẵng có 120 dự án (2.300 ha)...
Tại Hà Nội, nhiều dự án KĐT, nhà ở trong năm 2010 phải tạm dừng chờ quy hoạch thì sẽ tiếp tục được triển khai do Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô sẽ được phê duyệt. Hạ tầng giao thông được kết nối giữa đô thị trung tâm và các khu vực phụ cận cũng là điều kiện tốt để các dự án đã triển khai sẽ được đưa vào sử dụng như khu vực Hoài Đức, Gia Lâm, Đông Anh. Quy hoạch ổn định, hạ tầng được kết nối, nhu cầu người dân sẽ thúc đẩy các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ các dự án, tăng nguồn cung cho thị trường.
Một trong những yếu tố nữa để người dân đặt niềm tin vào sự phát triển của thị trường BĐS đó là cơ cấu hàng hóa của thị trường BĐS cũng có sự thay đổi. Thị trường nhà cao cấp sẽ bão hòa, nhà ở giá trung bình sẽ phát triển mạnh hơn. Do những BĐS cao cấp có giá quá cao vượt khả năng chi trả của đa số người dân và việc kinh doanh mua đi bán lại những căn hộ cao cấp không đem lại lợi ích nhiều cho nhà đầu tư nên các nhà đầu tư đã chuyển hướng vào phân khúc thị trường nhà ở có mức giá trung bình, diện tích nhỏ để đáp ứng nhu cầu thật của thị trường, tăng tính thanh khoản của nguồn vốn đầu tư...
Thời điểm hiện nay, thị trường BĐS cũng đang chịu ảnh hưởng của “cơn bão giá”, các yếu tố đầu vào cơ bản như giá điện, xi măng, thép, xây dựng cũng tăng lên. Các khoản tăng giá này sẽ tính vào giá thành các công trình xây dựng, đẩy giá nhà sẽ lên, có thể là 5-10%. Nhưng quan trọng là người dân vẫn mua, bán, vẫn có thị trường giao dịch. Như vậy vẫn coi là sự ổn định...
(Theo Công Thương)
- 0
- By Admin
- 18/03/2011
- 17