Chuyện đền bù tại mảnh đất "vàng" trung tâm Hà Nội
Trong khi giá đất ở các khu phố cổ Hà Nội lên đến hàng trăm triệu đồng/m2 thì tại góc phố Hàng Bài, Hai Bà Trưng, thuộc quận Hoàn Kiếm, có tới hơn 4.000m2 đất đã "đắp chiếu" hơn 6 năm nay, lãng phí tài sản rất lớn. Sở dĩ có chuyện ngược đời như vậy, vì đã có sự "lình xình" giữa chủ đầu tư với một số hộ dân đang sinh sống tại đây.Chủ đầu tư thực hiện dự án tại "khu đất nghìn tỷ" gần Hồ Gươm thì nói "đền bù 1 tỷ đồng/m2, nhưng dân không đồng ý". Ngược lại, người dân “tố” rằng "chủ đầu tư không thực sự thiện chí đền bù".
Hàng nghìn mét vuông đất ở ngã tư Hàng Bài - Hai Bà Trưng (trong dự án) bị bỏ hoang gây lãng phí. |
Dự án của TP Hà Nội cách đây hơn 6 năm...
Dự án trên được UBND TP Hà Nội ký Quyết định số 7774/QĐ-UB ngày 17/11/2004, theo đó thu hồi 4.072,9m2 đất tại số 22-24 phố Hàng Bài và 25+27 phố Hai Bà Trưng giao cho Công ty Kinh doanh nhà thuê để xây dựng Trung tâm thương mại văn phòng và nhà tái định cư tại chỗ. Qua một số lần điều chỉnh đến nay, chủ đầu tư được xác định là Công ty cổ phần Thời đại mới T&T.Trong tổng số hơn 4.000m2 đất trên, thì Xí nghiệp Nhựa Hà Nội chiếm 3.776m2 (đã di dời, bàn giao mặt bằng), số còn lại là 296,9m2 đất do 17 chủ sử dụng đất là các hộ gia đình và 1 tổ chức sinh sống, kinh doanh. Đến nay, đã có 15/17 chủ sử dụng đất bàn giao mặt bằng, còn lại 2 chủ sử dụng đất (gồm 5 hộ gia đình) tại phường Hàng Bài chưa chấp nhận phương án đền bù của chủ đầu tư gồm: hộ gia đình cụ Hoàng Đình Trung và vợ là Nguyễn Thị Hoán (gia đình có 4 hộ khẩu) và gia đình ông Hoàng Quốc Cường).
Cũng trong thời gian hơn 6 năm qua, gia đình cụ Trung đã có nhiều đơn từ gửi đến các cơ quan có thẩm quyền đề nghị xem xét lại dự án, không đồng ý với việc đền bù mà chủ đầu tư đưa ra. UBND TP Hà Nội, UBND quận Hoàn Kiếm, Hội đồng Giải phóng mặt bằng cũng đã có nhiều cuộc họp, văn bản trả lời cụ Trung và gia đình, khẳng định việc dự án đúng quy định của pháp luật, đúng chủ trương của thành phố và nguyện vọng của nhân dân, đồng thời đề nghị gia đình cụ Trung hợp tác trong việc nhận tiền đền bù, bàn giao mặt bằng.
Sau nhiều lần thỏa thuận giữa chủ đầu tư được giao đất và các hộ dân không thành, ngày 2/3/2011, UBND quận Hoàn Kiếm đã ra Quyết định số 424 và 425 áp dụng biện pháp cưỡng chế để thi hành quyết định thu hồi đất đối với hộ gia đình cụ Hoàng Đình Trung và hộ gia đình ông Hoàng Quốc Cường.
