• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Chung cư Hà Nội: Thà bán rẻ còn hơn để...ế

Tràn ngập dự án

Mặc dù chưa có con số thống kê Hà Nội có bao nhiêu dự án phát triển nhà ở, nhưng nhìn trên bản đồ quy hoạch sử dụng đất hoặc tìm kiếm (search) trên Internet thì thấy cả ngàn dự án rao bán bất động sản, được phân bổ khắp 29 quận, huyện, thị xã.

Từ đường Lê Văn Lương kéo dài đến đường Vành đai 4 có rất nhiều dự án khu đô thị như Trung Hòa - Nhân Chính, Phùng Khoang, Vạn Phúc, Văn Khê, Dương Nội, An Hưng, Park City, Mỗ Lao…

Tại Đại lộ Thăng Long - con đường dài và hiện đại nhất Việt Nam cũng "mọc" lên hàng loạt dự án hai bên đường như Khu đô thị mới Tây Mỗ - Đại Mỗ, quy mô gần 300 héc-ta; Khu đô thị mới Geleximco, Nam An Khánh, Bắc An Khánh, Vân Canh, CEO Quốc Oai, Splendora...

Ngoài ra, còn hàng trăm dự án chung cư được triển khai tại tại nhiều quận, huyện như Cầu Giấy, Từ Liêm, Tây Hồ…

Nhiều dự án xây nhà cho người thu nhập thấp cũng đã, đang và sẽ được triển khai. Ngoài dự án nhà ở thu nhập thấp tại đường Ngô Thì Nhậm, liên danh CTCP Bê tông và xây dựng Vinaconex Xuân Mai và CTCP Xây dựng số 21 đã khởi công dự án xây dựng 5 tòa nhà cho người thu nhập thấp tại phường Kiến Hưng, quận Hà Đông. Với quy mô mỗi tòa nhà cao 19 tầng và 1 tầng hầm, dự án cung cấp tổng cộng 1.512 căn hộ, có diện tích bình quân 70 m2/căn. Dự án xây dựng 10.000 căn hộ dành cho người thu nhập thấp tại Khu đô thị Bắc An Khánh, huyện Hoài Đức cũng được triển khai.

Tâm lý chờ giá xuống

Nhận định thị trường bất động sản tiếp tục trầm lắng bởi chính sách thắt chặt tín dụng đối với sản phẩm này của Chính phủ, ông Nguyễn Hữu Cường, Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội nhìn nhận, thị trường hiện đang có vấn đề về tính thanh khoản nên các giao dịch đang rơi vào trạng thái khó khăn. Trừ những dự án có tiềm lực tài chính tự có mạnh, còn tất cả dự án có hợp đồng vay vốn của ngân hàng đều khó khăn trong giai đoạn này. Đồng thời, tâm lý nhiều người mua chờ đợi sự xuống giá nữa của các sản phẩm bất động sản cũng làm cho thị trường thêm phần yên ắng.

Hiện nay, theo ông Cường, ở phân khúc dự án chung cư, nhất là chung cư cao cấp, chủ đầu tư cần có tính thanh khoản nhanh nên đã tạo ra nhiều hình thức ưu đãi, giảm giá. Do đó, thời điểm hiện tại, việc chờ đợi giá xuống hơn nữa, xuống tới mức độ nào thì mọi người vẫn chưa nhận ra. Thực chất, việc giảm giá đó chỉ là sự "cắt ngọn" của giai đoạn trước đó, còn cắt đến vùng nào, cắt đến biên độ nào, hợp lý hay không thì phải tính đến nhiều yếu tố như: vị trí, chất lượng, cơ sở hạ tầng, quy hoạch...

Theo các chuyên gia, thị trường bất động sản Việt Nam có 3 nguồn vốn chủ yếu là vốn tự có, vốn huy động của các nhà đầu tư và vốn vay ngân hàng. Trong đó, vốn tự có của chủ đầu tư thường rất ít, nhiều chủ đầu tư sau khi giải phóng mặt bằng xong là cạn tiền. Vốn huy động từ các nhà đầu tư và ngân hàng hiện rất khó khăn, do chịu ảnh hưởng từ chính sách thắt chặt tín dụng và những quy định mới chặt chẽ hơn.

Đại diện một tập đoàn bất động sản lớn tại Hà Nội lý giải việc các chủ đầu tư buộc phải chào bán hàng giá rẻ hiện nay là do sức ép cơ cấu lại dòng tiền, trả nợ ngân hàng, thu hồi vốn..., vì vậy họ không thể giữ dự án quá lâu. "Nếu không xoay được vốn bằng mọi cách, chủ đầu tư sẽ phải bán hàng ra, bất chấp thị trường gần như đóng băng. Nếu bán rẻ, giảm giá mà vẫn không có người mua, buộc chủ đầu tư phải dừng triển khai dự án", vị đại diện này nói.

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho rằng, mặt bằng giá giảm chưa đáng kể và mức giá hàng tỷ đồng một căn hộ là bất hợp lý trong bối cảnh hiện nay. "Tôi cho rằng, địa ốc Hà Nội vẫn còn cơ hội để giảm giá. Nếu không giải quyết được cơ chế đầu ra cho doanh nghiệp, cũng như tăng nguồn vốn vay cho người mua nhà, thì thị trường sẽ còn khó khăn và doanh nghiệp sẽ không có khả năng thu hồi vốn, dẫn tới thua lỗ", ông Hà nhận định.

(Theo ĐVO)

  • 0
  • By Admin
  • 28/06/2011
  • 17