Chung cư cũ: Vướng chuyện bồi thường tầng trệt, tầng trên
“Chung cư cũ chưa hết niên hạn sử dụng cũng như chưa xuống cấp đến mức nguy hiểm thì việc phá dỡ xây mới hoặc cải tạo phải được 2/3 tổng số chủ hộ đang sinh sống tại chung cư đó đồng ý”. Đó là nội dung của dự thảo nghị định cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ do Bộ Xây dựng soạn thảo.Chưa hết niên hạn vẫn có thể được xây mới
Trường hợp chung cư đã xuống cấp nghiêm trọng, khi xây dựng lại tại địa điểm cũ thì mỗi hộ dân được bồi thường một căn hộ mới với diện tích không nhỏ hơn 30 m2. Việc bố trí này được thực hiện theo nguyên tắc: Chủ căn hộ cũ ở tầng trệt khi chuyển lên tầng cao hơn được bồi thường căn hộ mới bằng 1,15 lần diện tích căn hộ cũ. Đối với căn hộ từ tầng một trở lên, khi chuyển sang căn hộ mới có tầng cao tương đương hoặc cao hơn, hộ dân được bồi thường căn hộ có diện tích bằng 1,1 lần căn hộ cũ. Còn nếu địa phương không có quỹ nhà để bố trí tái định cư tại địa điểm cũ nhưng lại có quỹ nhà ở địa điểm mới trong cùng một quận, chủ căn hộ chung cư cũ được bồi thường một căn hộ mới rộng hơn từ 1,3 đến 1,4 lần.
Đối với chung cư bị lún, nứt ở mức nguy hiểm, không đảm bảo an toàn nếu tiếp tục được sử dụng, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức di dời, bồi thường, giải phóng mặt bằng và thu hồi đất. Việc lựa chọn chủ đầu tư được thực hiện theo phương thức đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu dự án. Chỗ tạm cư của người dân trong thời gian xây lại chung cư do chủ đầu tư lo.
Chung cư An Đông tại phường 9, quận 5, Tp.HCM đã xuống cấp nhưng chưa được cải tạo. Ảnh: VIỆT HOA
Tầng trên chịu, tầng dưới không
Hiện nay, căn hộ tầng trệt ở các chung cư cũ có giá cao từ gấp đôi đến nhiều lần các các hộ ở tầng trên do chủ hộ có thể tận dụng mặt tiền để kinh doanh. Vì thế, nhiều ý kiến cho rằng mức bồi thường cho căn hộ ở tầng trệt trong nhà chung cư cũ như dự thảo là quá thấp, không công bằng. Điều đó khiến việc xây mới chung cư cũ rất khó thực hiện.
“Theo dự thảo, khi xây mới chung cư những hộ ở tầng trệt sẽ phải chuyển lên ở các tầng cao hơn. Như vậy, chúng tôi bỗng dưng bị mất cơ hội kinh doanh hoặc cho thuê nhà với giá cao” - ông Nguyên, chủ căn hộ ở tầng trệt khu tập thể Thành Công, Hà Nội, phân tích.
Ông Nguyễn Văn Lượng, chủ một căn hộ tại tầng trệt chung cư An Đông, phường 9, quận 5, Tp.HCM, cũng cho biết: “Chúng tôi rất ủng hộ việc xây dựng, cải tạo lại chung cư để bộ mặt đô thị đẹp hơn. Tuy nhiên, những điều kiện bồi thường như trong dự thảo là chưa hợp lý. Dù nhà có thể rộng rãi hơn nhưng chúng tôi không có chỗ để làm ăn. Mặt khác, đây là khu vực trung tâm nên đi đâu cũng thuận tiện. Nếu buộc phải chuyển thì phải cho chúng tôi xem trước chỗ ở mới và cũng phải có nơi để chúng tôi tiếp tục làm ăn”.
Trong khi đó, bà Nguyễn Tố Loan ở tầng hai chung cư này, lại hoàn toàn ủng hộ việc xây dựng lại các chung cư đã xuống cấp. Theo bà Loan, chung cư này được xây dựng từ cách đây rất lâu, diện tích mỗi căn rất nhỏ (38 m2), gia đình bà lại không làm ăn buôn bán gì nên việc chuyển đến nơi ở mới cũng không có gì khó khăn.
Thực tế cho thấy cả nước hiện có nhiều chung cư xuống cấp nghiêm trọng, cần phải di dời khẩn cấp nhưng chưa thực hiện được do nhiều chủ căn hộ ở tầng trệt không đồng ý với phương án bồi thường. Thậm chí có chủ đầu tư đề nghị bồi thường căn hộ tầng trên với diện tích gấp đôi nhưng họ vẫn từ chối. Điều này khiến chủ trương cải tạo, xây mới chung cư để chỉnh trang đô thị gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn chưa được giải quyết triệt để trong dự thảo lần này.
(Theo PLTPHCM)
- 156
- By Admin
- 15/09/2010
- 17