• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Chuyển đất nông nghiệp xen kẹt thành đất ở tại Hà Nội: Quan thờ ơ, dân dài cổ

Chuyển đất nông nghiệp xen kẹt thành đất ở tại Hà Nội: Quan thờ ơ, dân dài cổ
Nhà xây dựng trên đất nông nghiệp xen kẹt nhưng chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng

Quyết định 46 ngày 14-7-2008 của UBNDTP Hà Nội, cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp xen kẹt trong khu dân cư, đất vườn ao thành đất ở, đất sản xuất, kinh doanh.

Theo quyết định, đất vườn ao trong thửa đất có nhà ở trong khu dân cư (chưa được công nhận là đất ở), đất nông nghiệp nằm xen kẽ trong khu dân cư là đất nằm trong phạm vi khu dân cư đã được xác định ranh giới theo quy hoạch, hoặc theo hiện trạng của thửa đất có nhà ở ngoài cùng của khu dân cư, được chuyển mục đích sử dụng.

Đã hơn một năm quyết định có hiệu lực, nhưng khi hỏi kết quả triển khai việc thực hiện quyết định 46, lãnh đạo các quận, huyện đều lắc đầu cho biết chưa triển khai gì. Tây Hồ, quận khá nóng về việc dân tự phát xây dựng trên đất vườn ao, đất nông nghiệp xen kẹt cũng chưa làm được gì!

Một lãnh đạo Phòng TN&MT quận Tây Hồ dửng dưng, “Thành phố chưa có hướng dẫn cụ thể, vẫn cứ phải chờ thôi”. “Quận hai lần có công văn gửi sở TN&MT đề nghị hướng dẫn thực hiện, nhưng không thấy Sở trả lời” – Lãnh đạo Phòng TN&MT quận Tây Hồ cho biết.

Hỏi có bao nhiêu hộ đã được chuyển mục đích sử dụng đất theo quyết định của Thành phố, lãnh đạo Sở TN&MT Hà Nội cũng bó tay vì “chưa có báo cáo gì”. “Quyết định 46 ban hành có hiệu lực ngay. Sở chỉ phải hướng dẫn khi có vướng mắc, kiến nghị thôi. Bám vào chỗ này, những nơi không muốn thực hiện sẽ từ chối nhận hồ sơ của dân!”- Vị lãnh đạo này nói.

Dân chờ đến bao giờ?

Đẩy mạnh chuyển đổi đất xen kẹt, Thành phố Hà Nội vừa thông qua chủ trương sửa quyết định 46, áp dụng rộng rãi trên địa bàn Hà Nội mở rộng. Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội Vũ Văn Hậu cho biết, các điều kiện sẽ khả thi hơn và có thể thực hiện ngay, không phải chờ hướng dẫn.

Tuy nhiên, theo một số văn phòng đăng ký đất và nhà, quy định mới vẫn khó vào cuộc sống. Ví như, phải có thỏa thuận về quy hoạch, cốt nền, hướng thoát nước, báo cáo kế hoạch sử dụng đất của địa phương trình Thành phố phê duyệt!

“Hà Nội có bao nhiêu quận, huyện có quy hoạch sử dụng đất đến từng ngõ xóm? Người xin chuyển đổi phải là chính chủ, nếu nhận chuyển nhượng phải là hộ làm nông nghiệp. Rồi phải nộp hàng trăm thậm chí cả tỷ đồng tiền sử dụng đất cho một thửa đất khoảng 100m2!”- một vị Giám đốc Văn phòng đăng ký đất và nhà phân tích.

Lãnh đạo Thành phố cho biết, tình hình vi phạm trật tư xây dựng, đất đai vùng ven đô, đặc biệt vùng giáp ranh giữa các quận, huyện gia tăng: khu vực vành đai 3 quận Thanh Xuân, Thanh Trì... có hàng trăm trường hợp xây nhà không phép trên đất nông nghiệp xen kẹt. “Nếu làm tốt QĐ 46, người dân sẽ không phải vi phạm nhiều như vậy, thành phố cũng không mất nhiều công sức để xử lý!”- một cán bộ ngành quản lý đất đai nói.

 Theo TP

  • 0
  • By Admin
  • 03/12/2009
  • 17