• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Chung cư mini: Kiếm bộn tiền nhưng vẫn mắc luật

Chung cư mini: Kiếm bộn tiền nhưng vẫn mắc luật | ảnh 1
Đường vào một nhà chung cư mini tại Đông Ngạc, Từ Liêm, Hà Nội.

Cung không đủ cầu

Ông Nguyễn Bá Toàn, chủ nhân chung cư mini 5 tầng trên đường An Dương Vương (Tây Hồ, Hà Nội) đến với nghề kinh doanh chung cư mini khá tình cờ: “Nhà tôi có 200m2, cách đây 2 năm, tôi cắt ra hơn 100m2 để xây căn nhà 5 tầng, với 13 phòng, mục đích là để cho thuê. Nhưng khi các hộ gia đình nhỏ đến thuê được một thời gian, họ có con nhỏ nên có nhu cầu mua lại để yên tâm chăm sóc gia đình nhỏ của mình. Thấy họ trả giá hợp lý, tôi bán luôn”.

Sau khi bán hết cả căn nhà 5 tầng, ông Toàn thấy lợi nhuận làm chung cư mini khá cao, ông tiếp tục đầu tư, xây dựng trên phần đất của bên nội, ngoại gần đó làm chung cư mini.

“Chả ai dạy tôi buôn bán BĐS là thế nào, vốn thì huy động của anh em trong gia đình, xây lên không bán được thì cho thuê, chẳng thiệt đi đâu. Nhưng cứ xây căn nào bán hết veo căn đó, rồi mình trở thành ông chủ BĐS lúc nào chả biết. Nhưng về căn bản là căn hộ tôi xây giá rẻ nên mới có nhiều người hỏi mua đến vậy” - ông Toàn cho biết.

Vốn là dân kinh tế, ngay từ khi bước chân vào lĩnh vực BĐS, ông Nguyễn Đình Tùng - Giám đốc Cty TNHH BĐS và Dịch vụ địa chính Hà Nội (Hanoiland) đã tính toán tìm hiểu thị trường, chọn cho mình phân khúc chung cư mini.

Ông chia sẻ: “Tôi chỉ tính đơn giản, ở Hà Nội có 100 trường đại học, mỗi trường có 1.000 sinh viên thì mỗi năm có 100.000 sinh viên ra trường. Trong số đó chỉ cần 10% ở lại Hà Nội thì số người có nhu cầu mua nhà mỗi năm cũng lên tới hàng nghìn, chưa kể nhiều người ở những khóa trên nữa nhưng chưa mua được nhà”.

Từ nhận định đó, cộng với việc tính toán giá thành, một căn chung cư mini, diện tích từ 30 đến 45m2, giá chỉ dao động từ 600 đến 900 triệu đồng.

“Với số tiền đó, người ta không thể mua được căn chung cư nào, kể cả chung cư cũ trong nội thành... Nên tôi quyết định đầu tư lĩnh vực chung cư mini, làm xong cái nào bán hết veo cái đó”, ông Tùng nói.

Ông Khổng Hoài Nam-Giám đốc Top Group VN tâm sự: “Nếu thu nhập của 2 vợ chồng trẻ ở Hà Nội là 10 triệu/tháng, mỗi tháng để dành ra 2 triệu thì một năm được 24 triệu thì cũng phải mất 50 năm mới mua nổi nhà Hà Nội. Chỉ cần 2 vợ chồng tiết kiệm được 200 triệu rồi vay mượn thêm của bạn bè, gia đình một chút là có thể mua được một căn hộ chung cư mini. Người Việt Nam mình luôn quan niệm có an cư mới lạc nghiệp nên chỉ cần họ mua được căn hộ cho mình thì họ sẽ phấn đấu làm ăn để trả số tiền đã đi vay đó”.

Thu hồi vốn nhanh, lãi lớn

"Chung cư mini là loại nhà ở mới, mà hiện nay chưa có trường hợp nào được cấp sổ hồng (chứng nhận quyền sở hữu nhà ở), lại thêm các luồng dư luận nhiều chiều khiến các địa phương cũng thận trọng. Tuy nhiên sự thận trọng này là thiếu trách nhiệm với dân” - Nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT Đặng Hùng Võ
Ông Nguyễn Đình Tùng, cho biết: “Một dự án chung cư mini, chúng tôi thi công trong vòng 12 tháng, quy mô từ 5 - 7 tầng, diện tích từ 30 - 45m2/căn hộ. Khách hàng chỉ cần đầu năm đóng tiền là cuối năm có thể nhận nhà, không phải chờ đợi 2 - 3 năm như những dự án lớn”.

