Chung cư tư nhân: Tìm mọi cách “lách luật”
Biến nhà ở thành chung cư
Điều 43, Nghị định số 71/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở nêu rõ: “Hộ gia đình, cá nhân xây dựng nhà ở tại đô thị từ 2 tầng trở lên, tại mỗi tầng có ít nhất 2 căn hộ trở lên và mỗi căn hộ được thiết kế, xây dựng theo kiểu khép kín (có phòng ở riêng, khu bếp riêng, nhà vệ sinh, nhà tắm riêng) thì diện tích sàn xây dựng mỗi căn hộ tối thiểu là 30m2 và phải đáp ứng các quy định về nhà chung cư theo quy định”.Đối chiếu Nghị định này với thực tế quá trình phát triển chung cư tư nhân hiện nay trên địa bàn Hà Nội, không khó để nhận ra, phần lớn các chung cư tư nhân đã xây dựng không đáp ứng tiêu chuẩn về nhà chung cư, đặc biệt trong công tác PCCC. Một cán bộ chuyên thẩm duyệt hồ sơ PCCC, thuộc Phòng Cảnh sát PCCC - CATP Hà Nội khẳng định: Sau khi Nghị định 71/2010/NĐ-CP ban hành, chúng tôi chưa nhận được bộ hồ sơ thẩm duyệt PCCC chung cư tư nhân nào, lác đác chỉ có một vài bộ hồ sơ thẩm duyệt PCCC nhà ở gia đình cao trên 7 tầng.
Theo cán bộ này, Luật PCCC quy định rất rõ: nhà ở tập thể, chung cư cao từ 5 tầng trở lên phải thẩm duyệt an toàn PCCC. Nhà phải đảm bảo có cầu thang thoát nạn trong trường hợp khẩn cấp, đèn chiếu sáng sự cố, đèn hướng dẫn thoát nạn và được lắp đặt hệ thống chữa cháy vách tường, bình bọt chữa cháy… Người dân sống và làm việc trong chung cư phải được tập huấn về công tác PCCC.
Thực tế trên khiến nhiều người đặt câu hỏi: Vì sao các chung cư tư nhân không qua thẩm duyệt PCCC vẫn được cấp phép xây dựng, hoàn thành và chào bán trên thị trường? Đem những thắc mắc này đến Phòng Cảnh sát PCCC - CATP Hà Nội, chúng tôi được một cán bộ trong đơn vị giải đáp: Rất nhiều cá nhân có đất, chủ đầu tư xây dựng chung cư để bán… song chỉ xin cơ quan có thẩm quyền giấy phép xây dựng nhà ở gia đình. “Thủ thuật” trên giúp chủ đầu tư tránh được việc phải thẩm duyệt PCCC của tòa nhà, dễ dàng xin cấp phép hơn.
Phần thiệt thuộc về người dân
Theo khảo sát của chúng tôi, hầu hết các chung cư tư nhân ở Hà Nội hiện không có ban quản lý tòa nhà. Điều này đồng nghĩa với việc, trong quá trình sử dụng, hạ tầng chung cư có xuống cấp, hư hỏng sẽ không có nguồn kinh phí duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa. Nghiêm trọng hơn, khi không may cháy nổ xảy ra, gây thiệt hại về người và tải sản, sẽ không có ai đứng ra chịu trách nhiệm về các vi phạm an toàn PCCC tại tòa nhà.Quá trình khảo sát, thực hiện bài viết này, chúng tôi đã cố gắng liên lạc điện thoại với một số chủ đầu tư chung cư tư nhân, để tìm hiểu thực tế việc xin giấy phép xây dựng của họ, cũng như việc chấp hành quy định PCCC, song số điện thoại “ban quản lý” chung cư nhà mà người dân cung cấp, thực chất là số điện thoại của các văn phòng môi giới bất động sản. Theo nhân viên các văn phòng này, họ chỉ là người đứng ra làm trung gian môi giới bán nhà cho chủ đầu tư và hiện không còn liên quan gì đến các chung cư đã bán. Việc bảo hành, bảo trì những chung cư này không thuộc trách nhiệm của họ.
Ngoài việc thấp thỏm lo hỏa hoạn, người dân sống trong chung cư tư nhân cũng đang phải đối mặt với những phức tạp phát sinh. Theo Thiếu tá Phạm Huy Quảng - CSKV CAP Thành Công, quận Ba Đình: Việc hàng chục, thậm chí cả trăm con người cùng sống trên một diện tích đất có hạn, trong ngõ nhỏ, khiến điều kiện sống của người dân không được đảm bảo, kèm theo những tiềm ẩn gây mất ANTT địa bàn.
Chung cư tư nhân ngõ 42 Thành Công là ví dụ điển hình - Thiếu tá Quảng cho biết: Khu vực sử dụng chung của tòa nhà khá chật chội, lối ra vào không đủ cho các hộ dân ở đây để xe máy nên người dân để xe tràn ra cả ngõ. Không có ban quản lý chung cư, không có lực lượng bảo vệ chuyên trách, kẻ gian đã từng “ghé thăm” chung cư này và lấy đi một số tài sản giá trị...
Không thể phủ nhận, chung cư tư nhân hiện là giải pháp hiệu quả giải quyết nhu cầu về nhà ở cho những người dân thu nhập thấp tại Hà Nội. Song, việc để các chung cư này phát triển tự phát, thiếu quản lý, giám sát… của các cơ quan, đơn vị chức năng như hiện nay, có thể khiến loại hình nhà ở này phát sinh những hệ lụy đáng tiếc, trước mắt là công tác PCCC.
(Theo ANTĐ)
- 0
- By Admin
- 22/04/2011
- 17