Theo văn bản, UBND quận Hoàn Kiếm bố trí các hộ trên tái định cư tại khu nhà tạm cư Thanh Lương, tổng tiền đền bù (không kể căn hộ tái định cư) là 5,1 tỷ đồng; cũng theo các quyết định trên thì UBND quận Hoàn Kiếm sẽ cưỡng chế, thu hồi diện tích đất các hộ đang ở nếu sau 15 ngày các hộ không chấp hành
Vẫn các ý kiến trái chiều
Về phía nhà đầu tư, ông Trần Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thời đại mới T&T cho biết: “Chúng tôi đã nhiều lần gặp gỡ gia đình để thỏa thuận phương án đền bù nhưng đều không đạt được kết quả. Phương án Công ty đưa ra là diện tích đất tầng 1, phía ngoài mặt đường là 500 triệu đồng/m2 và diện tích tầng 1 bên trong không có nóc là 300 triệu đồng/m2; trên tầng 2 là 250 triệu đồng/m2. Mức giá này cao hơn 10% so với các hộ dân có cùng diện tích tại tầng 2 cùng số nhà đã di chuyển. Ngoài ra, chúng tôi còn đề nghị tặng thêm cho cụ Hoàng Đình Trung là người có công với cách mạng và thuộc diện gia đình chính sách một sổ tiết kiệm là 500 triệu đồng. Tổng mức bồi thường mà công ty đưa ra cho toàn bộ diện tích trên là 49 tỷ đồng. Tuy nhiên, gia đình vẫn không đồng ý”.Theo ông Sơn: Mới đây nhất, trước khi quyết định cưỡng chế có hiệu lực, một lần nữa, tôi đã đề nghị được gặp gỡ, thương lượng với các thành viên trong gia đình cụ Trung. Tại cuộc gặp gỡ này, tôi đã đề nghị bồi thường các gia đình với tổng số tiền là 60 tỷ đồng. Tuy nhiên, phía gia đình đưa ra mức đền bù là 67 tỷ đồng cho diện tích 142,16m2 cả tầng 1 và tầng 2 gồm có sổ đỏ và không có sổ đỏ. Mức giá này quá cao và vô lí, chúng tôi không thể chấp nhận được. Khi đưa ra mức giá này bản thân phía gia đình cũng không thể đưa ra các dẫn chứng cụ thể để so sánh các giao dịch thành công trên địa bàn quận Hoàn Kiếm có mức giá như trên.
Được ủy quyền là đại diện của chủ sử dụng đất, ông Hoàng Quốc Định, con trai cụ Hoàng Đình Trung cho rằng, dự án có những khuất tất, nếu thành phố cứ bàn giao đất cho Công ty cổ phần Thời đại mới T&T thì Nhà nước sẽ thiệt hại rất lớn.
Dẫn chứng cho nhận định của mình, ông Định cho biết: Theo Quyết định 7774 của UBND thành phố Hà Nội thì hơn 4.000m2 đất của dự án được giao cho Công ty Kinh doanh xây dựng nhà (thuộc Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội), đây là doanh nghiệp nhà nước. Sau đó, Công ty trên thực hiện cổ phần hóa, đổi tên thành Công ty cổ phần Kinh doanh và Xây dựng nhà.
Đến thời điểm này, đơn vị triển khai thực hiện dự án là Công ty cổ phần Thời đại mới T&T. Công ty này có đến 96% là vốn của các thể nhân và pháp nhân khác, trong khi đó Công ty cổ phần Kinh doanh và Xây dựng Nhà chỉ có 4% vốn.
Theo ông trong trường hợp này thì Nhà nước không áp dụng việc thu hồi đất để thực hiện các dự án không thuộc nhóm A (an ninh, quốc phòng, công cộng...) thì nhà đầu tư phải thỏa thuận đền bù giải phóng mặt bằng với dân. Về vấn đề giá cả, ông Định cũng cho rằng, chủ đầu tư chỉ đưa ra mức gần 49 tỷ, còn mức 60 tỷ là "chỉ nói miệng" không có văn bản, không có giá trị.
Mỗi bên đều có lí để giải thích cho việc làm của mình và sự việc cứ kéo dài. Thế nhưng việc mảnh đất "vàng" ngay giữa trung tâm Hà Nội bị đắp chiếu nhiều năm trời là sự lãng phí vô cùng lớn mà ai cũng thấy.
(Theo CAND)
- 0
- By Admin
- 25/03/2011
- 17