Chung cư bão hòa, người dân "mắc nạn"
Cuối năm 2008 đầu năm 2009, khi thị trường sôi động, hùn vốn cùng một số bạn bè thân, chị Thanh Trà đăng ký mua 2 căn chung cư cao cấp tòa B diện tích 136,63 m2 thuộc dự án Indochinal Plaza (Xuân Thủy, Cầu Giấy). Giá gốc căn hộ 2.650 USD/m2, hiện đã đóng được 45%. Tổng cộng số tiền chị Trà đã nộp cho chủ đầu tư gần 5 tỷ đồng.
Chị Trà dự tính, khi dự án xây nhấp nhô được vài tầng chị sẽ bán chênh lệch ra ngoài thị trường, tuy nhiên tất cả đều nằm ngoài dự tính thị trường chung cư cao cấp chìm trong gam "màu xám" khiến cho chị bị "mắc cạn" khi không kịp bán ra.
“Tôi đã giao bán lại hai căn hộ chung cư này với mức giá gốc ghi trên hợp đồng từ rất lâu nhưng vẫn không có người hỏi mua. Chỉ cần tính lãi suất theo ngân hàng khoản lỗ tôi nắm chắc trong tay vài trăm triệu đồng rồi. Buồn hơn nữa là không biết bao giờ mới có thể thanh khoản được vì rất ít khách hỏi mua”chị Trà cho biết.
Giữa năm ngoái, do mối quan hệ với chủ đầu tư, anh Đức Chính đã mua được một căn hộ rộng 134 m2 tại tòa 21T1 dự án chung cư dự án Hapulico (số 1 Ngụy Như Kom Tun, Thanh Xuân, Hà Nội), lúc đó giá gốc căn hộ 27 triệu đồng/m2. Theo như cam kết trong hợp đồng đến thời điểm này, anh Chính đã góp 40% tổng số tiền tương đương 1,5 tỷ đồng/căn hộ.
“Nếu đúng tiến độ thì đến tháng 6 này, tôi sẽ phải tiếp tục đóng thêm 20% giá trị căn hộ tức là khoảng 720 triệu đồng. Thế nhưng, do không đủ tiền nên tôi buộc phải bán. Nếu không kịp bán thì tôi cũng không biết xoay sở ra sao khi lãi suất ngân hàng đang cao ở mức kỷ lục như vậy” anh Chính chia sẻ.
Tại diễn đàn bất động sản trực tuyến, chị Quỳnh Nga - nhà đầu tư mua dự án căn hộ khu Rừng cọ Ecopark đăng tin chào bán: "Cần tiền gấp nên bán lỗ 100 triệu đồng cho hợp đồng mua căn hộ chung cư loại C tầng 11”. Theo lời chào mời sau khi đi thăm quan đô thị Ecopark, quá choáng ngợp bởi cảnh cảnh, môi trường, hạ tầng nên chị Nga đã mua căn hộ gần 90 m2 với tổng số tiền nộp là 95.700 USD tương đương 40%. Tuy nhiên, vì cần tiền đầu tư chị quyết bán và chịu lỗ.
Tuy nhiên, thời điểm này thật khó thanh khoản được trong khi chủ đầu tư vẫn còn một lượng lớn hàng chưa bán hết mặc dù đã chiết khấu tới 12%.
Chạy đôn đáo nhờ cậy, chị Ngọc Linh (Giám đốc một công ty truyền thông tại Hà Nội) xin mua được 2 suất ngoại giao chung cư Times City tọa lạc Minh Khai. Vừa mừng, vừa lo chị chạy ngược chạy xuôi nhờ các văn phòng môi giới bán hộ nguyên giá gốc, không cần chênh lệch vì suất của chị được hưởng chiết khấu 8%. Mặc dù vậy nhưng không có người mua.
“Mấy năm trước, lượng chung cư ít dự án nào ra hàng chỉ cần góp vốn vài chục phần trăm là có thể bán chênh lệch 200 -300 triệu đồng/căn bây giờ xin được suất mua giá gốc mà bán không nổi. Gia đình tôi không có nhu cầu ở, nếu nộp tiền mua thì không đủ, ngại nhất là hàng không bán được vì vậy khó có thể thu hồi được vốn. Vì vậy, tôi đành xin trả lại suất mua cho chủ đầu tư ” chị Linh than thở.
Chung cư bão hòa
Lý giải về sự ế ẩm thị trường chung cư, ông Nguyễn Trọng Ký – Phó tổng giám đốc công ty Techcovina cho rằng, hầu hết khách mua căn hộ chung cư đều chỉ với mục đích ở, còn lại các nhà đầu cơ không tham gia vì vậy thị trường không thể sôi động được.
Bên cạnh đó, do tín dụng thắt chặt khiến cho người mua nhà cũng gặp nhiều khó khăn vì giá mỗi m2 chung cư tại các quận trung tâm Hà Nội hiện rất cao trung bình khoảng 30-35 triệu đồng, ngoại vi Hà Nội hiện rơi vào khoảng 25-27 triệu đồng/m2. Hơn nữa, những dự án chung cư đều có chương trình hộ trợ vốn ngân hàng tuy nhiên lãi suất hiện giờ trên 25% thì khó có thể huy động được.
Đặc biệt, tâm lý người mua nhà hiện nay không thích chờ đợi bởi trên thị trường đã có rất nhiều chủ đầu tư “thất tín” thu tiền góp vốn của khách hàng nhưng dự án 3-4 năm vẫn chưa triển khai. Vì vậy, nhiều người chấp nhận chờ khi nào dự án xây gần xong họ mới mua vào mà giá lúc đó cũng chỉ chênh 2-3 triệu đồng/m2. Khoản tiền chênh lệch này chắc chắn ít hơn lãi vay ngân hàng.
Theo thống kê từ Colliers International, hiện tại Hà Nội ước tính có khoảng 45.000 căn hộ chung cư. Số lượng nguồn cung mới được chào bán trong quý I năm 2011 là trên 11.000 căn, nguồn cung mới chủ yếu từ khu vực phía tây TP Hà Nội như Hà Đông chiếm 28%, Thanh Xuân 29% và Từ Liêm 14%. Căn hộ chung cư hạng trung và cao cấp chiếm thị phần cao nhất lần lượt là 45% và 32%. Theo dự báo của Colliers International thì trong 3 năm tới nguồn cung căn hộ chung cư mới của Hà Nội có thể tăng thêm khoảng 70.000 căn, và có thể tăng cao hơn khi đang có hàng trăm dự án chung cư đang chờ Thủ tướng thông qua.
Ông Vũ Xuân Thiện - Cục phó Cục Quản lý nhà và Thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) cho hay: "Nguồn cung cũ căn hộ chung cư cao cấp còn lớn trong khi nguồn cung mới tiếp tục chào hàng sẽ dẫn tới tình trạng bão hòa phân khúc căn hộ”.
(Theo VnMedia)
- 0
- By Admin
- 31/05/2011
- 17