Chung cư Đền Lừ 2 nhếch nhác vì "chuồng cọp"
“Chuồng cọp” để đảm bảo an toàn?
Đây vốn là khu tái định cư dành cho cư dân phải di dời giải phóng mặt bằng dự án cầu Vĩnh Tuy và một số dự án khác. Người dân các tòa nhà A1, A2, A3, A4 và A5 đã về đây sinh sống được vài năm, và sau thời gian đó, giờ đây hầu như căn hộ nào cũng “mọc” thêm “chuồng cọp” hoặc “lồng chim”.Nhan nhản "chuồng cọp" được dựng lên ở các tòa chung cư khu đô thị Đền Lừ như thế này. Ảnh: Lê Thảo |
Theo quan sát của PV, các loại “chuồng” ở đây đều được làm bằng các thanh sắt đủ màu, kích thước, kiểu dáng hoa văn, thậm chí có “chuồng cọp” còn được trang bị cả tấm tôn để che phía trên khỏi mưa, nắng hay được che bên ngoài bằng những loại mành nhựa, mành tre… trông rất nhếch nhác.
"Chuồng cọp" đủ kích thước còn được che mưa nắng bằng những tấm tôn, mành nhựa, mành tre.... Ảnh: Lê Thảo |
Song, phần lớn người dân ở đây đều lý giải, việc làm những chuồng cọp, lồng chim này là để đảm bảo an toàn vì phần lớn lan can ban công đều thấp, rất nguy hiểm với những gia đình có con nhỏ.
Một người dân ở tòa nhà A4 cho hay, chỉ là mấy thanh sắt gắn vào với nhau cũng không nặng lắm, chúng tôi “rào” lại chỉ với mục đích để quần áo phơi đỡ bị bay xuống đường.
Các loại "chuồng" cũng được người dân làm với mục đich phơi quần áo khỏi rơi xuống đường. Ảnh: Lê Thảo |
Với mục đích như thế, có lẽ khi các hộ dân cứ thấy hàng xóm nhà mình làm mà không ai nhắc nhở thì mọi nhà đua nhau làm theo?! Vì thế, đến nay hầu như căn hộ nào cũng được “bịt kín” bằng các “chuồng cọp”.
Qua tìm hiểu của PV, các trường hợp quây ban công, làm đua ra thêm vài chục phân đều được các tổ trưởng, ban quản lý tòa nhà nhắc nhở, giải thích làm như vậy là sai. Thế nhưng, không hiểu sao đủ loại “chuồng cọp”, “lồng chim” vẫn cứ ngang nhiên được dựng lên và tồn tại? Chẳng lẽ, chỉ với cái lý của người dân là do ban công thấp, mất an toàn nên phải dựng các loại “chuồng” mà chưa có cơ quan chức năng nào lên tiếng?!
Quy định xử phạt có, vì sao “chuồng cọp” vẫn tồn tại?
TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam cho hay, việc lắp đặt "chuồng cọp" trên ban công không chỉ gây nguy hiểm cho các hộ bên dưới, mà còn làm phá vỡ kiến trúc của tòa nhà, vi phạm quyền hưởng không gian đô thị của ngay chủ nhà và các hộ lân cận.Mặt khác, việc tòa nhà bị sửa chữa, đeo thêm các lồng sắt còn gây biến dạng kết cấu, ảnh hưởng chất lượng công trình. Do đó, chính quyền đô thị cần có biện pháp mạnh xử phạt những hộ dân lắp đặt "chuồng cọp" tại ban công theo quy định. Nếu không, người dân các tòa chung cư sau này cứ đua nhau làm sẽ trở thành tiền lệ xấu.
Theo Nghị định 126/2004/NĐ-CP ngày 26.5.2004 về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, quản lý công trình hạ tầng đô thị và quản lý sử dụng nhà thì sẽ phạt từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong những hành vi: đục phá, cải tạo, cơi nới dưới mọi hình thức; tháo dỡ hoặc làm thay đổi phần kết cấu chịu lực, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị sử dụng chung, kiến trúc bên ngoài của nhà chung cư.
Ngoài các hình thức xử phạt, tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị xử phạt bổ sung và bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp sau: Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính đối với các vi phạm… Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra.
Quy định xử phạt rõ ràng là thế, nhưng không hiểu sao từ những chung cư, tập thể cũ đến những tòa chung cư ở các khu đô thị mới này, “chuồng cọp”, “lồng chim” vẫn cứ ngang nhiên tồn tại?!
(Theo LĐO)
- 0
- By Admin
- 28/02/2012
- 17