Theo ông Tùng, lợi nhuận từ kinh doanh chung cư mini không kém gì các dự án nhà chung cư thương mại bình thường. Trong khi hàng ra đến đâu bán hết đến đấy, kể cả lúc thị trường trầm lắng. Ông Tùng tính toán, ông mua mảnh đất có giá 10 tỷ, xây nhà 6 tầng, đươc 28 căn hộ. Tổng vốn đầu tư khoảng hơn 15 tỷ đồng.

Ước tính, mỗi căn hộ bán từ 800 triệu đồng (trừ 2 căn tầng 1 để xe), ông thu về khoảng 22 tỷ đồng. Chỉ riêng dự án này, Công ty ông Tùng lãi 7 tỷ đồng. Một năm chỉ cần đầu tư chục chung cư mini như vậy, ông Tùng kiếm được hàng chục tỷ đồng.

Còn ông Nam tự tin cho biết: “Thị trường BĐS ảm đạm không ảnh hưởng gì đến việc kinh doanh BĐS phân khúc chung cư mini của chúng tôi. Làm BĐS thì ai cũng phải vay ngân hàng nhưng chúng tôi kiểm soát được dòng vốn vay đó. Lợi nhuận các dự án chung cư mini đạt 30 – 40%, sau khi chúng tôi đã trừ hết các khoản. Mỗi tòa lãi từ 5-7 tỷ".

Mắc pháp luật

Nhiều khách hàng vẫn lo ngại tính pháp lý của chung cư mini khi Nghị định 71 ra đời vẫn chưa có căn hộ chung cư mini nào được cấp sổ hồng (chứng nhận quyền sử dụng nhà). Nhưng với các chủ đầu tư nghiệp dư cũng như chuyên nghiệp thì cho rằng, sổ hồng không phải là vấn đề lớn nhất bởi nhu cầu ở vẫn quan trọng hơn tất cả.

Bà Hoa-chủ các căn hộ chung cư mini trên đường Dịch Vọng Hậu (Cầu Giấy) bày tỏ: “Chúng tôi có sổ đỏ cho toàn bộ căn nhà, đất nhưng chưa thể làm sổ hồng cho từng căn hộ nhỏ. Lúc mua khách hàng cũng hỏi nhưng tôi bảo đảm bởi gia đình tôi ở ngay cạnh khu đó, nếu tôi làm ăn không uy tín và có dấu hiệu lừa đảo thì làm sao tôi dám ở liền ngay đấy”.

Chia sẻ vấn đề này, ông Tùng (Hanoiland) cho hay, sự tồn tại của chung cư mini tuy chưa được thừa nhận nhưng cũng không có văn bản nào cấm nó ra đời. Khi xây dựng chúng tôi vẫn chấp hành nghiêm thủ tục, giấy phép xây dựng cho nhà ở riêng lẻ của cá nhân.

Để tạo sự tin tưởng cho khách hàng, những dự án này, ủy quyền cho Công ty Hanoiland, đứng ra ký hợp đồng mua bán căn hộ. Tuy nhiên, việc ký hợp đồng này, cũng chỉ giải quyết vấn đề tâm lý an tâm cho người dân khi mua, nhưng cũng không được cấp sổ hồng cho từng căn hộ.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, cho biết hiện nay hầu hết các chung cư mini ở Hà Nội đều nằm trong nội thành và trong những con ngõ nhỏ. Sự tồn tại và phát triển mạnh mẽ của nó cho thấy một phần nhu cầu rất lớn của những người đang sinh sống và làm việc ở Hà Nội.

Theo ông, Nhà nước nên khuyến khích phát triển chung cư mini ở nội thành để đáp ứng nhu cầu nhà ở thực sự của người dân có thu nhập thấp.

“Chúng ta đừng hy vọng có dịch vụ nhà ở hiện đại ngay lập tức, vì thu nhập của chúng ta chỉ có thế thôi. Bộ Xây dựng nên có thông tư hướng dẫn riêng về chung cư mini, để đảm bảo người dân được quyền sở hữu hợp pháp loại hình nhà ở này” - Ông Võ nói.

(Theo TPO)

  • 0
  • By Admin
  • 08/10/2011
  • 17