Chung cư Hà Nội nhiều không đếm xuể!
Dù biết các dự án chung cư ở Hà Nội là vô cùng nhiều nhưng khi thử thống kê số dự án tại Hà Nội, người viết vẫn không khỏi ngỡ ngàng và không hiểu vì sao lại có quá nhiều dự án đến vậy. Các công ty xây dựng chuyên nghiệp đã đành, nhưng những công ty như du lịch, dầu khí, bánh kẹo… cũng nô nức phong trào xây chung cư.Từ chuyên nghiệp…..
Khu phức hợp khách sạn-văn phòng-căn hộ-trung tâm thương mại Keangnam đang được đầu tư xây dựng tại đường Phạm Hùng, Cầu Giấy, Hà Nội. Ảnh: Hà Thành |
Có vô vàn các công ty đầu tư vào lĩnh vực này khiến tổng vốn đầu tư có thể vượt quá cả trăm tỷ USD. Vincom – công ty hàng đầu trong lĩnh vực bất động sản cao cấp nổi bật nhất với 3 dự án “hàng khủng” Royal City, Times City và Vincom Village.
Dự án Royal City với tổng vốn đầu tư lên tới 9.999 tỷ đồng. được khởi công từ đầu năm 2010 và đưa ra thị trường trong quý 3 năm 2010. Về cơ bản, Vincom đã hoàn thành việc bán các căn hộ tại Royal City, số lượng căn hộ còn lại dự kiến sẽ được đưa ra thị trường khi dự án sắp sửa được hoàn tất.
Dự án Times City – khu phức hợp đa năng hiện đại trên diện tích 36ha, tại 458 Minh Khai, Hà Nội đã được Vincom chính thức khởi công vào tháng 2/2011, dự kiến hoàn thành vào năm 2013 với tổng số vốn đầu tư là 5.500 tỷ đồng.
Vincom Village nằm tại Sài Đồng, Long Biên, Hà Nội với quy mô khoảng gần 200ha, trong đó có đến 41 ha là mặt hồ có vốn đầu tư lên tới gần 10.000 tỷ đồng. Dự án có khoảng 800-1000 căn biệt thự có nhiều loại diện tích khác nhau điển hình như 200m2, 225m2, 227m2, 292,7m2, 342m2,…
Sông Đà – Thăng Long, đại gia trong ngành bất động sản khác cũng không bỏ qua thị trường từng được đánh giá là vô cùng béo bở này với dự án Usilk City - Dự án khu đô thị mới Văn Khê mở rộng. Usilk-City có quy mô 9,2ha được thiết kế, tư vấn quản lý dự án bởi các đối tác đến từ Hàn Quốc. Vốn đầu tư của dự án này lên tới 10.000 tỷ đồng.
Một dự án khác cũng được chú ý là Nam An Khánh mở rộng. Vốn đầu tư của dự án lên tới hơn 15.000 tỷ đồng. Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Đô thị và Khu Công nghiệp Sông Đà là chủ đầu tư
Bên cạnh Mandarin Garden, Ecopark, Times City, Star City Centre – Hà Nội là một trong những dự án đang được quảng bá rầm rộ trên truyền hình. Star City Centre tọa lạc Khu đô thị Đông Nam Trần Duy Hưng. Đây là dự án có số vốn rất lớn, tên tới 12.000 tỷ đồng. Quy mô dự án gồm hơn 500.000m2 sàn xây dựng, trong đó có khoảng 160.000m2 sàn nhà ở, và hơn 200.000m2 sàn thương mại. Dự án do Tập đoàn Đại Dương làm chủ đầu tư.
Không chỉ đại gia đổ vốn vào xây chung cư, các “tiểu gia” trong ngành bất động sản cũng ồ ạt bung hàng với số vốn khổng lồ. Mới đây, ngày 22/5/2011, Futa Land đã mở bán sản phẩm đất nền dự án Phương Trang tại Hà Nội. Dự án được quy hoạch hoàn chỉnh với tổng diện tích lên đến 147ha, vốn đầu tư gần 9.000 tỷ đồng
Dự án Sunny Garden City được chủ đầu tư đổi tên từ dự án CEO Quốc Oai trước đây, với quy mô 24,4ha, tổng mức đầu tư 2.000 tỷ đồng. Dự án bao gồm khoảng 330 căn nhà vườn, biệt thự cao cấp diện tích từ 180 – 530m2 và khoảng 300 căn hộ từ 90 đến 156m2.
28/4/2011 vừa qua, Tổ hợp Trung Hòa – Nhân Chính –HN bắt đầu khởi công. Dự án có tổng vốn đầu tư lên tới 441 tỷ đồng do liên danh Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội (HANDICO), Công ty CP Đầu tư Thương mại Hà Nội Xanh và Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Hoàng Cường làm chủ đầu tư.
Mới đây khu đô thị Splendora của chủ đầu tư An Khánh JVC chính thức bắt đầu tung sản phẩm căn hộ cao cấp dự án này ra thị trường với giá dao động khoảng từ 36 – 40 triệu đồng/m2. Tổng số căn hộ cao cấp khoảng 500 căn, diện tích từ 88m2 đến 178m2. Vốn đầu tư cho dự án này là 2,57 tỷ USD.
