• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Chung cư tư nhân: Lúng túng trong quản lý

Dưới đây là cuộc trao đổi với Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, ông Nguyễn Khắc Thọ:

Tới thời điểm hiện tại, Sở Xây dựng đã thụ lý hồ sơ xin cấp phép nào của chủ chung cư tư nhân chưa?

 Chúng tôi chưa nhận được hồ sơ nào như vậy. Việc cấp phép xây dựng cho diện nhà ở này tới nay cũng chưa có hướng dẫn cụ thể. Tuy vậy, quan điểm của Sở Xây dựng là nếu như công trình có vốn đầu tư trên 15 tỷ đồng thì phải lập dự án, được sự chấp thuận của các cấp có thẩm quyền. Tùy từng trường hợp, vị trí và quy mô của công trình, chủ đầu tư còn phải có thỏa thuận về quy hoạch kiến trúc mới được cấp phép xây dựng.

Chung cư tư nhân thường xây dựng trong ngõ, ngách rất sâu, liệu việc chất tải thêm lên một khu vực vốn đã quá tải có thể chấp nhận?

Cứ xây dựng bừa bãi trong ngõ, ngách như thế, nước không đủ, điện chập chờn, đường sá chật chội, phải len lỏi mới đi vào nhà được thì chất lượng, điều kiện sống sẽ ngày càng thấp. Chung cư tư nhân cũng là một mô hình phát triển nhà ở mới, nhằm giải quyết nhu cầu ở cho những người dân đô thị ít tiền hoặc có thu nhập trung bình hoặc những hộ gia đình nhỏ, ít người, độc thân... Để đáp ứng nhu cầu của xã hội nên mô hình này mới “sống” được. Tuy nhiên, quan tâm lớn nhất của các cơ quan chức năng hiện nay chính là vấn đề hạ tầng, phải kết nối như thế nào để người vào sống ổn định được. Bây giờ, một cái ngõ bé tý, rộng chưa tới 2m, căn nhà 5 tầng 80m2 giờ nhồi nhét thêm 6-7 gia đình vào thì sẽ ảnh hưởng tới chất lượng sống.

Liệu thành phố có xây dựng quy định riêng về cấp phép xây dựng cho dạng nhà này không?

Nếu có hướng dẫn, việc cấp phép cho chung cư tư nhân sẽ giống các loại công trình khác, không có gì phức tạp nếu chủ đầu tư đủ giấy tờ hợp pháp.

Còn việc cấp “sổ đỏ” cho căn hộ chung cư tư nhân thì sao, thưa ông?

Việc này cũng không quá phức tạp. Theo quy định, muốn được cấp giấy chứng nhận, tòa nhà phải được cấp phép xây dựng. Nhà quy mô nhỏ, dưới 6 tầng, tùy vị trí, UBND quận, huyện hoặc Sở Xây dựng sẽ xem xét cấp phép xây dựng. Nếu công trình từ 9 tầng trở lên, phải có thêm thỏa thuận về quy hoạch.

Nhà ở cải tạo lại thành chung cư tư nhân có cần phải xin phép không, thưa ông?

Nếu chỉ là cải tạo nội thất bên trong công trình và không làm ảnh hưởng tới kết cấu tòa nhà thì chỉ cần báo cáo chính quyền phường, chứ không phải xin phép. Đó có thể xem là một cách “né” cơ quan chức năng của chủ nhà.

Dựa trên quan điểm cá nhân, theo ông, có nên phát triển chung cư tư nhân?

Theo tôi, không nên khuyến khích xây dựng nhiều chung cư tư nhân. Bởi trong quá trình xây dựng, hầu hết các tòa nhà không đáp ứng được yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật cũng như xã hội. Không chỉ thiếu điện, nước hay đi lại khó khăn, những người cư trú ở chung cư tư nhân rồi cũng phải đi chợ, thư giãn, hay khám chữa bệnh, học hành. Điều đó không thể tránh được và như thế sẽ tạo thêm sức ép rất lớn cho hệ thống trường học, bệnh viện... Tiếp đó, những yêu cầu quan trọng khác như phòng cháy, chữa cháy cũng không đáp ứng nổi. Ngoài ra, thiết kế căn hộ chung cư tư nhân thường ở cấp thấp. Căn hộ manh mún có diện tích rất nhỏ, dưới 40m2, chỉ giải quyết nhu cầu trước mắt chứ không phải lâu dài cho cư dân đô thị. Để đáp ứng nhu cầu nhà ở cho các đối tượng đang hướng tới chung cư tư nhân, cần tập trung phát triển nhanh nhà ở xã hội, nhà dành cho người thu nhập thấp nhằm bù đắp cho sự thiếu hụt nhà ở hiện nay tại các đô thị lớn như Hà Nội...    
         
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Vũ Văn Hậu:

Cấp “sổ đỏ” cho nhà kinh doanh còn lòng vòng

“Thẩm quyền cấp GCN quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản trên đất đối với từng hộ gia đình đã được thành phố phân cấp cho UBND quận, huyện. Đối với chung cư mini, nếu đất có giấy chứng nhận, được giao đúng thẩm quyền và đã có giấy phép xây dựng thì cấp GCN cho dân bình thường.  Nếu người dân tự xây dựng nhà, có đầy đủ giấy tờ hợp pháp thì quận, huyện thụ lý hồ sơ và xem xét cấp GCN. Nếu là nhà ở kinh doanh, chủ đầu tư phải nộp chung hồ sơ mua nhà của các hộ dân tới Văn phòng đăng ký đất và nhà. Văn phòng này sẽ xem xét hồ sơ rồi chuyển về UBND quận, huyện ký GCN rồi lại chuyển về để văn phòng trả cho dân. Quy trình như vậy rất vòng vo, mất thời gian. Do đó, chúng tôi đã có văn bản báo cáo Bộ TN-MT đề xuất, báo cáo Chính phủ cho phép phân cấp cho quận, huyện trực tiếp thụ lý hồ sơ, không thông qua văn phòng nữa. Hiện nay, Bộ TN-MT đang kiểm tra xem có vướng mắc gì nữa không, số trường hợp phải xử lý là bao nhiêu... rồi mới xem xét trình Chính phủ tháo gỡ”.                            

(Theo ANTĐ)

  • 0
  • By Admin
  • 25/04/2011
  • 17