• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp: Bài toán cần có lời giải

Khi "bờ xôi, ruộng mật" ít đi

 

Cụm công nghiệp Thanh Oai, vài năm trước, vốn là đất nông nghiệp. Ảnh: Thái Hiền

Một trong những địa phương điển hình về đất nông nghiệp bị chuyển đổi, phục vụ cho phát triển công nghiệp là tỉnh Hưng Yên. Tỉnh này đã quy hoạch tới 20 KCN tập trung, sử dụng 6.155ha đất vào năm 2015 và 9.305ha năm 2020. Tại tỉnh Hải Dương, chỉ riêng huyện Bình Giang đã thu hút được 52 dự án, với tổng diện tích gần 830.000m2. Hay ở tỉnh Bắc Ninh, sau 10 năm "trải thảm đỏ" gọi các nhà đầu tư, đã "xén" đi 3.000ha đất nông nghiệp. Ngay tại Hà Nội, bình quân mỗi năm thu hồi hơn 1.000ha đất, trong đó có 80% là đất nông nghiệp, để phục vụ phát triển KCN, KĐT mới... Năm 2008, Hà Nội đã thu hồi 1.500ha, trong đó 904ha đất hai vụ lúa. Trong đề án phát triển nông nghiệp đến năm 2020 của  tỉnh An Giang, tuy đã xác định hạn chế lấy đất nông nghiệp để phát triển công nghiệp, đô thị, vậy mà đến năm 2010 số diện tích ruộng đất dành cho những mục đích này cũng đến 17.740ha, đến năm 2020 diện tích đất nông nghiệp của tỉnh này sẽ giảm còn 31.154ha...

 

PGS-TS Nguyễn Trí Hoàn, Viện Cây lương thực và cây thực phẩm (Bộ NN&PTNT) cho rằng, trước xu thế ồ ạt "gọi" các thành phần kinh tế để đầu tư của một số địa phương hiện nay, gần 4 triệu héc-ta đất trồng lúa sẽ khó mà giữ được nếu Chính phủ không có những biện pháp mạnh. Các địa phương thấy trồng lúa không hiệu quả nên đổ xô sang công nghiệp. Nguy hại ở chỗ là KCN thường chọn những vị trí tiện lợi, nhất là những vùng ven đường lớn, bất chấp đất trồng lúa màu mỡ. Đất đã thu hồi làm công nghiệp muốn quay lại trồng lúa không được nữa. Bởi, để có được những mảnh ruộng màu mỡ cho thâm canh lúa, phải tiến hành hàng loạt biện pháp thổ nhưỡng, nhằm cải tạo, làm giàu dinh dưỡng cho đất, mất không ít thời gian, công sức và tiền bạc...

 

Cần sớm có lời giải

 

Kết quả cho thấy, việc dùng đất nông nghiệp để làm công nghiệp sẽ mang lại lợi nhuận nhiều hơn là điều không thể phủ nhận. Nhưng nước ta vốn là nước nông nghiệp, hơn 90% dân số quanh năm sống bằng nghề nông. Vì vậy, thu hồi đất nông nghiệp ồ ạt như hiện nay, trong đó có nhiều vùng đất trồng lúa thâm canh, không chỉ khiến an ninh lương thực bị đe dọa, mà còn đẩy người nông dân vào thế bị động, mất việc làm, mất kế sinh nhai… dễ gây hậu quả xấu về mặt xã hội. Do đó, để bảo đảm giữ diện tích trồng lúa của cả nước ở mức 3,8 đến 4 triệu héc-ta trong thời gian tới, các địa phương phải cân nhắc, chỉ chuyển đổi mục đích sử dụng trên những diện tích đất cằn cỗi, đất trồng lúa năng suất thấp.

 

Ngành chức năng đã từng cảnh báo, việc mất an ninh lương thực quốc gia có thể xảy ra nếu mức độ trưng dụng và chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa cứ diễn ra ồ ạt như những năm qua. Bên cạnh đó, phải thấy rằng dù có giữ ổn định được diện tích đất trồng lúa thì với quy mô và tốc độ tăng dân số như hiện nay, muốn bảo đảm an ninh lương thực còn phải có biện pháp để tăng năng suất, sản lượng lúa. Muốn vậy phải tích cực đầu tư cải tạo giống lúa, tạo ra giống mới cho năng suất cao và bố trí sản xuất hợp lý, nâng cao trình độ thâm canh; đẩy mạnh công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn. Chủ trương "dồn điền, đổi thửa" là tiền đề thúc đẩy tích tụ ruộng đất, thực hiện mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa với quy mô lớn, cần được nhân rộng.

 

Rõ ràng, muốn phát triển kinh tế phải đẩy mạnh phát triển công nghiệp. Để phát triển công nghiệp việc thu hồi đất nông nghiệp là điều không thể tránh khỏi. Nhưng thu hồi đất nông nghiệp, sử dụng đất thu hồi thế nào cho hiệu quả thì chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân ra sao… cần được chỉ đạo và thực hiện quyết liệt. Chủ trương, giải pháp về vấn đề này đã bàn thảo nhiều, nhưng chuyển hóa vào cuộc sống ra sao là bài toán cần sớm có lời giải.

 

Nguyễn Thị Hải Hà

Giảng viên Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong

  • 0
  • By Admin
  • 30/03/2009
  • 17