Đây mới chỉ là một số dự án được nhắc tới trong thời gian qua. Ngoài ra còn rất nhiều dự án khác như Thanh Lâm – Đại Thịnh 1 và 2 do HUD làm chủ đầu tư; Khu đô thị Tây Nam Hà Nội của TCty Đầu tư và Phát triển HN, KĐT Việt Hưng; Tổ hợp văn phòng, nhà ở và thương mại ở Sài Đồng, Khu nhà ở cao cấp Ngoại Giao đoàn,và dự án Văn phòng VP5 tại Linh Đàm của Long Giang Land; Khu đô thị mới Vibex của CTCP Bê-tông xây dựng Hà Nội (Vibex); Sông Hồng Park View của Tổng công ty Sông Hồng; Dự án CT3 - Trung Văn của Công ty cổ phần đầu tư xây dựng hạ tầng và giao thông đô thị (Intracom);….
…. đến tay ngang
Số lượng dự án của các “tay ngang” tham gia thị trường không nhiều như của các đại gia chuyên nghiệp nhưng vẫn quá lớn so với sức tưởng tượng của người dân. Lạ lùng là nhiều công ty hoạt động trong cách lĩnh vực tưởng chừng như chẳng liên quan gì đến đất đai, nhà ở như lĩnh vực sản xuất bao bì, bánh kẹo, du lịch, dầu khí, viễn thông… cũng kịp thời mở rộng lĩnh vực sản xuất kinh doanh để xây dựng chung cư.Công ty Cổ phần HBI là một ví dụ. HBI được thành lập từ năm 2005, tiền thân là Công ty Cổ phần Bao bì Việt Nam. Năm 2008 Công ty đổi tên thành Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển Hòa Bình. Sau khi mở rộng lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, HBI kịp mang về cho mình một dự án xây dựng lớn. Đó là Tổ hợp văn phòng, nhà ở cao cấp tại quận Thanh Xuân. Diện tích sử dụng đất của Dự án khoảng 42.257m2, trong đó diệc tích đất mở đường quy hoạch là 97,8m2, diện tích để xây dựng công trình là 42.159,2m2.
Dầu khí là một trong những Tập đoàn có lượng đầu tư ra ngoài ngành là rất cao. Công ty Cổ phần Kinh doanh Dịch vụ cao cấp Dầu khí Việt Nam (PVR) đã trở thành chủ đầu tư của Tổ hợp nhà ở số 9 đường Lê Thánh Tông. Dự kiến Dự án sẽ được xây dựng với 3 tầng hầm 9 tầng nổi trên khu đất 11.156m2 với tổng diện tích sàn 71.042m2.
PVC - Công ty Cổ phần Dung dịch khoan và Hóa phẩm Dầu khí được nhắc đến khá nhiều trong thời gian qua khi là chủ đầu tư của tòa tháp Dầu khí cao nhất Việt Nam. Tòa nhà tọa lạc trên khu đất 25 ha tại xã Mễ Trì, dự án này có tổng vốn đầu tư là 1,2 tỷ USD. Dự kiến tòa nhà sẽ được khởi công vào đầu năm 2011 và sẽ hoàn thành sau từ 2,5 - 3 năm xây dựng.
“Nắm bắt kịp thời sự chuyển mình và phát triển của thị trường bất động sản Việt Nam, đặc biệt là sau khi Việt Nam trở thành thành viên của WTO, với phương châm phát triển hướng đến phục vụ lợi ích dân sinh, xã hội và doanh nghiệp, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội (Geleximco) đã mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực này và đã gặt hái được những thành công rất đáng khích lệ”, với những lời giới thiệu nằm khẳng định bất động sản là một trong những lĩnh vực quan trọng của mình, Geleximco đã đầu tư dự án lớn Khu đô thị Nam Láng Hòa Lạc rộng gần 900 ha với tổng vốn đầu tư dự kiến là 6.500 tỷ đồng.
Nhắc đến Hòa Phát, người ta nghĩ ngay tới thép và nội thất. Tuy nhiên, công ty này cũng kịp tham gia thị trường bất động sản khi mở công ty con Công ty Cổ phần Golden Gain Việt Nam (Hòa Phát nắm 85%) với sản phẩm Mandarin Garden.
Với lĩnh vực hoạt động tư vấn và quản lý các dự án đầu tư (không bao gồm dịch vụ tư vấn pháp luật, tài chính và tư vấn thiết kế, DV tư vấn, đấu giá...), Công ty CP Đầu tư IP Việt Nam cũng ghi tên thị trường bất động sản với Tổ hợp 187 Giảng Võ – Hà Nội. Dự án này dự kiến khởi công vào quý 2 năm nay.
Viễn thông là lĩnh vực hoạt động chính của Viettel. Tuy nhiên, Viettel cũng mạnh dạn đầu tư ngoài ngành ở nhiều lĩnh vực, trong đó có bất động sản qua Viettel – Hancic. Chung cư cao cấp cho CBCNV vốn 1.000 tỷ đồng gồm 2 toà nhà mỗi toà cao 25 tầng và 2 tầng hầm tại Khu đô Thị Trung Văn (Từ Liêm, Hà Nội) vừa được khởi công vào giữa tháng 5 vừa qua.
Công ty du lịch Hà Tây cũng không “thua chị kém em” khi có được dự án Hattoco 110 Trần Phú - Hà Đông. Công ty TNHH Bánh kẹo Thăng Long đầu tư vào thị trường chung cư qua dự án Bright City,…
Thế nhưng, các dự án chung cư vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Hiện đã, đang và sẽ có rất rất nhiều dự án khác bung hàng khiến lượng cung chung cư đã nhiều nay càng thừa hơn. Kết quả tất yếu là không ít chủ đầu tư méo mặt vì giá căn hộ sụt giảm mạnh, trong khi phải chịu áp lực lãi vay ngân hàng và tình trạng thiếu vốn.
(Theo VTCnew)
- 0
- By Admin
- 07/06/2011
- 17